Tây Nguyên: Cân đối sử dụng nguồn nước mặt

28/07/2016 00:00

(TN&MT) - Những tháng đầu năm 2016, hạn xảy ra gay gắt ở khu vực Tây Nguyên, do đó, chủ động nguồn nước là một bài toán nan giải cho 5 tỉnh ở khu vực này.

Mực nước ở các hồ giảm mạnh tại Tây Nguyên. Ảnh: MH
Mực nước ở các hồ giảm mạnh tại Tây Nguyên. Ảnh: MH

Nhu cầu sử dụng nước mặt tăng dần

Theo số liệu thống kê từ Viện Quy hoạch Thủy lợi, tổng nhu cầu dùng nước cho phát triển kinh tế, xã hội và môi trường trên toàn vùng Tây Nguyên vào khoảng 11 tỷ m3/năm 2015 và sẽ tăng lên khoảng 12 tỷ m3/năm vào năm 2030. Với nhu cầu dùng nước hiện tại của Tây Nguyên, chỉ chiếm 23% lượng nước có được hàng năm ở khu vực này. Tuy vậy, do đặc điểm phân bố không đồng đều của tài nguyên nước nên tình trạng thiếu nước vào mùa khô vẫn xảy ra gay gắt, mùa mưa lại gây ra lũ lụt. Chính vì vậy, vùng hiện, thiếu khoảng 5 tỷ m3/năm và khả năng sẽ thiếu 5,5 tỷ m3/năm vào năm 2030.

Ở một số thành phố lớn như Kon Tum, hiện, phải khai thác nguồn nước sông Sê San để cấp nước với công suất khoảng 5 nghìn m3/ngày; TP. Plây Ku hiện, sử dụng nguồn nước mặt tại biển Hồ để cấp nước với công suất 20 nghìn m3/ngày... Đối với cấp nước sinh hoạt nông thôn, việc xây dựng các công trình cấp nước tập trung còn rất hạn chế. Để cấp nước sinh hoạt, nhiều hộ sử dụng giếng đào, giếng khoan, nước suối... Tuy vậy, nhiều giếng đào, giếng khoan thiếu nước vào mùa khô do mực nước ngầm hạ thấp quá lớn. Tây Nguyên đã xây dựng được gần 2.400 công trình thủy lợi với diện tích tưới thiết kế 289.604 ha, diện tích tưới thực tế 215.765 ha nhưng các công trình này chưa đáp ứng được yêu cầu dùng nước theo mùa nên chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu.

Tìm chìa khóa cho sự phát triển

Tây Nguyên là vùng chuyên canh một số cây có giá trị xuất khẩu cao như: cà phê, cao su, điều... Việc khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước phục vụ nông nghiệp trở thành vấn đề cốt lõi, là chìa khóa cho sự phát triển của vùng.

PGS.TS Nguyễn Tiền Giang, Viện Quy hoạch Thủy lợi cho rằng, để sử dụng nguồn nước mặt một cách bền vững đòi hỏi cần có tư duy phân tích hệ thống và một cơ quan có khả năng tập hợp đội ngũ chuyên gia liên ngành. Việc cân đối khai thác, sử dụng nước trên địa bàn Tây Nguyên phải gắn liền với bài toán quy hoạch và quản lý tổng hợp đa ngành.

Tuy vậy, giải pháp trước mắt để giải quyết bài toán khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước mặt trên địa bàn Tây Nguyên một các bền vững cần xây dựng chính sách chia sẻ nguồn nước theo thứ tự ưu tiên, nhưng vẫn đảm bảo lợi ích chung. Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả việc vận hành của các hồ chứa lớn đã có theo hướng khai thác, sử dụng nước tổng hợp, ưu tiên cấp nước sinh hoạt. Đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu để đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng của các ngành, địa phương ở hạ du trong mùa cạn. Bên cạnh đó, tập trung điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất cho các khu vực trọng điểm về hạn hán và xây dựng các công trình khai thác nước ngầm, dự phòng cấp nước trong mùa hạn.

Cần huy động tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế, chú trọng thu hút vốn từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước, xã hội hóa. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đối tượng sử dụng nước trong đầu tư, quản lý và khai thác công trình.

Quan trọng hơn, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước phải đảm bảo khai thác tài nguyên quý giá này một cách hợp lý phục vụ cho việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường hướng tới sự bền vững. Để làm được điều đó cần có hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, một hệ thống tổ chức vững mạnh từ Trung ương đến địa phương. Thực hiện quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên nước theo như Luật Tài nguyên nước đã quy định, tăng cường bảo vệ tài nguyên nước là ngăn ngừa và phòng chống có hiệu quả cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước - PGS.TS Nguyễn Tiền Giang cho biết thêm.

Vũ Vân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên: Cân đối sử dụng nguồn nước mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO