Tây Nguyên: Lao đao khi cao su rớt giá

08/06/2014 00:00

(TN&MT) - Giá cao su xuất khẩu giảm mạnh, đó là thực trạng chung của các doanh nghiệp trồng cao su trong nước.

           
(TN&MT) - Giá cao su xuất khẩu giảm mạnh, đó là thực trạng chung của các doanh nghiệp trồng cao su trong nước. Tại khu vực Tây Nguyên, khi giá cao su đi xuống, đời sống của công nhân cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của các công ty cao su thực sự lao đao. 
   
Giá mủ xuống thấp đang tạo ra áp lực rất lớn cho các công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên
   
Khó khăn đeo bám vườn cây
   
  Tại khu vực Tây Nguyên, thông thường cao su bắt đầu khai thác giữa tháng 4 năm trước đến hết tháng 2 năm sau. Ngay từ tháng 1-2014, giá cao su vẫn còn ở mức 56 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, từ tháng 2 trở đi thì giá xuống liên tục và lúc này tuy cao su đã bước vào khai thác chính vụ nhưng giá thu mua ở các đại lý mủ nước vào thời điểm cuối tháng 5 dao động ở mức khoảng 40 triệu đồng/tấn. Giá mủ cao su sơ chế tại các công ty cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã giảm tới phân nửa so với đỉnh điểm cách đây gần 2 năm. Năm nay, nhiều công ty cao su trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum thông báo doanh thu chủ yếu là từ mủ sơ chế nhưng đã giảm khoảng 50% so với năm 2012.
   
  Khó khăn đang “bủa vây” người trồng cao su tiểu điền tại khu vực Tây Nguyên. Nhiều người vay tiền ngân hàng để trồng mới hay mở rộng diện tích cây cao su trong vài năm gần đây đều trở nên “sống dở chết dở”. Hộ vay trồng mới hay để chăm sóc cũng đều ở trong thế “tiến thoái lưỡng nan”. Giá mủ cao su xuống thấp, tương lai cây cao su chưa biết về đâu, trong khi vốn, lãi ngân hàng cứ phải đều đặn thực hiện nghĩa vụ. Bỏ mặc hoặc phá bỏ, chuyển đổi cây trồng khác đều là những phương án được người nông dân đang tính tới. Ông Lê Văn Dương, một người trồng cao su tiểu điền ở xã Kon Đào, huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) cho biết: "Nông dân chúng tôi trồng nhỏ lẻ 1 - 2ha cao su, thu về 20kg mủ/ha/ngày và bán ra được 200.000 đồng, đủ trả tiền công cạo. Giá xuống thấp như lúc này, thôi thì gia đình tôi chủ trương ngưng cạo để dưỡng cây, lúc nào giá lên mới tính”. Tại xã này, có khoảng 50% số hộ ngưng cạo trên tổng diện tích cao su khai thác là 730ha.
   
  Song, điều đáng quan tâm hơn tại các công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên là tình trạng công nhân bỏ việc. Khảo sát của chúng tôi tại một số công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tại Gia Lai cho thấy, tình trạng công nhân bỏ việc đã khá phổ biến. Tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah, Công ty TNHH một thành viên Mang Yang, lượng công nhân nghỉ việc cũng lên đến cả trăm người. Công nhân bỏ việc xuất phát từ thu nhập giảm do giá mủ cao su xuống thấp, công ty buộc phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu. Công nhân vì mưu sinh, vì áp lực trước mắt đã “tạm biệt” công ty. Công nhân bỏ việc đồng nghĩa với chuyện doanh nghiệp vất vả bổ sung số lượng thay thế.
   
  Giá mủ xuống thấp khiến nhiều doanh nghiệp, người trồng cao su lao đao. Trong khi đó, hàng ngàn công nhân - lao động và hộ trồng cao su không khỏi lo lắng khi thu nhập giảm thấp, thậm chí là chưa biết sẽ sống bằng cách gì trong những tháng tới, nếu như giá cao su cứ tiếp tục “lao dốc”.
   
   
Tại khu vực Tây Nguyên, khi giá cao su đi xuống, đời sống của công nhân cũng như tình hình
sản xuất kinh doanh của các công ty cao su thực sự lao đao.
    
Khắc phục việc cao su rớt giá
   
  Việc cao su rớt giá thê thảm không những tác động mạnh tới các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, mà cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị thuộc Binh đoàn 15, đứng chân trên địa bàn các tỉnh vùng Bắc Tây Nguyên. 
   
  Vào thời điểm đầu tháng 6 này, 3 nhà kho lớn của Công ty 72 (thuộc Binh đoàn 15) có diện tích hàng ngàn m3 và 12 phòng họp của các đội sản xuất của công ty đều được tận dụng để chứa mủ cao su thành phẩm tồn đọng của đơn vị, với gần 5.000 tấn mủ. Nhiều tháng nay, mủ cao su thành phẩm của công ty hầu như không xuất được ra thị trường, chỉ đạt 20% so với thời điểm này của những năm trước. Trước tình hình này, để duy trì hoạt động sản xuất, Công ty 72 đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp tích cực. Đại tá Phạm Văn Giang, Giám đốc Công ty 72 cho biết: “Tình hình khó khăn như thế này, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm thị trường để tiêu thụ các loại sản phẩm mủ cao su. Trong quá trình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, chúng tôi tiết giảm các chi phí, nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, năm 2014 chúng tôi nâng năng suất mủ cao su lên 1,7 tấn/ha. Đấy cũng là cơ sở giảm giá thành, hạ giá bán để tiêu thụ sản phẩm mủ cao su, vốn là sản phẩm chủ lực của Công ty 72”.
   
5 tỉnh Tây Nguyên hiện có khoảng 220.000ha cao su, trong đó Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn nhất,
với trên 120.000ha.
    
  Tại các huyện biên giới Đức Cơ, Ia Grai (tỉnh Gia Lai); các huyện biên giới Sa Thầy, Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), một mùa khai thác mủ cao su mới đã bắt đầu đối với các công ty thuộc Binh đoàn 15. Các đội sản xuất, là nơi gắn bó trực tiếp với hoạt động cạo mủ, chăm sóc vườn cây của công nhân, vẫn luôn  được duy trì  đảm bảo  chế độ làm việc thường xuyên, nghiêm túc. Để làm được điều đó, trong thời gian này, mỗi người đội trưởng đã phải nỗ lực rất nhiều, thường xuyên động viên anh em công nhân cùng chia sẻ với những khó khăn của công ty, hết mình trong công việc, đảm bảo tiến độ sản xuất. Đại úy Lê Minh Vương, Đội trưởng Đội sản xuất 7 - Công ty 72, cho hay: “Chúng tôi xác định rằng, trong thời điểm khó khăn như thế này là phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục cho người lao động an tâm sản xuất, tiếp tục gắn bó với vườn cây. Chú trọng quy trình kĩ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng là một hình thức nâng cao thu nhập cho người lao động.”
   
  Trong khi đó, ông Phan Sỹ Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư  Prông (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) cho rằng: Thị trường hàng hóa luôn có sự điều tiết, biến động theo những quy luật riêng, ở đây chủ yếu là quy luật cung-cầu trong từng thời điểm. Vấn đề là các doanh nghiệp đã có sự tính toán và chủ động như thế nào trước sự biến động theo chiều hướng bất lợi. Do đã xác định từ trước nên đơn vị có phương án phù hợp. Công nhân làm việc tại công ty vốn có tích lũy, có nguồn thu nhập khác và mức thu nhập từ trồng, chế biến cao su trong thời điểm hiện nay có thể xem là chấp nhận được đối với công ty.
   
        
5 tỉnh Tây Nguyên hiện có khoảng 220.000ha cao su, trong đó Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn nhất, với trên 120.000ha. Giá mủ cao su xuống thấp rõ ràng đang gây nhiều áp lực lên không chỉ với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cao su mà còn đối với chính quyền các địa phương. Nếu tình hình này kéo dài, các doanh nghiệp chế biến mủ và cả các công ty cao su của nhà nước cũng rơi vào tình trạng khó khăn, bởi 50% sản lượng mủ cao su trong nước được tiêu thụ chính vẫn là thị trường Trung Quốc. Việc tiêu thụ lệ thuộc quá lớn vào một thị trường bao giờ cũng rủi ro cao và phần thiệt đương nhiên thuộc về phía bán.
        
    
   
Bài & ảnh: Thục Vy
   
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên: Lao đao khi cao su rớt giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO