18 năm trước khi tách huyện, Tây Giang là địa phương nghèo nhất của tỉnh Quảng Nam, với 97% người dân tộc thiểu số Cơ Tu. Thời ấy bà con Cơ Tu ở rừng núi rất nguy hiểm, đời sống nghèo khó, không điện, đường, trường, trạm gì. Do đặc thù địa hình đồi núi cao, sông suối nhiều, người dân ở phân tán trên rừng, đồi núi, triền sông… nên tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở, uy hiếp tính mạng, tài sản của nhân dân luôn là nỗi lo hiện hữu.
Làng tái định cư ở xã biên giới AXan huyện Tây Giang (Quảng Nam) |
Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’ling Mia nhớ lại, lúc ấy, nhiều thế hệ lãnh đạo huyện rất trăn trở, làm sao để tìm hướng đi, lối thoát cho bản làng Cơ Tu trong núi, trong rừng. Đến năm 2004, Tây Giang thống nhất ý tưởng thiết lập lại trật tự, quy tụ các cộng đồng Cơ Tu bố trí thành các khu định cư kiểu mới.
“Để nhân dân yên tâm về ở, Tây Giang khảo sát, lập quy hoạch sau khi xin ý kiến của các già làng, người có kinh nghiệm trong thôn, chọn những đồi núi có độ dốc ít, hình bát úp, không sạt lở, không xảy ra lũ quét, tránh được thiên tai và gần nguồn nước sinh hoạt. Ngoài văn hóa, tín ngưỡng, tập tục, chúng tôi bố trí các khu sản xuất tập trung cho làng, chia ruộng đất cho dân đầy đủ, hình thành lên tư duy canh tác thuận thiên, kiểu ruộng rừng, từng bước chấm dứt lối canh tác cũ”, ông Bh’ling Mia kể.
Bằng cách dân vận khéo nên nhân dân đồng tình với chủ trương tái định cư. |
Ông Bh′riu Liếc, nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, sau một thời gian dài khảo sát, thực địa, đối chiếu, lựa chọn, lấy ý kiến cộng đồng, huyện quyết định chọn khu đất bằng phẳng tại thôn Pơr’ning, xã Lăng để làm mô hình thí điểm với 45 hộ dân tiên phong. Về sau, tại Pơr’ning, địa phương tiếp tục mở rộng khu tái định cư, quy tụ thêm 85 hộ khác trên các nẻo rừng, hốc núi về ở.
“Pơr’ning lúc ấy là một thung lũng cỏ tranh bằng phẳng, xung quanh núi hình cái bát úp lại, độ dốc ít, rừng còn khá nguyên vẹn. Khi chọn được vị trí tốt, chúng tôi đến gặp từng già làng, trưởng bản, người uy tín với dân bản để nói cái lý, thuyết phục bà con hiểu, ưng bụng và chung sức làm theo”, ông Liếc kể.
Từ mô hình điểm ở Pơr’ning, đến nay, huyện Tây Giang tiếp tục lập quy hoạch, lựa chọn mặt bằng bố trí tập trung cho 63 thôn với 117 điểm dân cư có mặt bằng ổn định tại 10 xã. Bước đột phá này đã mang lại cho hơn 4.690 hộ dân có nhà ở kiên cố, những làng treo bên núi, hốc rừng đều được bóc ra nơi an toàn. Việc quy hoạch tập trung dân cư giúp quy tụ ruộng đất, tập trung được nguồn lực lao động để triển khai tốt các dự án xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
Tại xã biên giới Ch′Ơm, già làng Rial Đưm (Thôn H′Juh) khoe: “Toàn xã có 7/7 thôn đều khang trang, chỗ ở của người dân ổn định, đời sống nâng cao nên dân làng phấn khởi lắm. Nếu ở làng cũ mà gặp trận mưa lũ như hồi tháng 9/2020 thì cuốn trôi hết!”.
Đường đến trường của những đứa trẻ Tây Giang gần hơn khi đường, trường, trạm y tế được quy hoạch gần các khu dân cư. |
Bên cạnh việc định canh, định cư cho người dân thì công tác khai hoang, mở rộng diện tích đất cho trồng trọt và chăn nuôi của người dân cũng được chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng tranh thủ các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án, thực hiện chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung và trồng rừng gỗ lớn.
Tây Giang là một trong số ít những địa phương giữ rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn. |
Vài năm trở lại đây, bà con có thể yên tâm canh tác các loại cây đặc trưng núi rừng, phù hợp thổ nhưỡng của đất mẹ như gừng, chè dây, đảng sâm, ba kích, gạo nếp than, măng điền trúc. Qua đó giúp người dân ổn định thu nhập, không phá rừng già, rừng đầu nguồn để làm nương rẫy.
Qua 18 năm tái lập, rừng núi Tây Giang được tái sinh, phục hồi phủ xanh đất trống đồi trọc. Khi quy tụ lại, đời sống nâng cao thì bà con quay lại tôn trọng, bảo vệ rừng rất tốt (huyện đã phục hồi đạt 70% tỷ lệ che phủ rừng có chất lượng). Hiện, cả khu rừng già pơmu và rừng đỗ quyên cổ tới ngàn năm tuổi đều được người dân nơi đây bảo vệ, giữ gìn gần như nguyên vẹn. Mỗi cây rừng một thân phận, được đánh số thứ tự để dễ kiểm soát, bảo vệ. Người dân ở đây đều nhận thức rằng giữ rừng để được hưởng lợi, mất rừng thì nguồn sống sẽ vơi cạn.
Các khu tái định cư đều tính tránh được thiên tai và gần nguồn nước sinh hoạt. |
Để bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh, nhiều bản làng ở huyện Tây Giang còn đề ra quy ước, hễ ai muốn lấy gỗ trong rừng làm nhà phải được sự đồng ý của dân làng. Nếu khai thác cây nào thì Hội đồng già làng tính toán, đốn hạ những cây gỗ để sao không ảnh hưởng đến rừng già. Người nào vi phạm sẽ bị làng phạt vạ, nghiêm khắc hơn là cấm vào rừng.
Ngoài ra, năm 2018, Tây Giang đã phục dựng lại được lễ hội Tạ ơn rừng, đây là lễ hội tín ngưỡng thờ phụng gắn với tâm linh, người có công với đất nước. Thành công của Tây Giang hiện đang được Quảng Nam và nhiều tỉnh khu vực miền Trung quan tâm, nhân rộng.
Qua gần 15 năm thực hiện sắp xếp dân cư miền núi, đến nay, Tây Giang đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, bố trí dân cư tập trung, với 115 điểm tái định cư ở 63 thôn, tổng diện tích hơn 370 ha. Qua đó, địa phương đã bố trí nơi ở ổn định cho 4.690 hộ (19.000 người) đến nơi ở mới an toàn, với tổng kinh phí đầu tư hơn 500 tỷ đồng.