Tết các dân tộc nơi rẻo cao Tây Bắc

Nhóm PV Tây Bắc| 27/01/2020 10:27

(TN&MT) - Tết đến, mỗi dân tộc ở Tây Bắc lại có một phong tục đón Tết rất riêng, nhưng tất thảy đều toát lên những nét độc đáo, vui tươi.

Lễ hội Gội đầu ngày 30 Tết của người Thái trắng Sơn La

Đã thành thông lệ, cứ vào trưa 30 Tết, người Thái Trắng ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La sẽ tổ chức Lễ hội Gội đầu (lễ hội Lung Ta) tại bến gội đầu bản Pom Sinh, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai. Trong quan niệm của người Thái Trắng, khi hết một năm cũ, chuẩn bị bước vào năm mới, mọi người trong thôn bản đều phải gội đầu để rửa trôi những vất vả, bệnh tật, điều không may mắn, xui xẻo của năm cũ, tống tiễn tai ương, bệnh tật xuôi theo dòng nước. Đồng thời, cầu mong năm mới tốt lành và may mắn.

Những cô gái người Thái trắng Sơn La bên bến gội đầu ngày 30 Tết.

Nguồn gốc của lễ hội bắt nguồn từ truyền thuyết về nữ tướng Nàng Han, một người con gái đóng giả trai để tập hợp binh mã, cầm quân đánh đuổi giặc ngoại xâm đuổi giặc ra khỏi bờ cõi nước ta (nay thuộc huyện Phong thổ, tỉnh Lai Châu). Sau khi đánh thắng giặc trở về, đúng vào ngày 30 Tết âm lịch, buổi chiểu hôm đó, Nàng Han ra lệnh cho quân sĩ dừng lại bên bờ suối nghỉ ngơi, tắm gội, ăn mừng chiến thắng và đón chào năm mới. Kể từ đó, để tưởng nhớ đến nữ tướng Nàng Han, cứ chiều 30 Tết, bà con dân tộc Thái trắng lại tổ chức lễ gội đầu để cúng mừng năm mới.

Để lễ Gội đầu diễn ra tốt đẹp, trước đó hàng tuần, người con gái Thái đã vo gạo nếp để lấy nước, nước gạo được để trong chum hoặc nồi cất giữ cả tuần hoặc lâu hơn, để càng chua càng tốt. Đôi lúc, nước gội đầu là những hương liệu dầu quả bồ kết pha lẫn nước vo gạo, cánh hoa rừng. Chính loại nước này là một bí kíp để giúp cho mái tóc người con gái Thái đen dài, mượt mà, óng ả.

 

Trước khi đi ra bờ sông, bờ suối để gội đầu, người đứng đầu bản hoặc thầy mo sẽ thắp hương trước bàn thờ tổ tiên để mời họ đi gội đầu cùng con cháu. Tiếp đó, thầy mo hoặc trưởng bản sẽ dẫn đầu người dân bản, những nam thanh nữ tú khiêng trống chiêng vừa đi vừa đánh, họ rước theo báng nước gội, tay cầm 1 cành lá dùng trong nghi thức gội đầu.

Đến bờ sông, người chủ lễ sẽ hát lên lời khấn, tiếp đó, mọi người sẽ gội đầu. Họ từ từ cúi đầu, xõa tóc xuống dòng sông, tay cầm cành lá xanh nhúng xuống nước rồi đập nhẹ lên tóc nhiều lần cho ướt đẫm. Hành động này được cho là xua đi những gì không may mắn trong năm cũ. Sau đó, những bát nước vo gạo đã được ngâm cho chua được xối từ từ, gợi lên mọi điều tốt đẹp cho ngày mai bước vào năm mới. Trước khi ra về, mọi người sẽ giặt giũ sạch sẽ tất cả quần áo, váy.

Lên Lào Cai xem người Dao ăn Tết nhảy

Cũng như các đồng bào dân tộc khác, tết âm lịch được người Dao đỏ tổ chức trang trọng với những nét đẹp văn hóa được gìn giữ từ nhiều đời. Từ ngày 28 Tết, khắp làng trên, xóm dưới, đồng bào dân tộc Dao đỏ mổ lợn béo, gà trống thiến, làm bánh nếp. Đây chính là thời điểm các thành viên trong dong họ tụ tập quây quần tại nhà trưởng họ, ngoài việc chúc tụng cùng nhau nâng chén rượu mừng xuân, cầu chúc cho nhau ngày càng làm ăn phát đạt, cháu con khoẻ mạnh… họ còn bàn việc tổ chức nghi lễ Tết nhảy vào sáng mồng 1 hoặc mồng 2 Tết.

Tết Nhảy Giàng Chảo Đao của người Dao là một nghệ thuật độc đáo với nhiều loại hình nghệ thuật dân gian để tạo ra nét riêng của bản sắc văn hóa dân tộc.

Chiều 30 Tết, người Dao đỏ sẽ làm lễ quét nhà (bàn thờ tổ tiên), quét đi những điều không may mắn của năm cũ, dán giấy xanh đỏ, cắt hoạ tiết hình các loài hoa, chim muông trước bàn thờ, dán ở cửa ra vào nhà chính, cửa bếp, chuồng lợn, chuồng gà, gốc cây trong vườn (có ý mời các con vật, đồ vật gắn bó với con người cùng ăn Tết).

Lễ đón giao thừa được người Dao đỏ chuẩn bị chu đáo. Cả gia đình trang phục gọn gàng, xếp hàng trước bàn thờ tổ tiên, chủ nhà (nam giới - người đã được cấp sắc) thay mặt gia đình thắp 3 nén nhang trên bàn thờ tổ tiên rồi xin phép hạ bát nước xuống đưa cho mỗi người uống một ngụm để có thêm sức khoẻ. Người Dao có tục đón lộc trong đêm giao thừa gõ trống, mõ phát ra âm thanh vang vọng đất trời để cầu may, cầu lộc.

Sáng mồng 1 Tết, cả bản kéo nhau ra rừng chặt những cành đào, cành mậm dầy hoa và nhặt những hòn đá trắng đẹp mang về để bên bàn thờ. Họ quan niệm hòn đá ví như tiền bạc, hoa mận, hoa đào tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, gia đình hoà thuận ấm êm hạnh phúc. Ngày mồng 2 Tết diễn ra lễ Tết nhảy (Giàng chảo đao) tại nhà trưởng họ. Mồng 3 Tết, là lễ đưa tiễn tổ tiên và tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống.

Rộn ràng Tết Nào Pê Chầu của người Mông ở Điện Biên

Tết Nào Pê Chầu là một trong những hoạt động tín ngưỡng lâu đời không thể thiếu trong đời sống sản xuất, văn hóa, tâm linh truyền thống của của đồng bào dân tộc Mông ở Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên.

Nào Pê Chầu có nghĩa là: “Ăn tết ngày 30”, theo quan niệm của người Mông thì ngày 30 tết là ngày diễn ra các nghi lễ chính để bước sang một năm mới. Tết Nào Pê Chầu diễn ra mỗi năm một lần, thường vào tháng Chạp, sớm hơn Tết Nguyên đán của người Việt từ 1 - 2 tháng tùy vào điều kiện thu hoạch mùa màng và việc chuẩn bị tết của từng năm.

Để chuẩn bị cho ngày Tết diễn ra đầm ấm, vui tươi, từ ngày 25 tháng chạp trở đi (theo cách tính lịch của người Mông), người dân bắt đầu mổ những con lợn to để làm lý tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho dân bản khỏe mạnh, mùa màng bội thu và mọi điều may mắn trong năm vừa qua.

Chiều 30 tết, người Mông tiến hành dọn dẹp xung quanh nhà, khơi thông cống rãnh phía ngoài hai bên đầu nhà, vừa làm vừa khấn mong muốn quét những điều xấu, rủi ro, bệnh tật đi theo năm cũ. Đồng thời, cầu mong năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu, trâu bò đầy nhà, con cháu khỏe mạnh và hạnh phúc vui tươi.

Giã bánh giày trong Tết Nào Pê Chầu của dân tộc Mông ở Mường Ảng, Điện Biên.

Nghi thức quan trọng nhất trong Tết Nào Pê Chầu là lễ “Lập và thay bàn thờ xử ca”, theo quan niệm của người Mông đen, xử ca là ma có vị trí quan trọng trong hệ thống ma nhà của người Mông, đó là ma có nhiệm vụ cai quản của cải, tiền bạc, phù hộ độ trì cho gia đình làm ăn phát đạt. Nơi thờ xử ca được đặt ở tấm ván giữa tường phía sau, đối diện với cửa chính (cao từ 1,5 - 2m, dán một miếng giấy dó màu trắng, hình chữ nhật hoặc vuông; ở giữa dán giấy dó màu vàng hoặc bạc, một túm lông gà mềm chấm tiết gà rồi dính vào giữa tờ giấy xử ca thành hình tam giác hay chữ nhật, theo quan niệm của từng dòng họ).

Tờ mờ sáng hôm sau, khi nghe tiếng gà gáy đầu tiên, người Mông ở Nậm Pọng thức dậy và đi lấy nước đầu năm mới. Họ đi tập trung theo đoàn, mang theo thẻ hương, một tập giấy dó (tượng trưng tiền âm phủ) và xô đi về phía đầu nguồn nước. Đến nơi, gia chủ thắp hương và đốt tiền âm phủ khấn cầu xin tiền lộc và xin lấy nước về nấu bữa sáng đầu năm mới. Sau khi đưa nước về nhà, gia chủ sẽ cân lên so sánh với xô nước năm cũ, nếu tươi hơn nước năm cũ thì năm đó gia đình làm ăn phát đạt, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Nghi lễ cuối cùng của Tết gọi là “lễ hạ mâm”. Đó cũng là lúc báo hiệu Tết đã hết, mọi người lại cùng nhau bắt tay vào công việc lao động, sản xuất.

Nét đẹp trong Tết Khô Chà của người La Hủ ở Lai Châu

Tuy đời sống còn nhiều khó khăn song bà con La Hủ vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống từ trang phục, ẩm thực, các điệu dân ca, dân vũ. Nhất là việc đón Tết cổ truyền (Khô Chà) được bà con duy trì với nhiều nét văn hóa độc đáo.

Khi mùa thu hoạch kết thúc (tức là vào khoảng cuối tháng 12 dương lịch) cũng là thời điểm cộng đồng người La Hủ vui xuân đón Tết Khô Chà. Đây là cái tết to nhất của người La Hủ, cũng là dịp đoàn tụ của gia đình, cộng đồng. Thời gian ăn Tết kéo dài 3 ngày, bà con chọn ngày ăn Tết thường tránh ngày mất của bố, mẹ.

Trong ngày Tết đầu tiên, gia đình nào cũng làm bánh dày. Cùng với bánh giầy, trong ngày tết của bà con La Hủ không thể thiếu thịt lợn. Lợn trước khi bị chọc tiết sẽ được chủ nhà cho ăn bánh trôi vì tin rằng làm lý như vậy trong năm tới lợn sẽ hay ăn, chóng lớn, khỏe mạnh.

Khi pha thịt lợn, bà con thường lấy lá gan để xem vận hạn trong năm tới của gia đình. Gia chủ một tay cầm một chiếc đũa đặt nằm ngang lên mặt lá gan rồi vừa hơi ấn vừa gạt gạt qua bên nọ rồi lại bên kia để những tia máu dưới bề mặt lá gan hằn rõ lên. Bà con tin rằng nếu các tia máu đó liền mạch và đỏ tươi là tốt, còn nếu có tia đứt thì năm ấy gia đình sẽ có người gặp hạn. Nếu các tia máu không có màu đỏ tươi thì việc làm ăn của gia đình sẽ kém.

Theo phong tục của người La Hủ, trong ngày đầu tiên của Tết cổ truyền, chỉ những người trong dòng họ (cùng chung tổ tiên một đời) đến nhà đặt ban thờ tổ tiên chúc Tết. Nhưng sau 12 giờ trưa, cả bản trở lên nhộn nhịp, đường mòn trong bản lúc nào cũng có những tốp người đến chúc Tết nhà nhau.

Vào ngày Tết thứ 2, khi con gà đầu tiên trong bản cất tiếng gáy, các gia đình thường cử 1 người đi đến đầu nguồn nước sạch lấy nước về làm cơm cúng tổ tiên (Kê cá khụ). Lễ vật dâng cúng tổ tiên có men ruợu, củ gừng, cơm, thịt lợn và bánh dày được bày trên cái mâm nhỏ đặt ở đầu giường ngủ của vợ chồng gia chủ. Khi các thành viên trong gia đình, dòng họ có mặt đông đủ, chủ nhà quỳ trước mâm lễ khấn tổ tiên phù hộ cho con cháu dồi dào sức khỏe, mùa màng tươi tốt, bội thu; vật nuôi lớn nhanh, không ốm đau, dịch bệnh. Sau đó, bà con đến thăm nhà nhau, chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới.

Trong 3 ngày Tết, người La Hủ kiêng sát sinh chó, dê vì đó là những con vật gần gũi, thân thiết với người, nếu giết chúng trong ngày Tết thì năm ấy các gia đình trong dòng họ sẽ gặp xui xẻo. Trong những ngày Tết, khi quét nhà, người La Hủ không vứt rác ra ngoài mà ủ vào một góc đợi hết Tết mới bỏ rác đi.

Cùng với thực hiện các lễ nghi thì tại các bản còn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Các chàng trai, cô gái La Hủ với những bộ trang phục mới, sặc sỡ say sưa hòa mình trong các trò chơi dân gian hay các điệu dân ca dân vũ trong tiếng trống chiêng rộn ràng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết các dân tộc nơi rẻo cao Tây Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO