Thái Nguyên: Cấp đất trồng rừng cho doanh nghiệp chồng lấn lên đất của dân ở Đồng Hỷ

30/10/2018 14:18

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường đã nhận được đơn thư của ông Phạm Văn Thanh, trú tại xóm Đoàn Lâm, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên phản ánh về việc gia đình ông có đất rừng đã được cấp sổ lâm bạ từ năm 1988 nhưng đến nay khoảng 95% diện tích đất rừng lại nằm trong bìa của một doanh nghiệp địa phương. Gia đình rất lo lắng, đã có đơn gửi đến các cấp chính quyền địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. 

1
Vạt đất rừng keo của gia đình ông Phạm Văn Thanh bị cấp nhầm cho doanh nghiệp địa phương.


Năm 1961, ông Phạm Quốc Việt là bố đẻ ông Phạm Văn Thanh rời quê hương xã Ngọc Lâm, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước ta lên định cư, xây dựng vùng kinh tế mới tại xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Từ đó ổn định công việc và cuộc sống trong vùng rừng núi đại ngàn, âm u này. Ông Việt cùng các gia đình xã viên Hợp tác xã Đoàn Lâm đã cùng nhau cắt gỗ rừng phục vụ nhà nước, tra mố trồng cây gây rừng, sinh sống ổn định.

Từ ngày lên đến 17 năm sau (1988), gia đình ông Việt được nhà nước cấp cho khoảng 5ha gồm đất ở, đất trồng rừng, một ít ruộng và vườn tạp để dựng nhà, tăng gia sản xuất. Gia đình ông Việt đã yên tâm sinh cơ, lập nghiệp và sử dụng ổn định diện tích đất đai được nhà nước cấp trong hàng chục năm qua, không hề xảy ra tranh chấp đất đai với bất kỳ ai trong xóm. Nay khi ông Việt đã chết. Đất đai để lại cho các con. Gia đình vẫn thường xuyên chăm rừng, bón chè, trồng lúa nước để phát triển kinh tế hộ.

2
Ông Phạm Văn Thanh, xóm Đoàn Lâm, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cung cấp chứng cứ hợp pháp được nhà nước cấp đất ở, đất lâm nghiệp hợp pháp


Giữa năm 2016, gia đình ông Phạm Văn Thanh (con đẻ ông Việt) mới biết thông tin khoảng 95% diện tích đất đai đang sử dụng đã thuộc về một doanh nghiệp địa phương là công ty Cổ phần - Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên. Mọi người trong gia đình ông Thanh rất khó hiểu và vô cùng lo lắng vì bị mất đất, mất quyền sử dụng hợp pháp diện tích đất nêu trên.

Ông Thanh bần thần cho biết: “Gia đình tôi đã đề nghị ra xã, ra huyện rồi nhưng chỉ nhận được những lời hứa sẽ giải quyết. Nghe đâu như họ bảo, thẩm quyền của xã, của huyện là chỉ đề nghị lên cấp trên thôi. Quyền lực lớn nằm ở trên tỉnh, vì tỉnh đã trót cấp bìa cho doanh nghiệp, chồng chéo lên đất của nhà tôi. Vậy nên, chỉ tỉnh mới có quyền thu lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho công ty, để sửa lại rồi tách đất ra, trả lại chúng tôi. Thật là khó khăn quá…”

4
Cổng làng nghề chè truyền thống xóm Đoàn Lâm, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.


Qua xác minh thêm thông tin từ những người dân cùng xóm Đoàn Lâm cùng có thời gian tham gia công cuộc di dân đến xây dựng vùng kinh tế mới, về quá trình ông Phạm Quốc Việt được giao, nhận đất hợp pháp, bà Nguyễn Thị Hạnh, sinh năm 1945 còn nhớ như in và đã khẳng định: "Năm 1963, tôi mới lên đây(xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ) khai hoang, lập ấp thì đã thấy ông Phạm Quốc Việt lên trước đó rồi. Mọi người trong hợp tác xã làm việc rất chăm chỉ để xây dựng đất nước. Đất của nhà ai được giao thì vẫn giữ để trồng cây, trồng lúa, làm vườn ổn định y nguyên đến nay".
 

Cũng chung thời điểm tháng 11/1963, ông Trương Văn Ninh sinh năm 1942, ở xã Ngọc Lâm, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên nói chắc chắn: "Gia đình tôi và ông Việt đã ở rừng này đến 60 năm rồi. Chúng tôi lên từ lúc rừng rậm, hùm beo cùng chung sống với người. Từ đó đến nay, gia đình ông Việt khai vỡ được ít đất thì nhà nước cấp sổ lâm bạ cho sử dụng suốt mấy chục năm qua không có tranh chấp với ai. Việc hôm nay lại vào sổ cho công ty là không đúng, không được rồi. Thấy ý kiến của dân đề nghị thì chính quyền phải ra sức mà kiểm tra, thấy đúng thì bằng mọi cách bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân chứ". 

Nhiều nhân chứng khác đều có khẳng định khách quan việc 5ha đất lâm nghiệp của ông Phạm Quốc Việt được nhà nước giao hợp pháp.

Làm việc với chủ tịch xã Văn Hán, ông Vi Ngọc Thi được biết: UBND xã Văn Hán đã tổ chức buổi làm việc có mời gia đình ông Thanh và công ty đến giải quyết vụ việc. Xã đã đề nghị phía công ty trả lại đất cho gia đình ông Việt, ông Thanh nhưng công ty không đồng ý. Vì UBND tỉnh đã cấp quyền sử dụng đất cho công ty rồi. Với tư cách lãnh đạo UBND xã Văn Hán, tôi đồng tình với ý kiến chính đáng của gia đình ông Thanh và đề nghị lãnh đạo chính quyền cấp huyện, tỉnh cần sớm vào cuộc giải quyết nhanh chóng vụ việc cấp chồng chéo bìa đỏ này để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân. Xã Văn Hán còn vài trường hợp như vậy chưa được giải quyết…”

5
Ông Vi Ngọc Thi (áo trắng), Chủ tịch UBND xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên: “Tôi đồng tình với ý kiến chính đáng của gia đình ông Thanh và đề nghị lãnh đạo chính quyền cấp huyện, tỉnh cần sớm vào cuộc giải quyết nhanh chóng vụ việc cấp chồng chéo bìa đỏ này để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân.”


Ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho rằng: "Việc cấp đất rừng cho doanh nghiệp có sơ suất, chồng chéo lên đất của dân là có thật. Huyện sẽ có chỉ đạo rà soát sớm để báo cáo tỉnh xem xét giải quyết kịp thời, nếu sai thì thu lại, chỉnh sửa rồi cấp lại bìa cho đúng, người dân cứ an tâm chời đợi và không lo mất tài sản, quyền lợi của  mình".
 

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương, ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên cần khẩn trương vào cuộc tổng rà soát lại để lập hồ sơ cụ thể những trường hợp có đất rừng, có hồ sơ đất lâm nghiệp hợp pháp, đủ điều kiện mà bị cấp chồng chéo cho công ty Cổ phần - Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên . Đồng thời, cần có cách thức xử lý đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân như ông Phạm Văn Thanh và nhiều trường hợp bị cấp bìa đỏ chồng đè khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Cấp đất trồng rừng cho doanh nghiệp chồng lấn lên đất của dân ở Đồng Hỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO