Tây Hồ - Hà Nội: Hàng chục hộ dân kêu cứu vì không được cấp sổ đỏ - Bài 14: Cần thanh tra các dự án có dấu hiệu trái pháp luật!

23/05/2018 08:45

(TN&MT) - Cả trăm hộ dân bất ngờ thuộc diện thu hồi đất để thực hiện các dự án Nhà khách TP. Hà Nội và dự án trường mầm non Nhật Tân 2. Đáng nói là, dù đã được...

(TN&MT) - Cả trăm hộ dân bất ngờ thuộc diện thu hồi đất để thực hiện các dự án Nhà khách TP. Hà Nội và dự án trường mầm non Nhật Tân 2. Đáng nói là, dù đã được phê duyệt nhiều năm trời nhưng các dự án vẫn chưa được triển khai nên dư luận cho rằng các cơ quan chức năng Hà Nội thanh kiểm tra làm rõ các dấu hiệu sai phạm (?!).

Dự án ôm đất khiến dân khốn khổ

Trong thời gian dài vừa qua, Báo Tài nguyên và Môi trường đã có loạt bài phản ánh về việc hàng chục hộ dân thuộc tổ 9 và tổ 19, phường Nhật Tân gửi đơn thư khiếu nại việc họ không được UBND quận Tây Hồ cấp sổ đỏ do khu đất đang sử dụng thuộc vào quy hoạch thực hiện 02 dự án xây dựng trường mầm non Nhật Tân 2 (có 67 hộ dân thuộc tổ 19, cụm 3, phường Nhật Tân chưa được cấp sổ) và dự án xây dựng Nhà khách TP. Hà Nội mở rộng (có 37 hộ dân thuộc tổ 9, cụm 2, phường Nhật Tân chưa được cấp sổ đỏ).

Tại đơn thư, các hộ dân cho biết, khu đất họ đang sinh sống có nguồn gốc là đất nông nghiệp được cấp, nhưng từ năm 1987 cho đến nay do nhu cầu nhà ở nên các hộ dân đã xây nhà kiên cố và sinh sống ổn định, không tranh chấp, không vi phạm pháp luật về đất đai. Thậm chí, theo các hộ dân, UBND phường Nhật Tân đã nhiều lần hướng dẫn kê khai làm hồ sơ cấp sổ đỏ và Hội đồng xét duyệt đã họp và đồng ý cấp cho một số hộ nhưng nhiều hộ còn lại không hiểu vì lý do gì lại không được làm hồ sơ.

Các hộ dân cũng cho biết, theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND ngày 20/06/2014 của UBND TP. Hà Nội thì các diện tích đất ở của các hộ dân thuộc trường hợp đủ điều kiện cấp sổ đỏ nhưng đến nay vẫn không được cấp do vướng vào quy hoạch thực hiện 02 dự án đầu tư xây dựng Nhà khách UBND TP. Hà Nội mở rộng và Trường mầm non Nhật Tân 2.
Các hộ dân đã sử dụng đất ổn định nhiều năm, xây nhà ở kiên cố và có đánh số nhà nhưng bất ngờ nằm trong diện thu hồi đất phục vụ dự án.
Các hộ dân đã sử dụng đất ổn định nhiều năm, xây nhà ở kiên cố và có đánh số nhà nhưng bất ngờ nằm trong diện thu hồi đất phục vụ dự án.
Điều đáng nói, theo các hộ dân, dù các dự án này đã được phê duyệt từ cả chục năm nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Việc này khiến các hộ dân khá bức xúc bởi ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

"Cho đến nay cả 02 dự án trên đã treo hơn 12 năm và hơn 06 năm kể từ khi có quyết định phê duyệt thu hồi đất đều chưa thể triển khai thực hiện được. Theo quy định thì các dự án quá 03 năm kể từ ngày thông báo thu hồi mà không triển khai thì phải hủy bỏ việc thu hồi'', bà Lê Thị Bích Thịnh (có chồng là liệt sỹ, đại diện cho 37 hộ dân tổ 9, phường Nhật Tân) cho biết.

Trong khi đó, chị Trần Lan Hương (đại diện cho 67 hộ dân tổ 19, phường Nhật Tân) cho rằng, việc UBND quận Tây Hồ phê duyệt cho xây trường mầm non Nhật Tân 2 là không cần thiết, bởi xung quanh phường đã có rất nhiều cơ sở mầm non đủ để phục vụ công tác giáo dục các cháu, thậm chí việc này cũng trái thẩm quyền, trái quy định của pháp luật.

"Nếu xây dựng trường mầm non thì phải lấy quỹ đất công chứ không được lấy đất của dân đang sử dụng. Hiện nay Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng đã chỉ đạo hạn chế xây dựng trường học tại các địa điểm mới mà chỉ cải tạo, xây dựng trường ngay tại địa điểm cũ'', chị Hương chia sẻ.

Liên quan đến các dự án trên, Văn phòng luật sư Trung Hòa thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội đã từng có Văn bản số 037/2017/CV-LTH gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết, cả 02 dự án Nhà khách UBND TP. Hà Nội mở rộng và dự án Trường mầm non Nhật Tân 2 đều vi phạm nghiêm trọng Quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội của Thủ tướng Chính phủ.

Có lẽ do các dự án không khả thi, nên thời gian qua dự án Nhà khách UBND TP đã bị đình lại với hiện trạng sân tenis, vài dãy nhà cấp 4, các khu văn phòng cho thuê, bãi trông giữ rửa xe, thậm chí từng xảy ra việc chia lô, xây tường lấn chiếm đất. Việc biến tướng, sử dụng đất sai mục đích trên không chỉ gây bức xúc cho người dân mà còn thách thức sự quản lý của chính quyền TP. Hà Nội.
Các hộ dân đã sử dụng đất ổn định nhiều năm, xây nhà ở kiên cố và có đánh số nhà nhưng bất ngờ nằm trong diện thu hồi đất phục vụ dự án.
Các hộ dân đã sử dụng đất ổn định nhiều năm, xây nhà ở kiên cố và có đánh số nhà nhưng bất ngờ nằm trong diện thu hồi đất phục vụ dự án.
Theo ghi nhận của PV Báo Tài nguyên và Môi trường tại thời điểm cuối tháng 03/2018, trong khuôn viên dự án Nhà khách UBND TP. Hà Nội xuất hiện bảng hiệu nhận trông giữ xe, rửa xe ô tô, xe máy, hàng loạt xe ô tô được xếp thành hàng dài trong khu vực dự án.

Không những thế, sân tennis cũng được xây dựng khá hoành tráng với đầy đủ tiện nghi, nhà xưởng kinh doanh cũng xuất hiện. Thậm chí cũng xuất hiện một nhà hàng B.B.Q phục vụ kinh doanh ăn uống, khách ra vào rất đông.

Trước vấn đề trên, dư luận đặt ra câu hỏi liệu các công trình, nhà xưởng, nhà hàng trong khuôn viên dự án Nhà khách UBND TP có được cấp phép hay không. Thậm chí, vì sao chính quyền phải né tránh trả lời báo chí, có hay không có lợi ích nhóm trong sự việc này khi đất dự án đang bị chủ đầu tư "xẻ thịt'' phục vụ kinh doanh (?!).

Cần thanh tra các dự án

Được biết, thời gian qua, từ Chính phủ, các Bộ ngành và cả chính quyền Hà Nội đã chỉ đạo rất quyết liệt về việc xử lý các dự án chậm đưa đất vào triển khai dự án, đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm chủ đầu tư ôm đất.

Được biết, vào đầu năm 2018, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo các quận, huyện rà soát các dự án trên 03 năm chưa thực hiện để xử lý.
Bãi giữ xe, rửa xe xuất hiện trong dự án xây dựng Nhà khách UBND TP. Hà Nội.
Bãi giữ xe, rửa xe xuất hiện trong dự án xây dựng Nhà khách UBND TP. Hà Nội.
Theo đó, ông Chung yêu cầu các sở ban ngành gấp rút tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện và các đối tượng sử dụng đất; rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá 3 năm chưa thực hiện theo quy định của pháp luật; báo cáo UBND TP. Hà Nội trước ngày 30/4/2018.

Cuối tháng 03/2018, UBND TP. Hà Nội cũng có kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ thành phố xử lý, thu hồi các khu đất cấp cho các Tổng Công ty nhưng đang bỏ hoang ở khu vực quận Cầu Giấy để tránh lãng phí.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ với TP. Hà Nội kiểm tra, thanh tra các dự án được giao đất mà không sử dụng. Trường hợp vi phạm, quá hạn thì dứt khoát phải trả lại, phải thu hồi để tạo nguồn lực cho thành phố.

Mới đây, thực hiện Chỉ thị 01 ngày 03/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra, rà soát, xử lý các dự án, công trình chậm đưa đất vào sử dụng.
Sân tennis xuất hiện bên trong khuôn viên dự án.
Sân tennis xuất hiện bên trong khuôn viên dự án Nhà khách TP. Hà Nội.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát, thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các dự án công trình được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhưng không sử dụng, hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật đất đai.

Kết quả thực hiện báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/11/2018 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Riêng các tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh và Kiên Giang, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị ngoài việc thực hiện nội dung trên, các địa phương cần khẩn trương rà soát, lập danh sách, các dự án, công trình cho đến nay không sử dụng hoặc chậm tiến độ gửi về Bộ  trước ngày 15/04/2018.

Vào đầu tháng 04/2018, HĐND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 09/QĐ-HĐND thành lập Đoàn giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm luật Đất đai trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, HĐND TP. Hà Nội sẽ tổ chức giám sát tại UBND Thành phố; Các sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính; Cục Thuế Hà Nội, Ban chỉ đạo GPMB Thành phố. UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
 
Nội dung giám sát vào việc đánh giá thực trạng, trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các dự án sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách. Tổng hợp những tồn tại, hạn chế; khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện và kiến nghị với các cơ quan hữu quan về công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn TP. Hà Nội.
 
Đồng thời, đánh giá việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai đối với các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn Thành phố theo luật Đất đai năm 2003 và năm 2013; chú trọng thời điểm từ năm 2012 đến hết năm 2017. Tổng hợp danh sách các dự án chậm triển khai, vi phạm luật Đất đai đã được xử lý và chưa được xử lý theo quy định. Kết quả thực hiện các kiến nghị của HĐND Thành phố khóa XIV tại báo cáo giám sát số 53/BC-HĐND ngày 20/9/2012 về tình hình quản lý, sử dụng đất đat.
 
Thông qua giám sát nhằm đánh giá thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách và việc kiểm tra, xử lý của cơ quan quản lý nhà nước đối với các dự án chậm triển khai, vi phạm quy định Luật đất đai. Qua đó làm rõ các tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc, nguyên nhân của hạn chế trong tổ chức thực hiện; Đề xuất, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nhằm sử dụng đất hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô.

Mới đây nhất, ngày 22/05/2018, tại buổi giám sát tại Sở Tài nguyên và Môi trường về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, công tác quản lý đất đai còn những tồn tại, hạn chế.

Trên cơ sở đó, ông Tuấn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cần rà soát lại toàn bộ dự án sử dụng đất trên địa bàn thành phố, có số liệu chính xác, phân loại đối với từng dự án như dự án chậm triển khai, dự án vi phạm Luật Đất đai, vi phạm nghĩa vụ tài chính…

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng đề nghị Sở tăng cường phối hợp với các sở, ngành, thành phố và các quận, huyện thị xã, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện các dự án vi phạm và có phương án xử lý, chế tài kiên quyết đối với những chủ đầu tư cố tình chây ì, tạo điều kiện đối với chủ đầu tư có ý thức trách nhiệm triển khai dự án. Đồng thời, rà soát việc điều chỉnh quy hoạch, tiến độ các dự án thời gian kéo dài không triển khai.

Đối với các sở, ngành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị rà soát lại toàn bộ số liệu, phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quản lý các dự án sử dụng đất trên địa bàn.

Trước những chỉ đạo của các cấp, các ngành, dư luận đặt ra câu hỏi liệu dự án Nhà khách UBND TP. Hà Nội mở rộng và dự án trường mầm non Nhật Tân 2 dù đã được phê duyệt cả chục năm nay nhưng vẫn chưa đưa vào triển khai, khiến người dân ròng rã nhiều năm đi gõ cửa các nơi đề cầu cứu liệu có thuộc diện thanh tra và thu hồi (?!).

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Hồ - Hà Nội: Hàng chục hộ dân kêu cứu vì không được cấp sổ đỏ - Bài 14: Cần thanh tra các dự án có dấu hiệu trái pháp luật!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO