Tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng vùng đệm Vườn quốc gia Bạch Mã

30/08/2013 00:00

(TN&MT) - Lâu nay, quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân cư sống trong vùng đệm của nhiều khu rừng có chủ vẫn còn hạn chế.

   
(TN&MT) - Lâu nay, quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân cư sống trong vùng đệm của nhiều khu rừng có chủ vẫn còn hạn chế. Việc xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã là hướng đi mới, mở ra cơ hội cho sinh kế người dân và mối quan hệ đồng quản lý nguồn tài nguyên rừng.
           
Tạo mối quan hệ bình đẳng và thân thiện
   
  VQG Bạch Mã là một trong trong hai khu rừng đặc dụng ở Việt Nam được chọn làm thí điểm thực hiện dự án “Cơ chế chia sẻ lợi ích” do Quỹ bảo tồn rừng đặc dụng Việt Nam (VCF) tài trợ. Phương án chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững VQG Bạch Mã được thực hiện như một phần trong dự án này nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân sống ở xã Thượng Nhật (Nam Đông) thuộc vùng đệm VQG Bạch Mã.
   
  Diện tích rừng tự nhiên ở VQG Bạch Mã dự định giao cho 7 thôn xã Thượng Nhật đồng quản lý khoảng trên 9.200 ha; trong đó hơn 4.360 ha rừng giàu, 180 ha rừng trung bình, 1.600 ha rừng nghèo, 1.200 ha rừng phục hồi, 1.860 ha rừng gỗ tái sinh và 14,6 ha là cây bụi, lau lách. Diện tích này được chia ra 3 vùng quản lý.
   
Chia sẻ lợi ích rừng tại VQG Bạch Mã theo cơ chế đồng quản lý
    
   
  Ông Nguyễn Vũ Linh - Phó giám đốc VQG Bạch Mã cho hay, việc chọn 7 thôn ở xã Thượng Nhật để thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích dựa vào cộng đồng là cách tìm kiếm và phát hiện những giải pháp thúc đẩy phong tục tập quán của cộng đồng dân tộc thiểu số Ca Tu, hướng tới quản lý và sử dụng lâm sản ngoài gỗ bền vững trong tương lai. Trước mắt, người dân được hưởng lợi chủ yếu từ lâm sản ngoài gỗ. Nếu sau một thời gian thực hiện, dự án xét thấy ý thức trách nhiệm trong khai thác, quản lý của cộng đồng đạt được quy trình kiểm soát thì sẽ tiến đến đề xuất cho phép khai thác gỗ theo đúng hiện trạng quy định.
   
  Phát triển sinh kế từ rừng tự nhiên dựa trên cơ chế chia sẻ lợi ích trong việc sử dụng bền vững và bảo tồn lâm sản ngoài gỗ tại VQG Bạch Mã là một trong những hướng đi đúng hiện nay. Mô hình này sẽ tạo cơ sở pháp lý, giúp tháo gỡ khó khăn trong việc quản lý tài nguyên rừng bền vững, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường ngay tại địa phương. Cơ chế này là một phương thức quản lý khai thác, tiêu thụ và phân phối lợi ích và trách nhiệm hợp lý, bền vững và thân thiện giữa cộng đồng địa phương với lực lượng kiểm lâm, chính quyền các cấp.
   
  Bên cạnh mặt tích cực, chắc chắn khi triển khai dự án sẽ xuất hiện nhiều rủi ro, thách thức và có thể phát sinh mâu thuẫn, như người dân lợi dụng đặt bẫy săn bắt động vật rừng, khai thác gỗ trái phép. Để khắc phục tình trạng này, trong phương án chia sẻ lợi ích cũng đã được người dân và các bên có liên quan thiết lập các bản đồ phân bố và trữ lượng các loài lâm sản ngoài gỗ chủ yếu, quy trình kỹ thuật khai thác bền vững, vai trò của các bên tham gia, giám sát thực hiện phương án chia sẻ lợi ích, các mối xung đột, rủi ro phát sinh và đề xuất giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực, rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích.
   
Tạo sinh kế cho dân
   
  Các tiểu khu thuộc phân khu phục hồi sinh thái của VQG Bạch Mã ở xã Thượng Nhật khá phong phú về các loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị như các loài mây, phong lan, sâm đất, hạt ươi, cây thuốc, mật ong, lợn rừng… Những loài này liên quan mật thiết với đời sống cộng đồng người dân tộc thiểu số Ca Tu, đóng vai trò quan trọng trong phát triển sinh kế của người dân.
   
  Thực tế tồn tại lâu nay, do sự hạn chế của người dân về các quyền và ý thức trách nhiệm trong quản lý tài nguyên, nên mỗi khi họ vào khai thác lâm sản ngoài gỗ ở VQG Bạch Mã thì họ sẽ lấy đi bất cứ thứ gì, với bất cứ kích cỡ nào mà họ gặp, miễn sao bán có tiền để có thêm nguồn thu nhập. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nạn khai thác lâm sản ngoài gỗ quá mức, không bền vững, làm cho một số loài ở VQG Bạch Mã đang có nguy cơ bị tuyệt chủng và biến mất trong thiên nhiên. Có 236 hộ tham gia dự án đã đề xuất chia sẻ lợi ích các loài lâm sản ngoài gỗ, như: mây, hạt ươi, nấm linh chi, măng, mật ong, lợn rừng, ốc...
   
Họp dân để thống nhất các phương án triển khai dự án
    
   
  Theo Phó giám đốc VQG Bạch Mã Nguyễn Vũ Linh, vấn đề chia sẻ lợi ích với cư dân vùng đệm tại VQG Bạch Mã đã được thực hiện từ lâu tại một số thôn của xã Xuân Lộc (Phú Lộc) và Thượng Nhật (Nam Đông). Tuy nhiên, tính pháp lý và việc áp dụng vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn. Nên, việc thực hiện thành công mô hình thí điểm này theo Quyết định 126 của Thủ tướng Chính phủ sẽ là bước đột phá về cơ sở pháp lý và cực kỳ giá trị cho VQG Bạch Mã và cộng đồng địa phương thực hiện quyền lợi và trách nhiệm với tài nguyên rừng.
   
  Khi chúng tôi đặt vấn đề về công tác triển khai và quản lý mô hình đối với 100% hộ dân tham gia là người dân tộc thiểu số, ông Nguyễn Vũ Linh phân tích, dù là người dân tộc, nhưng ở đây đều có luật tục, văn hóa làng bản. Lợi dụng đều này, dự án sẽ nhắm đến các trưởng thôn, già làng, trưởng bản để quản lý, vận động, tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức trong quản lý, khai thác rừng bền vững.
   
  Chia sẻ của nhiều người dân Thượng Nhật khi tham gia mô hình này, đó là ngoài mang lại thu nhập cho bà con, lâm sản ngoài gỗ còn đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì một nền văn hóa truyền thống và kiến thức bản địa lâu đời của người dân tộc Ca Tu ở xã Thượng Nhật như kinh nghiệm khai thác và sử dụng một số lâm sản ngoài gỗ nhằm phục vụ cuộc sống hàng ngày như làm thực phẩm và thuốc chữa bệnh thông thường.
   
        
Vùng đệm VQG Bạch Mã có diện tích 58.676 ha, trải dài trên 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, gồm 15 xã và thị trấn thuộc 3 huyện Phú Lộc, Nam Đông và Đông Giang với 13.211 hộ đang sinh sống, không có dân định cư trong vùng lõi Vườn. Dự án này được triển khai sẽ giải quyết được yêu cầu cấp thiết là tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị mỹ quan, phòng hộ đầu nguồn của vùng lõi VQG Bạch Mã.
        
    
                                                                    
  Bài & ảnh: Xuân Giang
         
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng vùng đệm Vườn quốc gia Bạch Mã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO