Tập trung giải pháp “xóa khát” vùng cao

Phương Anh | 23/09/2021, 16:43

(TN&MT) - Một trong những rào cản hướng tới sự phát triển bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chính là bài toán an toàn, an ninh nguồn nước cho vực này còn nhiều bất cập.

Đầu tư nhiều hiệu quả bấp bênh

Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 về “Tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020” của Ủy ban Dân tộc, toàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn 223.449 hộ thiếu nước sinh hoạt. Còn nếu tính yếu tố thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có khoảng 626.567 hộ, trong đó, có 363.338 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều khu vực ở miền núi vẫn thiếu nước sạch

Nhiều năm nay, hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách đã bố trí cho các chương trình, dự án để đầu tư, hỗ trợ nước sinh hoạt cho ngườikhu vực này, nhưng cơn khát nước sinh hoạt vẫn còn dai dẳng. Bằng chứng là tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn chưa thực sự bền vững do yêu cầu ngày càng cao của chất lượng nước. Cả nước vẫn còn hơn 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn. Trong khi đó, tại một số nơi ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước. Cụ thể, vùng miền núi phía Bắc đạt 31%, vùng Tây Nguyên đạt 26,6% so với mức trung bình 51% của cả nước... Đây cũng là nguyên nhân gia tăng các bệnh nguy hiểm có liên quan đến sử dụng nguồn nước kém vệ sinh.

Hiện, cả nước có 16.342 công trình cấp nước tập trung, trong đó chỉ có 33,5% công trình bền vững, còn lại 37,5% hoạt động trung bình, 16.7% hoạt động kém hiệu quả và 12% không hoạt động. Cá biệt, vùng núi và Tây Nguyên có tới 45,2% công trình cấp nước tập trung hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động, tiếp đó là miền núi phía Bắc với tỷ lệ 34,8% và đồng bằng sông Hồng là 18,1%.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện mỗi năm, có khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, gần 250 ngàn người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước.

Còn Tổ chức Y tế thế giới - WHO cho biết những con số giật mình về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam. Hiện, có khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và kém về vệ sinh. Bên cạnh đó, có khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen. Điều rất đáng lo ngại là, trên thực tế vẫn còn một bộ phận dân cư bất chấp những con số báo động đỏ này.

Theo một báo cáo gần đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn có đến 30% dân số chưa nhận thức được tầm quan trọng của sử dụng nước an toàn.

Tập trung giải pháp “xóa khát”

Dự thảo Đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 đang được Bộ NN&PTNT xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được đánh giá là một trong những quyết sách dài hơi để giải quyết tình trạng thiếu nước sạch cho người dân. Đề án này rất cần thiết nhằm mục đích vừa đảm bảo cấp nước phục vụ an sinh xã hội, vừa phát triển theo xu hướng thị trường đảm bảo ổn định, bền vững trong điều kiện thiên tai, biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu cấp nước đến năm 2025 đảm bảo 60% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, góp phần thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc.

Đề án đặt ra các giải pháp như: Ưu tiên hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho công tác nước sạch nông thôn tại các vùng khó khăn; sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cấp nước sạch nông thôn; xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư, quản lý vận hành công trình sau đầu tư tại các vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước.

Phấn đấu năm 2025, đảm bảo 60% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch

Để đạt được mục tiêu trên, Dự thảo đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, như: phát huy hiệu quả quản lý công tác nước sạch nông thôn và thu hút mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư, quản lý vận hành công trình cấp nước sạch nông thôn; đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo các công trình cấp nước tập trung nhằm đảm bảo cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân đáp ứng yêu cầu chất lượng nước, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cấp nước sạch nông thôn theo hướng đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, phù hợp với thực tiễn, mở rộng đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.

Xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư, quản lý vận hành công trình sau đầu tư tại các vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, biên giới, hải đảo, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, ô nhiễm nguồn nước.

Huy động tổng thể các nguồn lực, thực hiện đồng bộ 2 giải pháp cơ bản, đó là thực hiện chính sách an sinh xã hội, ưu tiên hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho công tác nước sạch nông thôn tại các vùng khó khăn và phát triển xã hội hóa công tác cấp nước sạch nông thôn.

Theo Dự thảo Đề án “An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị trình Quốc hội hóa XV, cả nước hiện có 16.573 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung đã được đầu tư. Cùng với đó là 7.342 đập, hồ chứa thủy lợi, 291.013 km kênh mương các loại,… Vậy nhưng, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh cuối năm 2020 mới đạt khoảng 88,5%.
Bài liên quan
  • Cao Bằng: Người dân xã Trường Hà thay đổi nhận thức, tích cực bảo vệ môi trường
    (TN&MT) - Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và tinh thần đoàn kết của nhân dân xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn xã đã có chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn thay đổi căn bản, góp phần xây dựng quê hương giàu truyền thống cách mạng ngày càng sáng – xanh – sạch – đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO