Tây Nguyên: Nhiều mô hình hay giúp đồng bào giảm nghèo

Quang Hồi| 11/09/2015 14:28

(TN&MT) - Thời gian qua, vùng biên giới Tây Nguyên đã đang khởi sắc từng ngày, đời sống của bà con đồng bào các dân tộc ổn định, phát triển. Thành quả đó có được một phần nhờ công sức của cán bộ, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn 15...

Đại tá Nguyễn Đức Thành, Chính ủy Binh đoàn 15 cho biết, trong những năm qua, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực bám dân, vận động bà con chuyển đổi phương thức canh tác, từ “chặt, đốt, chọc, tỉa”, sang trồng cây lúa nước, cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su, điều... theo phương châm trồng cây xen canh, lấy ngắn nuôi dài; vừa mở rộng diện tích cây trồng, tuyển dụng con em đồng bào dân tộc thiếu số vào làm công nhân, lại vừa bám dân, bám buôn làng.

bd15.jpg

Cán bộ Công ty 72 hỗ tr gạo cho bà con

Từ những cuộc vận động đó, xuất hiện nhiều sáng kiến, nhiều phong trào và mô hình thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh mô hình “Gắn kết hộ” (hộ công nhân người Kinh gắn kết với hộ người dân tộc thiểu số) không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn cả lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh, còn có các mô hình: “Lúa nước trồng trên núi” của Công ty 72; mô hình “Người Giơ Rai mang tiền đi đẻ” của Công ty 74; mô hình “Vườn rau gắn kết” của Công ty 75 và mô hình “Làng công nhân biên giới” của Công ty 715... Thời gian gần đây, mô hình “Cây lúa trên đất tái canh” của Công ty 385 và Công ty 72, 74 đã đem lại những hiệu quả thiết thực, giúp bà con địa phương phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Từ một xã nghèo đói, xã biên giới Ia Kla (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) nay nhờ sự “tiếp sức” của cán bộ, chiến sĩ Công ty 74 nên không còn người dân vượt biên trái pháp luật, không có người đi theo cái gọi là “Tin Lành Đề Ga”, đời sống kinh tế, xã hội phát triển. Hơn 637 hécta đất cao su tái canh đã được Công ty 74 cho bà con mượn để trồng lúa nương, với năng suất 5 tấn/hécta, đã góp phần ổn định đời sống cho người dân. Ông Ksor Yom, Già làng Ghè mừng vui cho biết: “Có đất bộ đội cho mượn để trồng lúa nên bà con trong buôn làng có thêm cái ăn cái để, không còn nỗi lo cái đói nữa!”.

bd151.jpg

Lực lượng Binh đoàn 15 giúp người dân ổn định cuộc sống

Ở làng Sơn, xã biên giới Ia Nan, huyện Đức Cơ (Gia Lai) vừa tàn cơn mưa đầu mùa, cây lá như được tiếp sức sau những ngày nắng nóng. Ông Siu Binh, Già làng Sơn cho biết: “Trong làng có 192 hộ, thì đã có 134 hộ có người làm công nhân cho Công ty 72. Người lao động được nhận khoán vườn cây, được hướng dẫn chăm sóc, thu hoạch, lại được công ty thu mua mủ nên thu nhập ổn định, kinh tế ngày một phát triển.

Năm 2014, trong làng có 21 hộ nghèo, nhưng đến hết tháng 4/2015, trong làng chỉ còn 12 hộ nghèo. Số hộ này hằng tháng được công ty hỗ trợ gạo ăn từ mô hình “Hũ gạo gắn kết”. Đây là hạt gạo bộ đội, hạt gạo đoàn kết quân dân”.

Từ việc phát huy hiệu quả các mô hình ở Binh đoàn 15, cuộc sống của hàng nghìn lao động trên vùng biên giới của hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum đã ổn định, nhiều gia đình vươn lên làm giàu trên làng quê của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên: Nhiều mô hình hay giúp đồng bào giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO