Tập trung thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu

Phương Hà| 03/02/2023 14:01

(TN&MT) - Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 3/2 tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương.

1(1).jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: N.V.M

Tiếp tục mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất nhập khẩu

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá ngành Công Thương có đa lĩnh vực, đa ngành, thể hiện quá trình phát triển của đất nước. Đây cũng là trách nhiệm nặng nề của Bộ với sự phát triển của đất nước. Bối cảnh phát triển mới của đất nước đặc biệt trong năm 2023 là vừa có thuận lợi, vừa có khó khăn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, qua việc ứng phó các thách thức của năm 2022 chúng ta đã trưởng thành lên, có thêm nhiều kinh nghiệm. Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức.

Theo đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị cần thảo luận, góp ý, đưa ra các giải pháp cụ thể trên tinh thần cần bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Cần tập trung thực hiện thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu, đồng thời bảo đảm các cân đối lớn, năng lượng từ đó đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho nền kinh tế và người lao động.

3-1-.jpg
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: N.V.M

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng như 4 quy hoạch gồm quy hoạch năng lượng, hạ tầng cung ứng xăng dầu khí đốt, thăm dò khai thác khoáng sản và đặc biệt là quy hoạch điện VIII. Trong đó, tiến độ quy hoạch hoạch là rất cần cần song chất lương quy hoạch còn cần hơn để có lợi cho nước, cho dân, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Thủ tướng cho biết cũng rất trăn trở khi chưa ra được quy hoạch này. Song cần bình tĩnh, không nóng vội. Phải giải quyết tốt các vấn đề sử dụng tối đa nguồn lực - tải điện - phân phối điện - sử dụng hiệu quả tiết kiệm - giá điện, đặc biệt là vấn đề giá điện. Cần ban hành cơ chế bán điện trực tiếp. Trong việc mua bán điện cần có các đàm phán để hài hoà lợi ích, chia sẻ khó khăn, giá điện hợp lý, điều hành không giật cục.

Trong công tác xuất nhập khẩu, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận Bộ Công Thương đã rất tích cực trong công tác xuất nhập khẩu và đàm phán các FTA. Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đàm phán 2 FTA còn lại để góp phần đa dạng hoá, thị trường, sản xuất và chuỗi cung ứng.

Tại hội nghị, đại diện của các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Công Thương đã có những báo cáo cụ thể về khó khăn, thách thức, giải pháp cụ thể để đẩy mạnh sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, kiến nghị tới người đứng đầu Chính phủ có những chỉ đạo để thúc đẩy hơn nữa sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh dự báo còn nhiều khó khăn.

Tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ

Để góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết toàn ngành sẽ tập trung triển khai 9 nhiệm vụ chính.

2.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: N.V.M

Thứ nhất, tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngay từ những ngày đầu năm 2023. Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện tốt 3 nhóm nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ tết nguyên đán Quý Mão 2023; xây dựng kịch bản tăng trưởng để tổ chức điều hành hiệu quả; thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình quốc tế và trong nước…

Thứ hai, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực hạ tầng điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản...

Thứ ba, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế. Hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 và các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật, các chiến lược, quy hoạch phát triển Ngành; đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, bất cập, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, tích cực phối hợp với Bộ KH&ĐT tham mưu cho Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chủ động tổng kết, đánh giá cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước để từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chú trọng các giải pháp khơi thông các rào cản về vốn, tín dụng, thủ tục hành chính… Rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm những chính sách có tính đột phá để khơi thông và giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa cho đầu tư phát triển công nghiệp.

4-1-.jpg

Thứ sáu, tăng cường đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới với các nước, các khu vực còn tiềm năng, gắn với lợi ích quốc gia - dân tộc; Đẩy mạnh tạo thuận lợi hoá thương mại; tập trung tháo gỡ "rào cản" kỹ thuật, đồng thời, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số. Chú trọng phát triển dịch vụ logistic, thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại xuyên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Thứ bảy, đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Thứ tám, đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Thứ chín, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành, gắn với đề cao đạo đức công vụ, tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ theo đúng phương châm điều hành của Chính phủ là "Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả". Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong mọi hoạt động nhằm nâng cao tính minh bạch, chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn ngành, góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO