Tây Ninh tạo điều kiện hỗ trợ tôn giáo bảo vệ môi trường hiệu quả

Mai Đan | 15/11/2021, 11:10

(TN&MT) - Thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh đã xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện mô hình tôn giáo tham gia “bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại khu dân cư và Thánh đường ấp Chăm, xã Suối Dây, huyện Tân Châu.

Theo ông Hồ Đức Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh, Kế hoạch nhằm giúp cho đồng bào ấp Chăm, xã Suối Dây nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong đời sống sinh hoạt hàng ngày tại hộ gia đình, khu dân cư và cộng đồng; hướng dẫn và hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Chăm xử lý rác thải trồng cây tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, môi trường thông thoáng, gia đình văn hóa góp phần thực hiện các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Kế hoạch cũng đảm bảo việc triển khai thực hiện nhiệm vụ “bảo vệ môi trường và ứng phó biển đổi khí hậu” mang tính cụ thể, thực chất và đi vào chiều sâu. Đồng thời phối hợp các ngành liên quan ở địa phương xác định trách nhiệm tham gia tạo điều kiện hỗ trợ tôn giáo thực hiện mô hình hiệu quả.

Cán bộ, hội viên nông dân huyện Châu Thành (Tây Ninh) tham gia lễ phát động bảo vệ môi trường. Ảnh: TNO

Kết quả khảo sát vào ngày 23/6/2021 của Ban Dân chủ pháp luật và Dân tộc Tôn giáo, MTTQ huyện Tân Châu và xã Suối Dây cho thấy, hiện trạng vệ sinh môi trường tại khu dân cư khu vực Thánh đường Hồi giáo Islam ấp Chăm còn tồn tại một số vấn đề. Cụ thể, còn hơn 300 hộ dân chưa đảm bảo được vệ sinh môi trường sạch sẽ trong nhà và ngoài ngõ, nhà cửa chưa được sắp xếp ngăn nắp; 75 hộ chăm nuôi gia súc và nhiều hộ nuôi gia cầm tại nhà chưa đảm bảo được việc dọn dẹp vệ sinh hàng ngày, gây ra các mùi khó chịu cho cộng đồng.

Hiện nay, khu vực này chưa được xử lý rác, các hộ gia đình không có sọt rác, không có xe lấy rác đến nơi mà chủ yếu là các hộ gia đình tự xử lý đốt và xả rác bừa bãi (nhiều nhất là rác thải nhựa), chưa có phương pháp xử lý rác hữu cơ. Đại đa số các hộ đồng bào dân tộc chưa quan tâm đến việc trồng hoa, trồng cây để bảo vệ môi trường và tạo nét mỹ quan trong cộng đồng.

Với thực trạng vệ sinh môi trường và những vấn đề đặt ra tại khu dân cư ấp Chăm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh xác định, trong công tác tuyên truyền, Ban Dân chủ pháp luật và Dân tộc Tôn giáo phối hợp với Ban Phong trào Tuyên giáo hướng dẫn tài liệu và các nội dung thực hiện bảo vệ môi trường; giao Mặt trận cấp huyện, xã phối hợp Ban Quản trị Thánh đường tuyên truyền cho đồng bào dân tộc, các hộ gia đình có kiến thức và thông tin về việc xây dựng mô hình và các công việc cụ thể để bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hàng ngày của các hộ gia đình cũng như tại khu dân cư (thực hiện thường xuyên bắt đầu từ ngày 20/7/2021).

 

Về công tác vận động ký cam kết, Ban Dân chủ pháp luật và Dân tộc Tôn giáo phối hợp với Ban Thường trực MTTQ huyện hướng dẫn cho MTTQ xã Suối dây thành lập tổ tuyên truyền đến từng hộ gia đình và vận động ký cam kết bảo vệ môi trường theo các tiêu chí cụ thể trong bản cam kết (Thời gian thực hiện trong tháng 8/2021).

Về công tác hỗ trợ và hướng dẫn, Ban Thường trực MTTQ huyện Tân Châu phối hợp với ngành chức năng địa phương vận động tổ chức 1 ngày ra quân dọn dẹp vệ sinh trong toàn bộ khu dân cư ấp Chăm, nhất là tại khu vực xung quanh Thánh đường và các điểm nhiều rác thải sinh hoạt (thực hiện trước ngày 15/8/20210.

Do khu vực xã Suối Dây chưa có địa điểm tập kết xử lý rác và không có xe lấy rác vào trong khu dân cư, nên Ban Thường trực MTTQ huyện Tân Châu phối hợp với đoàn thanh niên tổ chức buổi hướng dẫn cách xử lý rác thải sinh hoạt tại chỗ cho các hộ gia đình trong khu vực (thực hiện trước 30/8/2021).

Ban Dân chủ pháp luật và Dân tộc Tôn giáo, Ban Thường trực MTTQ huyện Tân Châu hướng dẫn MTTQ xã Suối Dây thành lập tổ vận động, hỗ trợ 174 hộ trồng tuyến đường hoa khoảng 2 km từ cổng ấp văn hóa đến khu vực nhà văn hóa để tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp; tổ chức vận động các hộ gia đình vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ sạch đẹp, 74 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư thực hiện đảm bảo vệ sinh chuồng trại thường xuyên (thực hiện thường xuyên bắt đầu từ 25/7/2021).

Về công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện mô hình, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, huyện, xã thường xuyên phân công cán bộ kiểm tra, giám sát việc thực hiện mô hình để kịp thời báo cáo tiến độ cũng như những bất cập, khó khăn để Ban Thường trực xử lý, nâng cao hiệu quả thực hiện (thực hiện thường xuyên).

Về công tác tổng kết, đánh giá, cuối năm thực hiện việc tổng kết đánh giá hiệu quả đạt được từ thực hiện mô hình, xem xét những mặt làm được, chưa được để tiếp tục nâng cao chất lượng và nhân rộng.

Tính đến ngày 23/6/2021, khu dân cư ấp Chăm có tổng số 434 hộ với 1.484 nhân khẩu đều là đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Hồi giáo (Islam) cư trú xung quanh khu vực của Thánh đường. Đại đa số đồng bào Chăm tại khu vực này sinh sống bằng nghề nông (làm rẫy, làm thuê), 75 hộ chăn nuôi (bò, dê) và một số ít làm nghề buôn bán, làm công nhân cho các nhà máy. Nhìn chung đời sống của đồng bào dân tộc Chăm tại đây ngày càng được nâng cao về mọi mặt. Tuy nhiên vẫn còn 8 hộ thuộc diện hộ cận nghèo và 113 hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Phật giáo Đà Nẵng bảo vệ môi trường
Triết lý Phật giáo có nhiều răn dạy phật tử về sống hài hòa với tự nhiên, sống tiết kiệm, trân quý sinh vật sống rất phù hợp với lối sống xanh, bảo vệ môi trường hiện nay. Một nghiên cứu khảo sát của PGS.TS Lưu Quý Khương (Đại học Đà Nẵng) đã cho thấy, Phật giáo đóng vai trò tích cực trong tuyên truyền cũng như thực hành các hoạt động môi trường tại cộng đồng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO