Tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền về chính sách pháp luật cho báo chí

Bạch Thanh| 25/11/2022 17:28

(TN&MT) - Sáng ngày 25/11, tại TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền về chính sách pháp luật cho công chức, viên chức các Sở TT&TT; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương.

a1.jpg
Ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ TT&TT phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ TT&TT cho biết: Triển khai Quyết định số 1789 ngày 26/9/2022 của Bộ TT&TT về ban hành Kế hoạch Tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền về chính sách pháp luật cho công chức, viên chức các Sở TT&TT; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương về triển khai thực hiện Dự án 6 - Tiểu dự án giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của Bộ TT&TT năm 2022, Bộ TT&TT phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc để tổ chức Hội nghị này.

Cũng theo ông Hồ Hồng Hải, nhằm thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày ngày 18/01/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

a2.jpg
Ông Đinh Xuân Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Ủy ban Dân tộc trình bày tại Hội nghị

Trong Chương trình này, Bộ TT&TT được giao nhiệm vụ triển khai dự án Giảm nghèo về thông tin. Thực hiện mục tiêu của Đề án là nâng cao năng lực truyền thông; kỹ năng viết bài cho cán bộ các Sở TT&TT; các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo đài Trung ương và địa phương trong việc thông tin, tuyên truyền về các nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu cho xã hội, nhất là cung cấp thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thông tin cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Hồ Hồng Hải nhấn mạnh, Ban tổ chức hy vọng Hội nghị sẽ giúp tăng cường hơn nữa sự hiểu biết của các cán bộ, phóng viên, nhà báo về mục tiêu, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan báo chí, từ đó ngày càng nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo về thông tin.

Tại Hội nghị tập huấn, các giảng viên đã cung cấp cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên hai nội dung chính gồm: Chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước Việt Nam về dân tộc, miền núi; và kỹ năng viết bài, thông tin tuyên truyền về vùng đồng bào dân tộc, miền núi.

a3.jpg
Nhà báo Lưu Đình Triều - nguyên Tổng Thư ký Tòa soạn báo Tuổi trẻ trao đổi tại Hội nghị

Trình bày về “Chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước Việt Nam về dân tộc, miền núi”, ông Đinh Xuân Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Ủy ban Dân tộc cho biết: Xuyên suốt quá trình hoạt động, lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc. Các quan điểm, đường lối được thể hiện rõ nét nhất qua văn kiện nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng và các văn bản nghị quyết chuyên đề.

Theo đó, Đảng ta luôn xác định, vấn đề dân tộc “có vị trí chiến lược lớn’’, “luôn luôn có vị trí chiến lược’’, “có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta"... Không chỉ mang nội hàm, tính chất “chiến lược”, vấn đề dân tộc, công tác dân tộc còn mang tính “cấp bách”, đó là vì xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn tình hình dân tộc thiểu số, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang đặt ra. Những vấn đề này nếu không được quan tâm xử lý, giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển đất nước và quốc gia dân tộc.

a4.jpg
Toàn cảnh Hội nghị tập huấn

Ông Đinh Xuân Thắng cho rằng: Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của hệ thống chính trị. Công tác dân tộc có nhiều ngành, cấp và cả chủ thể là Nhà nước và phi Nhà nước. Nếu xét theo hệ thống chính trị thì Đảng có trách nhiệm hoạch định quan điểm, đường lối đúng đắn về phát triển dân tộc; giáo dục đảng viên quán triệt nghiêm túc quan điểm, đường lối; vận động đảng viên gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc; đưa đảng viên cơ cấu trong bộ máy nhà nước để thực hiện đầy đủ đường lối của mình.

Trong khi đó, Nhà nước có vai trò trung tâm trong công tác dân tộc, có trách nhiệm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng thành luật pháp, chính sách cụ thể nhằm bắt buộc thực hiện trên quy mô toàn quốc; xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về công tác dân tộc để triển khai các nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ công chức các cấp tổ chức thực hiện các chính sách và có ý thức gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc, có kỹ năng và nghiệp vụ thực hiện công tác dân tộc; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các dân tộc; điều tiết nguồn lực đầu tư cho phát triển các dân tộc…

Trao đổi về kỹ năng viết bài, thông tin tuyên truyền về vùng đồng bào dân tộc, miền núi, Nhà báo Lưu Đình Triều - nguyên Tổng Thư ký Tòa soạn báo Tuổi trẻ cho hay: Đời sống của đồng bào dân tộc còn rất nhiều khó khăn. Khi đó, các nhà báo, phóng viên có đến tận nơi, đi thực tế, sâu sát cơ sở, từ đó mới có thông tin, hình ảnh chân thật, cảm động, để tạo những sản phẩm báo chí hay, góp phần làm thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng tích cực. Các thể loại có thế mạnh tuyên truyền về đời sống của đồng bào dân tộc như: Phóng sự, bút ký, ghi chép... Ngôn ngữ báo chí viết nơi này sử dụng cần trong sáng, giản dị, gần gủi, dễ hiểu, không đa nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền về chính sách pháp luật cho báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO