Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp

Chủ Nhật, 27/7/2025 15:2 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 30/03/2023, 14:21 (GMT+7)

Thái Bình: Nhiều giải pháp thúc đẩy sử dụng hiệu quả nguồn nước

Thứ Năm 30/03/2023 , 14:21 (GMT+7)

(TN&MT) - Mặc dù Việt Nam là một quốc gia có mạng lưới sông ngòi và hệ thống ao hồ dày đặc nhưng theo Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA), Việt Nam thuộc nhóm quốc gia "thiếu nước". Điều này cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân.

ictvietnam-mediacdn-vn-2511nuocsach-1661242467541161506873.jpg

Hiện nay, Việt Nam mới có khoảng 51% người dân nông thôn được cấp nước sạch đạt quy chuẩn.

Nguồn chi cho nước sạch, vệ sinh giảm

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), nước sạch và vệ sinh có vai trò rất quan trọng đối với công tác xóa đói, giảm nghèo. Đây cũng là một chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.

Báo cáo Tài chính cho ngành nước năm 2022 của UNICEF cho thấy, đến năm 2022, Việt Nam chỉ có 52% dân số được sử dụng nước sạch, tương đương với nước máy. Hiện trạng này cho thấy Việt Nam khó mà đạt được mục tiêu đến 2025 có 95 - 100% người dân thành thị và 93 - 95% người dân nông thôn có nước sạch để dùng.

Theo ước tính của báo cáo này, để đạt được mục tiêu 100% dân số được dùng nước sạch 24 giờ mỗi ngày tại nhà, Việt Nam cần 34,9 tỷ USD (tương đương 13% GDP của Việt Nam vào năm 2020), bao gồm 18,6 tỷ USD cho cấp nước và 13,5 tỷ USD cho vệ sinh môi trường cũng như duy tu bảo dưỡng những công trình đã được đầu tư.

Trong khi đó, một báo cáo khác của UNICEF vào năm 2020 cho thấy, tổng chi cho các hoạt động cơ bản liên quan đến nước sạch và vệ sinh lại giảm sút, từ 2,016 tỷ USD năm 2016 xuống còn 1,397 tỷ USD năm 2018. Nhìn chung, tổng chi cho nước sạch và vệ sinh đã giảm từ 1% năm 2016 xuống còn 0,56% GDP năm 2018.

nuoc-sach-ve-sinh.jpg

Nước sạch và vệ sinh tiếp tục là một ưu tiên trong công tác giảm nghèo trong giai đoạn tới

Từ năm 2016, nguồn vốn cho nước sạch và vệ sinh đã được lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, chưa có tiêu chí và mục tiêu cụ thể để phân bổ ngân sách cho nước sạch và vệ sinh trong các chương trình này, chứ chưa nói đến tiêu chí để phân bổ công bằng.

Nhiều địa phương trên cả nước đã gặp khó khăn trong công tác quản lý và cấp nước sạch, trong đó có tỉnh Thái Bình. Tính đến tháng 1/2023, Thái Bình có 75 công trình cấp nước sạch tập trung với tổng công suất thiết kế 367.390 m3/ngày đêm, công suất thực tế hiện nay đạt gần 520.000m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên hoạt động quản lý và cấp nước sạch còn gặp một số khó khăn, tồn tại như chưa bảo đảm về tính ổn định, liên tục về lượng, áp lực, chất lượng nước ở một số khu vực khó khăn vẫn chưa triệt để…

Những chủ trương, chính sách sát với thực tiễn

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trên, nhưng thời gian qua, các cấp, các ngành tỉnh Thái Bình đã nỗ lực đưa nước sạch về tới từng thôn làng, từng hộ dân. Từ năm 2000, tỉnh đã có chủ trương đưa nước sạch về nông thôn để bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Trước thực trạng người dân nông thôn thiếu nước sạch để sinh hoạt và khai thác nguồn nước ngầm tùy tiện, từ năm 2012, tỉnh đã quyết liệt đưa ra nhiều giải pháp. “Khó, nhưng không phải là không làm được!” là nhận định của lãnh đạo tỉnh khi đó.

Nhiều nghị quyết, quyết định và các văn bản chỉ đạo liên quan đến nước sạch được ban hành. Liên tục trong các năm 2012, 2014, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND và Quyết định số 19/2014/QĐ-UBND quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2012 - 2015. Đây được coi là căn cứ quan trọng để Thái Bình triển khai thực hiện việc cấp nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn.

Để đảm bảo công tác cấp nước sạch cho vùng nông thôn trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo trong việc khắc phục triệt để tình trạng cấp nước chưa bảo đảm của một số đơn vị; tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động cấp nước đối với các đơn vị cấp nước sạch trên địa bàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các đơn vị cấp nước xây dựng kế hoạch, phương án cấp nước an toàn, ổn định và khẩn trương rà soát, bảo trì, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống cấp nước, bảo đảm chất lượng nước.

Từ quyết tâm của chính quyền, nhiều nguồn vốn cũng được ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình liên quan đến cung ứng nước sạch như: vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, vốn vay Ngân hàng Thế giới, vốn xã hội hóa… Cái khó về kinh phí đã có lời giải nên các ngành và các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện để mạng lưới nước sạch sớm phủ kín các thôn làng.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, quản lý công trình nước sạch nông thôn tới các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Ngoài trực tiếp đối thoại với các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch, Ngân hàng tổ chức đi thực tế khảo sát, kiểm tra tại các dự án nước sạch để nắm bắt thông tin, từ đó có giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, giúp các doanh nghiệp vay vốn tín dụng thuận lợi.

Các chính sách phù hợp, sát với thực tế của tỉnh đã bắt đầu có sức hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh nước sạch nông thôn.

Kỳ vọng đáp ứng nhu cầu nguồn nước từ một Kế hoạch mới

Liên quan đến việc bảo vệ an toàn nguồn nước, bảo đảm chất lượng nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch này là bảo vệ an toàn nguồn nước; tích trữ, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống có hiệu quả và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đồng thời, tăng cường khả năng chống lũ của hệ thống đê điều và khả năng điều hoà, trữ nước của hệ thống hồ, ao gắn với chỉnh trang các khu đô thị, dân cư và kết nối giao thông; nâng cao mức bảo đảm tiêu thoát nước, chống úng ngập; giảm mức phát thải khí nhà kính; bảo vệ môi trường sinh thái; ngăn chặn xu hướng suy giảm tải nguyên nước và từng bước thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Kế hoạch cũng vạch ra các mục tiêu cụ thể. Theo đó, đến năm 2025, hoàn thiện nâng cấp hệ thống đê điều, thủy lợi đảm bảo chống lũ thiết kế và điều tiết, cân đối đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thành việc lập, lồng ghép nội dung phương án phát triển hệ thống hạ tầng phòng, chống thiên tai và thủy lợi; phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trong Quy hoạch tỉnh và tổ chức triển khai thực hiện.

100% hộ gia đình ở thành thị, nông thôn được cung cấp ổn định nước sạch theo quy chuẩn đảm bảo đủ nhu cầu sử dụng từ hệ thống công trình cấp nước tập trung.

Đến năm 2030, nâng cấp khả năng chống lũ của hệ thống đê điều bảo đảm chống được lũ thiết kế tần suất 300 năm; hiện đại hóa hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm ổn định, bền vững việc cân đối đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội; 100% khu công nghiệp và 80% trở lên cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; phấn đấu 50% tổng lượng nước thải tại đô thị được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường.

46484_nha_may_nuoc_sach_hung_ha_bao_dam_cung_cap_nuoc_on.jpg
Thái bình vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ngoài ra, hoàn thiện đồng bộ hệ thống công trình điều tiết nước mặn, nước ngọt và công trình thuỷ lợi theo quy hoạch bảo đảm điều tiết nước và phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả với thiên tai, bão lũ, các sự cố ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, phấn đấu 70% nguồn nước thuộc đối tượng phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước được cắm mốc hành lang bảo vệ 100% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống theo quy định; 100% hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa được công bố và quản lý chặt chẽ, không bị san lấp.

Đến năm 2045, 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước tại các lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được kiểm soát và khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, bảo đảm an ninh nguồn nước. Hoàn thiện hệ thống mạng lưới quan trắc nguồn nước nhằm dự báo, cảnh báo ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.

Trước năm 1998, tỉnh Thái Bình chỉ có khoảng 16.000 nhân khẩu sử dụng nước sạch thì đến ngày 31/12/2017, Thái Bình đã có 429.687 hộ dân sử dụng nước sạch (đạt 77,8%). Như vậy, sau gần 10 năm, số nhân khẩu sử dụng nước sạch đã tăng lên gấp hàng trăm nghìn lần.

Xem thêm

Đọc nhiều nhất

Bình luận mới nhất