Thái Nguyên: Bất an với khai thác cát sông Rong

08/04/2014 00:00

(TN&MT) - Dân Tiến là một xã vùng cao thuộc huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Xã nằm tại phía Đông Nam của huyện và có dòng sông Rong (sông Rang)...

(TN&MT) - Dân Tiến là một xã vùng cao thuộc huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Xã nằm tại phía Đông Nam của huyện và có dòng sông Rong (sông Rang), một phụ lưu của sông Thương chảy trên địa bàn. Nhiều đời nay, sông Rong là một trong những nguồn cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất chính cho người dân địa phương, đồng thời cũng là nơi cung cấp tài nguyên cát sỏi phục vụ công nghiệp xây dựng.
   
  Theo phản ánh của người dân, trong thời gian gần 2 năm trở lại đây, việc khai thác cát sỏi trên sông Rong, đoạn qua 2 xóm Đoàn Kết và Đồng Chuối liên tục đã kéo theo nhiều hệ lụy về biến đổi dòng chảy, phá vỡ cảnh quan, môi trường, làm giảm hiệu lực công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn...
   
Liệu có ngăn chặn được vấn nạn hút cát không phép?
    
   
  Ông Lê Huy Khắc, trú tại xóm Đoàn Kết, xã Dân Tiến cho biết: Sông Rong là con sông duy nhất cung cấp nước sinh hoạt hàng ngày cho nhân dân các xã: Dân Tiến, Bình Long của huyện Võ Nhai và các xã thuộc tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên, hai năm nay, một số cá nhân trên địa bàn xã đã lợi dụng việc cho phép khai thác cát sỏi trên sông Rong để khai thác vàng sa khoáng, làm dòng sông đục ngầu. Người dân địa phương nhiều năm nay đã không thể sử dụng nước sông được nữa…
   
  Từ phản ánh của bà con nhân dân, chúng tôi đã về Dân Tiến với mục đích tận mắt chứng kiến sự việc. Tiếp nhóm phóng viên tại trụ sở, ông Âu Tiến Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Dân Tiến cho hay: Việc khai thác cát trên sông Rong đoạn qua địa bàn xã được UBND tỉnh Thái Nguyên giao cho doanh nghiệp tư nhân Việt Cường (địa chỉ tại Đồng Bẩm, TP. Thái Nguyên) thực hiện với thời gian lên tới 49 năm.
   
  Thực tế, doanh nghiệp tư nhân Việt Cường không trực tiếp khai thác cát trên khu vực này mà thuê lại các tàu cuốc và người dân địa phương khai thác. Trong đó, ông Lê Văn Quy người xóm Tân Tiến quản lý 3 tàu cuốc, chiếc còn lại do ông Lương Văn Hưởng ở xóm Phương Bá làm chủ.
  Về việc khai thác cát khiến dòng sông ô nhiễm, ảnh hưởng tới sản xuất của người dân, ông Âu Tiến Thọ khẳng định đó là phản ánh đúng.
   
  “Có thời gian (khoảng giữa năm 2012) người dân xóm Đoàn Kết còn rào đường, không cho doanh nghiệp khai thác…”- ông Âu Tiến Thọ cho biết thêm.
   
  Cũng theo ông Âu Tiến Thọ, trên sông Rong, nhiều năm trước người dân địa phương đã tiến hành đãi vàng sa khoáng. Bản thân ông trước khi làm cán bộ xã cũng hàng ngày cùng gia đình đãi vàng trên sông này, dù không được nhiều, mỗi ngày ông cũng thu được vài phân vàng.
   
  Ông Âu Tiến Thọ, băn khoăn: Trữ lượng cát trên sông Rong đoạn qua xã Dân Tiến không nhiều, đến thời điểm này, dọc hai bờ sông đã không còn cát. Để có thể khai thác khoáng sản, hiện doanh nghiệp đã phải thương thảo với các hộ dân để khai thác cát trên các đất vườn ven sông. Không hiểu tại sao lãnh đạo tỉnh lại cấp phép cho doanh nghiệp dài đến vậy?!
   
  Quan sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, các phản ánh của cán bộ, nhân dân địa phương là hoàn toàn có cơ sở. Đi dọc dòng sông Rong chảy qua 2 xóm Đồng Chuối và Đoàn Kết chỉ hơn 1km nhưng đâu đâu cũng thấy sỏi cuội nổi lên ngăn dòng chảy của sông. Có cả những con đường được đổ từ bờ ra giữa sông để phục vụ xe tải loại nhỏ ra “ăn cát” khiến dòng nước sông Rong chảy qua đoạn này chỉ như một con mương nhỏ. Những mảnh ruộng, những mảnh vườn ven sông của các gia đình như ông Việt, bà Tuyết, bà Xuyến, ông Mai…lần lượt bị dòng sông nuốt chửng mỗi khi mưa lũ về.
   
  Bà Đặng Thị Tuyết, trú tại xóm Đồng Chuối cho biết: 2 đợt lũ năm 2013 vừa qua nước sông Rong đã “ăn” vào vườn trồng ngô của gia đình bà gần 2 chục mét, tạo thành hố sâu hoắm khiến khu vườn sau nhà có thể lở bất cứ lúc nào. Bà Tuyết cũng đã nhiều lần phản ánh lên các cấp chính quyền và doanh nghiệp, mới đây đơn vị cũng cho máy vào lấp ít sỏi nhưng chỉ làm qua loa rồi đi, lấp cũng chẳng đáng là bao!
   
  Ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư chi bộ xóm Đoàn Kết cho hay, đó là những hậu quả của những chiếc tàu hút cát để lại chưa biết khi nào có thể khắc phục được. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị nhưng tất cả đều rơi vào im lặng, từ tỉnh, đến huyện đều không thấy cơ quan, lãnh đạo nào trả lời!
   
Hoa Linh Lan
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Bất an với khai thác cát sông Rong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO