Thiệt hại lớn
Do điều kiện tự nhiên chủ yếu là núi cao, Hà Giang là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng lớn nhất của loại hình rét đậm, rét hại. Theo thống kê của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hà Giang, một số đợt rét đậm, rét hại xuất hiện trong những năm gần đây, gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn tỉnh như: Từ 22/1 - 21/2/2008, đợt rét đậm, rét hại lịch sử kéo dài hơn 30 ngày, nhiệt độ thấp nhất các khu vực phổ biến từ 6-9 độ C. Rét hại làm trên 2.000 con trâu, bò bị chết, trên 600 ha lúa mới cấy bị hư hại.
Tiếp đó, ngày 24 - 25/1/2016, do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh kết hợp với gió tây trên cao, tại huyện vùng núi phía bắc của tỉnh đã xảy ra mưa tuyết và băng giá. Nhiệt độ thấp nhất các khu vực phổ biến từ 4-7 độ C, Đồng Văn là - 0,4 độ C. Rét đậm, rét hại làm 704 con đại gia súc bị chết và 412 ha cây trồng bị hư hại.
Cùng với rét hại, Hà Giang cũng là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại thiên tai khác như: Mưa lớn, ngập lụt, mưa đá, lốc, sét, hạn hán, lũ quét, sạt lở đất... Năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 29 trận thiên tai làm 5 người chết; 3 người bị thương; 892 nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại. Ước tính giá trị thiệt hại hơn 69,4 tỷ đồng.
Bên cạnh Hà Giang, Quảng Nam cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Theo thống kê của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam, trong 10 năm gần đây trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thường xảy ra các loại hình thiên tai như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn gây lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, nắng nóng, xâm nhập mặn, động đất... Càng về sau, tần suất xảy ra thường xuyên hơn, phức tạp hơn về diễn biến và nghiêm trọng hơn về hậu quả.
Từ năm 2010 đến nay, thiên tai đã làm 261 người chết, làm sập và hư hỏng trên 584.000 ngôi nhà cùng nhiều hồ, đập thủy lợi, cầu, cống giao thông...Tổng giá trị thiệt hại từ năm 2010 đến nay, ước tính gần 24.000 tỷ đồng, chưa tính đến thiệt hại mang tính ảnh hưởng lâu dài. Nhiều đoạn đường trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn bị sạt lở nghiêm trọng, cắt đứt hoàn toàn, cô lập nhiều khu dân cư.
“Đầu tư cho phòng, chống thiên tai là đầu tư cho phát triển bền vững. Do đó, cần quan tâm tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, đa dạng hoá nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Theo đánh giá của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, trong năm 2021, thiên tai không diễn ra khốc liệt, dị thường như năm 2020 nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Theo đó, cả nước đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai, trong đó có 12 cơn bão và ATNĐ; 326 trận dông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận động đất; 403 điểm/572km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nhất là ở khu vực ven biển miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.
Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư
Trước thiệt hại to lớn về người và tài sản do thiên tai gây ra, công tác khắc phục hậu quả giúp ổn định cuộc sống người dân đã được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện.
Đối với tỉnh Hà Giang, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, hàng năm các cấp, các ngành tỉnh Hà Giang luôn tích cực tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc công tác chuẩn bị phòng, chống rét đậm, rét hại theo phương châm “4 tại chỗ”. Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai. Hàng năm, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN từ tỉnh đến huyện, xã đã được kiện toàn và thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực 24/24h (đối với mùa mưa lũ), 12/24h (đối với các tháng còn lại).
Năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Công điện và một số văn bản chỉ đạo về chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, chống rét cho đàn vật nuôi và cây trồng, giúp nhân dân chủ động ứng phó. Trong năm 2021, các hộ có trâu, nghé bị thiệt hại do rét đã được UBND huyện sử dụng ngân sách dự phòng, hỗ trợ kịp thời theo định mức quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP. Tổng số tiền đã hỗ trợ cho các hộ là 13,2 triệu đồng.
Tại tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho biết, trong những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, đề án hỗ trợ hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở an toàn vùng thiên tai, giúp người dân có chỗ ở ổn định. Điển hình như trong việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung theo Quyết định số 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện hỗ trợ được 100 hộ, gồm: huyện Đại lộc: 50 hộ; huyện Điện Bàn: 50 hộ.
Quảng Nam cũng triển khai có hiệu quả Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 2.048 hộ nghèo có được nhà ở ổn định, yên tâm cuộc sống và làm việc, góp phần an sinh xã hội; trong đó có 436 hộ được hỗ trợ theo dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các công đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam (GCF)”.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam đang thực hiện Đề án hỗ trợ xây dựng chòi/phòng trú bão, lũ, lụt cho các hộ gia đình cư trú tại vùng thường xuyên xảy ra bão, lũ, lụt trên địa bàn tỉnh. Trong Đề án này, Ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 10 triệu đồng/chòi hoặc phòng. Ngoài ra, địa phương kết hợp từ các nguồn xã hội hoá và từ các nguồn hợp pháp khác. Quy mô thực hiện khoảng 10.000 hộ với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Đề án được thực hiện từ năm 2021-2025. Hiện nay, UBND tỉnh đã thống nhất và có văn bản xin chủ trương Thường trực HĐND tỉnh về việc mở rộng phạm vi, đối tượng áp dựng của đề án: thêm hộ cận nghèo, thêm khu vực đô thị để chính sách có sức lan tỏa đến mọi đối tượng có nhu cầu, góp phần an sinh xã hội, tạo chỗ ở ổn định cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Thiên tai năm 2021 đã làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương, thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng (giảm nhiều so với năm 2020 và các năm trước đó).
Mặc dù các địa phương trên cả nước đã rất chú trọng công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, tuy nhiên cũng còn những hạn chế nhất định. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đánh giá, công tác hỗ trợ, triển khai khắc phục hậu quả thiên tai còn bất cập, thủ tục rườm rà gây chậm trễ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Một số địa phương sau khi nhận được hỗ trợ nhưng triển khai chậm dẫn tới phải kéo dài thời gian, không phù hợp với tính chất hỗ trợ khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai; việc đầu tư khắc phục hậu quả thiên tai không dứt điểm, làm giảm hiệu quả.
Từ nhận định trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đầu tư cho phòng, chống thiên tai. Ưu tiên bố trí kinh phí để kịp thời khắc phục sự cố, nâng cấp đê điều, hồ đập, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, đầu tư trang thiết bị chuyên dùng tìm kiếm cứu nạn; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt, vv...