Người dân đồng lòng
Tây Giang là một trong những huyện miền núi nghèo của tỉnh Quảng Nam với hơn 95% dân số là đồng bào Cơ Tu. Những năm trước đây, về huyện miền núi Tây Giang, đâu đâu cũng thấy rác bị vứt bừa bãi ở dọc đường, sông, suối... gây ô nhiễm nguồn nước, làm mất mỹ quan nông thôn miền núi. Đây là áp lực đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện.
Theo lãnh đạo phòng TN&MT huyện Tây Giang cái khó thực hiện nhất trong xây dựng nông thôn mới của địa phương là tiêu chí số 17 về môi trường. Do đó, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, các xã triển khai thực hiện tốt tiêu chí này. Bên cạnh công tác hướng dẫn người dân phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn, ngành môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng thí điểm 15 lò đốt rác thủ công tại 15 khu dân cư trên địa bàn đang bức xúc về môi trường. Mỗi lò trị giá khoảng trên 20 triệu đồng. Ngoài ra, cán bộ còn xuống tận thôn vận động người dân không vứt rác bừa bãi; hướng dẫn cách thu gom, phân loại rác thải trước khi đem ra lò đốt.
Ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng phòng TN&MT huyện Tây Giang cho biết, để việc triển khai thu gom, đốt rác hiệu quả, các xã đã thành lập các tổ thu gom, xử lý rác ở từng thôn. Mỗi tổ khoảng 10 người và thay phiên nhau làm. Rác sau khi đốt được tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Những loại rác vô cơ (chai, lọ nhựa...) được tập hợp lại bán phế liệu.
“Trước mắt Tây Giang xây 15 lò đốt tại các điểm thôn khó khăn về giao thông, xe chuyên chở rác không vào được và đây cũng là thôn nằm trong diện xây dựng nông thôn mới, để đảm bảo tiêu chí số 17 về môi trường. Sau khi thí điểm sử dụng, nếu hiệu quả chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai mô hình này tại các thôn còn lại" - ông Phú nói.
Ông Phú chia sẻ, khi bắt đầu triển khai cái khó nhất là việc chọn địa điểm để đặt lò đốt rác. Tuy nhiên, qua quá trình vận động người dân đã hiểu được lợi ích của việc xây dựng lò đốt rác, giảm thiểu vứt rác bừa bãi ra môi trường nên bà con đã đồng lòng, tự nguyện hiến đất để xây dựng lò. Nay, gần như bà con đã hình thành cái “nếp” trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường luôn xanh – sạch – đẹp. Giờ đây, tới Tây Giang khó có thể thấy hình ảnh rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi đâu đó trên đường, dưới khe suối hay trên đồng ruộng. Tất cả rác thải sinh hoạt đều được người dân thu gom bỏ vào thùng rác gọn gàng rồi cuối tuần mang đến lò đốt rác đúng quy định.
Tiến đến phân loại rác thải tại nguồn
Với địa bàn miền núi giao thông chia cắt, xe thu gom rác chuyên dụng không đến thu gom thì với việc thí điểm mô hình sử dụng lò đốt bước đầu đem lại hiệu quả. Mô hình cũng giúp cho người dân Tây Giang nâng cao và hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Anh A lăng Đội, trưởng thôn Rabhươp, xã A Tiêng, huyện Tây Giang cho biết: Từ khi triển khai mô hình lò đốt rác đã giúp con suối trong xanh hơn, đường làng ngõ xóm sạch hơn. “Chúng tôi đã cùng với cán bộ thôn tuyên truyền vận động cho bà con nhân dân cam kết không xả rác ra môi trường và phải tự giác thu gom, phân loại rác đem đi đốt. Đến giờ bà con đã dần hình thành thói quen tập trung rác rồi đốt vứt rác lung tung như trước nữa”- Anh A lăng Đội chia sẻ.
Ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBDN huyện Tây Giang cho biết, đặc điểm chung của các huyện miền núi Quảng Nam là người dân còn thói quen xả rác tuỳ tiện và phương tiện thu gom thì thô sơ, không thể vào tận các làng bản xa xôi nên việc xử lý cũng không hề dễ dàng. Mặc dù đã triển khai lò đốt rác thủ công nhưng địa phương vẫn băn khoăn nhiều về công tác đảm bảo môi trường. Đây chỉ là giải pháp tình thế để hạn chế việc bà con vứt rác bừa bãi. Còn lâu về dài, địa phương tính đến phương án nhân rộng các mô hình phân loại rác thải. Do vậy, thời gian tới, bên cạnh phong trào giảm thiểu rác thải nhựa, địa phương tiếp tục tuyên truyền, đổi mới nâng cao nhận thức cho bà con về phân loại rác thải tại nguồn.
“Để chặn đứng nguy cơ ô nhiễm ngày càng gia tăng, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền việc phân loại rác cho bà con. Nếu không phân loại, không tính toán thì hoạt động xử lý rác thải cũng sẽ không hiệu quả. Hội liên hiệp phụ nữ các cấp phải đóng vai trò quan trọng trong công tác gần dân, bám dân từng bước thay đổi nhận thức của bà con về phân loại rác thải tại nguồn”- ông Linh cho hay.