Sức khỏe

Thái Nguyên: Lan tỏa các chính sách Bảo hiểm xã hội đến toàn dân

Thùy Linh 02/07/2023 09:50

Ngày 21/11/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1676/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội (BHXH). Đề án chọn tháng 5 hằng năm là Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân. Tại tỉnh Thái Nguyên, việc tổ chức Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân đã thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp Nhân dân đối với chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) - hai trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

Để hiểu rõ hơn về lợi ích cũng như những kết quả của việc thực hiện BHXH toàn dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên.

Thưa ông, ông có thể cho biết những nỗ lực của ngành BHXH trong quá trình triển khai các chính sách BHXH đến toàn dân tại Thái Nguyên?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Phát triển BHXH bao phủ toàn dân là mục tiêu rất quan trọng, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Với ý nghĩa đó, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của cơ quan BHXH, công tác tổ chức thực hiện BHXH, BHYT, BHTN của cơ quan BHXH tỉnh Thái Nguyên trong thời gian vừa qua đã góp phần đưa chính sách ngày càng đi vào cuộc sống và phát huy được vai trò hiệu quả của việc thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh.

Để có được kết quả đó BHXH tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp: Thứ nhất, công tác chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo cơ quan BHXH tỉnh, sự nỗ lực vượt khó của cán bộ, viên chức ngành BHXH trong quá trình triển khai chính sách BHXH, BHYT.

ong-nguyen-hong-truong.jpg
Ông Nguyễn Hồng Trường - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên.

Thứ hai, công tác truyền thông chính sách pháp luật đã được chú trọng đổi mới về hình thức và nội dung, đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm chủ thể, đơn vị cũng đã đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền trên các nền tảng trực tuyến như trang Zalo, Fanpage của cơ quan BHXH; tuyên truyền trực tiếp đến người dân để họ hiểu được chính sách để từ đó chủ động tham gia chính sách an sinh xã hội.

Thứ ba, công tác phát triển người tham gia. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng ngành BHXH đã tập trung nhiều giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, như đã tích cực tham mưu, báo cáo, đề xuất nhiều giải pháp cho cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, để phát huy vai trò của Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp; giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; đôn đốc thường xuyên việc trích nộp BHXH, BHYT; tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tiễn tại các đơn vị sử dụng lao động để chia sẻ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách của đơn vị.

Thứ tư, công tác tiếp nhận, giải quyết chế độ BHXH, BHTN được thực hiện một cửa liên thông, linh hoạt qua giao dịch điện tử hoặc hồ sơ giấy. Công tác chi trả thực hiện qua nhiều hình thức: Chi trả lương hưu và trợ cấp hàng tháng cho trên 78.000 người hưởng thông qua Bưu điện hoặc qua tài khoản ATM của người hưởng; chi trả chế độ trợ cấp BHXH một lần tại cơ quan BHXH và chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức thông qua đơn vị sử dụng lao động... đảm bảo chính xác, kịp thời, đúng chế độ.

Thứ năm, công tác giám định, thanh toán chế độ BHYT: cơ quan BHXH đã ký hợp đồng khám chữa bệnh với 46 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh từ tuyến trung ương đến tuyến huyện, tuyến xã để thực hiện KCB cho người có thẻ BHYT. Hàng năm cơ quan BHXH đã thanh toán trên 1,7 triệu lượt khám chữa bệnh, với chi phí trên 1.550 tỷ đồng. Cơ quan BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh đề ra các giải pháp để quản lý hiệu quả kinh phí khám chữa bệnh BHYT và đảm bảo các quyền lợi của người có thẻ BHYT trong quá trình KCB.

Trong quá trình tổ chức thực hiện có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Bên cạnh những thuận lợi như có sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp và sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT thì cũng còn có những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Thứ nhất, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động, thậm chí có doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, dẫn đến số người lao động tham gia BHXH, BHYT bắt buộc sụt giảm. Bên cạnh đó, một số chủ sử dụng lao động ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT cũng chưa cao, nên vẫn còn tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Thứ hai, số người tham gia BHXH, BHYT phát triển chưa bền vững, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động đến người dân; việc thay đổi chính sách như Quyết định phê duyệt danh sách các xã khu vực I, II, III thuộc các xã khó khăn, những người dân ở địa bàn này không còn được nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT; việc thay đổi mức đóng tối thiểu của người tham gia BHXH tự nguyện; việc tinh giảm biên chế ở các cơ quan, đơn vị cũng làm cho số người tham gia BHXH, BHYT giảm.

Thưa ông Nguyễn Hồng Trường, năm 2023 là năm thứ 4 tổ chức Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân. 3 lần tổ chức trước đều diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến khá phức tạp, Thái Nguyên đã có những giải pháp cụ thể như thế nào để triển khai hiệu quả Tháng hành động?

Trong 3 năm vừa qua, tình hình diễn biến của dịch COVID-19 rất phức tạp, để tổ chức hiệu quả Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân phù hợp với diễn biến dịch bệnh từng năm, BHXH đã xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết, lựa chọn phương thức tuyên truyền, số lượng người ra quân, địa điểm tổ chức phù hợp, áp dụng các biện pháp về phòng chống dịch để không vi phạm quy định phòng chống dịch, mà vẫn thực hiện được mục tiêu kép vừa đảm bảo tuyên truyền lan tỏa chính sách đến người dân vừa phòng chống dịch hiệu quả.

anh-3.jpg
BHXH huyện Đồng Hỷ tổ chức Lễ ra quân Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân với sự tham gia tích cực của chính quyền và các hội, đoàn thể ở cơ sở.

Thưa ông ngành BHXH tỉnh Thái Nguyên đã, đang và sẽ triển khai những phần việc cụ thể như thế nào trong Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân năm 2023 trên địa bàn tỉnh?

Trong Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, BHXH tỉnh Thái Nguyên tăng cường hoạt động truyền thông với nhiều hình thức như: Truyền thông trực quan (tổ chức chăng treo băng rôn, khẩu hiệu, phướn... truyền thông các thông điệp về chính sách BHXH trên các trục đường, phố chính của thành phố, thị xã, thị trấn, nơi có đông người qua lại và tại trụ sở cơ quan BHXH các cấp); truyền thông thông qua các hội nghị truyền thông, truyền thông nhóm nhỏ; truyền thông trực tiếp cho người lao động tại các Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh; truyền thông lồng ghép tại đơn vị sử dụng lao động nhân Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động; kết hợp phát các sản phẩm truyền thông (tờ rơi, tờ gấp) ... Phối hợp với các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phát động phong trào thi đua truyền thông, vận động hội viên, người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tăng cường số lượng, tần suất các tuyến bài chuyên sâu, bài phỏng vấn, chương trình Tọa đàm/Đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên, Clip tin tức, Infographic... trên các kênh thông tấn, báo chí, truyền thông của Trung ương, của tỉnh; các phương tiện truyền thông của Ngành; môi trường Internet, mạng xã hội; tăng cường truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, truyền thông lưu động. Đồng thời, phát động và hưởng ứng các phong trào thi đua đối với các đơn vị, cá nhân trong ngành nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023.

Cùng với triển khai hiệu quả Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân năm 2023, Ngành BHXH tỉnh sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp cụ thể như thế nào để thực hiện các mục tiêu về BHXH toàn dân, thưa ông?

Xác định nhiệm vụ trong năm 2023 rất nặng nề, BHXH tỉnh Thái Nguyên đã chủ động xây dựng các giải pháp nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao, đó là: Tiếp tục phát huy vai trò và tranh thủ sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp, tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BHTN, đưa chính sách BHXH, BHYT, BHTN nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến được đông đảo với Nhân dân và người lao động. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT thường xuyên, liên tục, linh hoạt, đa dạng với hình thức và nội dung phù hợp với từng nhóm chủ thể tham gia, chú trọng tuyên truyền đối thoại trực tiếp và truyền thông qua mạng xã hội, internet. Triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện các nghiệp vụ, cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh giao dịch điện tử, chuyển đổi số, nâng cao thái độ, chất lượng phục vụ của cán bộ, viên chức ngành BHXH, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình tham gia và giải quyết các chế độ chính sách BHXH, BHYT hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Phát động các phong trào thi đua chuyên đề, thi đua nước rút trong toàn đơn vị, có đánh giá sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời nhằm động viên khích lệ công chức viên chức và người lao động nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Lan tỏa các chính sách Bảo hiểm xã hội đến toàn dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO