Tập trung về đích Dự án tiếp cận và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen

Tống Minh| 24/03/2020 17:50

(TN&MT) - Chiều ngày 24/3, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp trực tuyến về Dự án Xây dựng năng lực cho việc phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam (ABS).

Tham dự cuộc họp, có đại diện đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổng cục Môi trường, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Khoa học và Công nghệ…

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp trực tuyến

Theo báo cáo của ông Phạm Anh Cường – Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), Dự án ABS do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài thông qua UNDP, được thực hiện từ tháng 10/2016 đến tháng 10/2020, tại Hà Nội và Lào Cai.

Mục tiêu chính của dự án là góp phần bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam, thông qua tăng cường năng lực quốc gia trong thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, đảm bảo chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích từ nguồn gen.

Năm 2019, dự án đã đạt được những kết quả nhất định, với khung pháp lý ABS và các biện pháp hành chính được tăng cường; nghiên cứu và đề xuất biện pháp bảo vệ tri thức truyền thống; Tăng cường hệ thống hành chính cấp phép ABS nhằm thúc đẩy việc thực hiện khung pháp lý quốc gia về ABS; Thúc đẩy hợp tác giữa Cơ quan đầu mối quốc gia và các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện khung pháp lý quốc gia về ABS; Nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho các bên liên quan thực hiện khung pháp lý quốc gia về ABS. Năm qua, cơ sở dữ liệu về nguồn gen và tri thức truyền thống của Việt Nam và địa phương (tỉnh Lào Cai) được vận hành; thiết lập một thỏa thuận ABS và xây dựng các biện pháp bảo tồn tại chỗ đảm bảo tính an toàn của các nguồn gen sinh học.

Dựa trên những kết quả đạt được trong năm qua, bước sang năm 2020, Dự án sẽ tập trung xây dựng và củng cố hệ thống chính sách, văn bản về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Trong đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện, ban hành các tài liệu kỹ thuật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý để hướng dẫn thực hiện các quy định quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Nghiên cứu xây dựng đề xuất Hướng dẫn cơ chế tài chính sử dụng nguồn thu từ các hoạt động tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam.

Cùng với đó, phân tích, đánh giá và đề xuất nội dung về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn mới; xây dựng tài liệu đào tạo về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Phân tích, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Đa dạng sinh học (2008) bao gồm các quy định về quản lý nguồn gen, chia sẻ lợi ích và an toàn sinh học.

Năm 2020, dự án cũng sẽ hỗ trợ thiết lập và củng cố hệ thống hành chính trong quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, thông qua việc tăng cường phối hợp với các đơn vị Bộ, ngành liên quan trong việc lồng ghép các vấn đề ABS trong hệ thống quản lý y dược cổ truyền, quản lý nguồn gen và sở hữu trí tuệ liên quan đến nguồn gen và tri thức truyền thống gắn với nguồn gen. Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan có thẩm quyền quốc gia (Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT) thực hiện Nghị định 59/2017/NĐ-CP về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen.

Các đại biểu tham dự họp trực tuyến

Dự kiến, năm nay, một cuộc thi ảnh về đa dạng sinh học sẽ được tổ chức. Dự án cũng triển khai mô hình thí điểm hợp tác công tư về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tại Lào Cai, với Quy ước cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen tại xã Tả Phìn được cấp có thẩm quyền tại địa phương ban hành. Việc phát triển sản phẩm mới từ nguồn gen và tri thức truyền thống của cộng đồng tại Tả Phìn được hoàn thiện; tiến hành sản xuất, thương mại hóa sản phẩm. Hỗ trợ cộng đồng đăng ký thành công nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm “Thảo dược tắm cộng đồng Dao đỏ Tả Phìn”.

Theo đánh giá của đại diện Bộ NN&PTNT, UNDP, Sở TN&MT tỉnh Lào Cai, năm 2019, dự án đã gặt hái được các kết quả tích cực. Năm 2020, dự án sẽ “về đích”, với nhiều hạng mục cần hoàn thành. Vì vậy, theo đề xuất của các đơn vị liên quan, Ban Giám đốc dự án cần cân đối lại các nội dung và việc phân bổ kinh phí, đảm bảo dự án kết thúc đúng thời hạn và đạt hiệu quả cao.

Ghi nhận nỗ lực của Ban Giám đốc dự án trong năm qua, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, dự án ABS hướng đến mục tiêu thiết thực, khi việc triển khai thí điểm dự án với mô hình hợp tác công tư được thực hiện tại tỉnh Lào Cai, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và bảo tồn được nhiều nguồn gen quý.

Để dự án hoàn thành đúng thời hạn vào tháng 10/2020, Thứ trưởng chỉ đạo, Ban Giám đốc dự án và Tổng cục Môi trường cần tiếp thu những ý kiến góp ý của các đơn vị, đưa vào xây dựng kế hoạch hoạt động 2020 một cách cụ thể, trên cơ sở đó, thông qua Vụ Kế hoạch Tài chính thẩm định và báo cáo lãnh đạo Bộ.

Ban Quản lý dự án cũng cần tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành như Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và địa phương thí điểm là Lào Cai để đảm bảo tốt triển khai các hợp phần còn lại của dự án.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân lưu ý, tỉnh Lào Cai cần triển khai sâu rộng hơn mô hình hợp tác công – tư về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, trở thành mô hình điểm để lan tỏa ra các địa phương trong cả nước./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung về đích Dự án tiếp cận và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO