Tăng tính minh bạch, ổn định thị trường bất động sản: Đề xuất giải pháp ngăn chặn việc bỏ cọc khi đấu giá đất

Trường Giang| 12/05/2022 14:53

(TN&MT) - Thời gian qua, công tác đấu giá đất đã xuất hiện những bất cập, nhất là vụ việc bỏ cọc đấu giá đất tại Thủ Thiêm (TP.HCM) đã gây ra nhiều hệ lụy xã hội, khiến cơ quan quản lý Nhà nước cần phải bổ sung những quy định mới để quản lý chặt chẽ hơn.

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, hiện pháp luật về đất đai chỉ quy định ba nội dung về việc đấu giá đất là: Đối tượng tham gia, điều kiện tham gia và giá khởi điểm đưa lô đất ra đấu giá. Còn các trình tự thủ tục để tiến hành đấu giá đất thì được thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản. Tuy nhiên, đất đai là loại tài sản đặc biệt, cần có những quy định riêng đối với bán đấu giá loại tài sản này.

Hiện nay, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đang được Bộ TN&MT lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân đã đề xuất bổ sung quy định về xác định và phê duyệt giá khởi điểm của thửa đất đấu giá; điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá; Quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của người tham gia đấu giá. Trong đó, quy định rõ việc xử phạt đối với trường hợp tự hủy kết quả trúng đấu giá đất để ngăn chặn các tiêu cực.

t8.jpg

Ảnh minh họa

Theo đó, Dự thảo Nghị định yêu cầu cụ thể về tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện phải thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20ha trở lên; có kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất; Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Đặc biệt là không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác. Phải nộp tiền đặt trước và có tài sản bảo đảm cho tổ chức đấu giá để đảm bảo năng lực tài chính thực hiện dự án khi trúng đấu giá theo phương án được phê duyệt. Tương tự như vậy về cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện như trên.

Về khoản tiền đặt trước, Dự thảo đề xuất do tổ chức đấu giá và người tham gia đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là hai mươi phần trăm (20%) giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp khoản tiền đặt trước có giá trị dưới 5 triệu đồng thì người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp cho tổ chức đấu giá. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.

Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì sẽ phải bồi thường cho Nhà nước thêm một khoản tiền bằng giá trị tiền đặt trước. Sau khi người tham gia đấu giá nộp đủ tiền bồi thường cho Nhà nước thì sẽ được nhận lại tài sản thế chấp. Trường hợp người tham gia đấu giá không nộp tiền bồi thường sẽ bị khấu trừ vào tài sản thế chấp.

Giá trị của tài sản bảo đảm phải lớn hơn giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá có thể thỏa thuận thay thế tài sản bảo đảm và tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.

Trường hợp tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng không nộp đủ tiền hoặc không nộp tiền theo phương án đấu giá quyền sử dụng đất thì người trúng đấu giá quyền sử dụng đất sẽ nhận lại giá trị của tài sản bảo đảm sau khi đã trừ đi các chi phí nộp phạt theo quy định.

Theo dự thảo, người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong các trường hợp sau đây: Đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng; bị truất quyền tham gia đấu giá do có hành vi vi phạm quy định của pháp luật; từ chối ký biên bản đấu giá theo quy định; rút lại giá đã trả hoặc giá đã chấp nhận; từ chối kết quả trúng đấu giá mà không có lý do chính đáng.

Theo Dự thảo, người trúng đấu giá không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì Nhà nước sẽ thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không bồi thường.

Bộ TN&MT đề xuất trường hợp người tham gia đấu giá tự ý hủy kết quả trúng đấu giá không có lý do chính đáng, ngoài tiền đặt trước, người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá và các chi phí đấu giá vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì trong thời gian 5 năm không được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

Góp ý vào nội dung này, Luật sư Nguyễn Đức Mạnh (Công ty Luật TNHH Bizlink), việc bổ sung những chế tài mạnh, đủ sức răn đe là rất cần thiết. Ngoài ra, cần có cơ chế để lựa chọn nhà đầu tư tương tự như thủ tục đấu thầu (xem xét đề xuất về tài chính, kỹ thuật để sàng lọc, lựa chọn ra 1 danh sách các nhà đầu tư tiềm năng, có khả năng thực hiện tốt dự án) rồi mới tiến hành bỏ giá. Cơ chế này không những mang lại lợi ích cho Nhà nước, mà còn giúp khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai.

Tuy nhiên, ông Mạnh cho rằng, tại thời điểm tổ chức đấu giá, vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư mà yêu cầu người tham gia đấu giá phải ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư là chưa phù hợp. Giá trị khoản tiền đặt trước được quy định trong Dự thảo Nghị định cũng đang mâu thuẫn với Luật Đấu giá tài sản 2016 (tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá). Trong khi đó, đối với trường hợp xung đột pháp luật, các bên sẽ phải áp dụng Luật Đấu giá tài sản.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên viên pháp lý của Công ty CP Vinhomes cho rằng, dự thảo đề xuất “tổ chức tham gia đấu giá phải có kinh nghiệm thực hiện các dự án có sử dụng đất” là cần thiết để sang lọc nhà đầu tư, tránh doanh nghiệp mới thành lập, chưa có kinh nghiệm đã tham gia đấu giá sử dụng đất. Nhưng việc quy định như vậy còn chưa cụ thể để các địa phương thống nhất áp dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng tính minh bạch, ổn định thị trường bất động sản: Đề xuất giải pháp ngăn chặn việc bỏ cọc khi đấu giá đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO