Tăng giá trị cây dược liệu bản địa gắn với bảo vệ hệ sinh thái rừng

Khánh Ly| 16/02/2023 16:32

(TN&MT) - Nhằm hỗ trợ tăng thu nhập cho người dân thông qua phát triển sản xuất kinh doanh lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao, Vườn Quốc gia Cúc Phương phối hợp cùng WWF Việt Nam đang triển khai đánh giá trị sản phẩm của cây xạ đen và một số cây thuốc tại xã Yên Trị, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Sản phẩm chưa đa dạng, giá thấp

Yên Trị là một xã vùng núi nằm ở phía Nam của huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Đây là xã vùng đệm của Vườn quốc gia Cúc Phương, với ngành nghề sản xuất chủ yếu là nông nghiệp. Được thừa hưởng điều kiện khí hậu thuận lợi nên nơi đây phù hộp cho rất nhiều loài cây dược liệu có giá trị sinh trưởng.

Theo Ban quản lý VQG Cúc Phương, trong số 187 loài cây thuốc đang được các hộ dân trồng trong vùng, Xạ đen là loại cây trồng được đánh giá cao và có tiềm năng lớn nhất để trở thành trọng tâm chuỗi giá trị bền vững. Những sản phẩm chính là: cao Xạ đen, chè túi lọc, bảo thọ có vị Xạ đen nhằm phục vụ cho việc chăm sóc và nâng cao sức khỏe.

anh-1.jpg
Khảo sát vườn Xạ đen của người dân xã yên Trị (tỉnh Hòa Bình)

Những năm gần đây, người dân xã Yên Trị đã gây giống và phát triển cây Xạ đen thương phẩm, với diện tích hơn 20 ha. Tuy nhiên, đến nay, quá trình sản xuất chủ yếu là sử dụng các kinh nghiệm, kiến thức bản địa đã được truyền lại từ lâu đời, chưa áp dụng các công nghệ tiên tiến trong canh tác cây Xạ đen nên năng suất và chất lượng Xạ đen còn khá thấp.

Giá bán sản phẩm thô (tươi) của Xạ đen hiện nay chỉ có 3.500đ/kg, điều đó đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của hộ gia đình trồng, dẫn đến nguy cơ một số hộ giảm diện tích để trồng cây khác hoặc bỏ chăm sóc. Việc bán sản phẩm Xạ đen thường do tư thương, người mua gom trung gian dẫn đến thị trường thiếu sự ổn định, giá cả bấp bênh, chi phí trung gian nhiều. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu các sản phẩm Xạ đen chủ yếu qua con đường tiểu ngạch, chính ngạch hầu như chưa có nên giá trị mang lại thấp. Các sản phẩm Xạ đen chưa được hỗ trợ từ các doanh nghiệp chuyên kinh doanh xuất, nhập khẩu nên người trồng Xạ đen thiếu thông tin thị trường, dẫn đến bị ép giá và bị động trong tiêu thụ sản phẩm.

Xã đã có sản phẩm được công nhận đạt OCOP như Cao Xạ đen, nhưng mới ở dạng thực phẩm chức năng và thương hiệu này chưa được đầu tư quảng cáo nên tính cạnh tranh còn thấp. Cơ sở thu mua, chế biến mới hình thành và đang tiếp tục được đầu tư, nhưng gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, nhân lực thiếu và đa số chưa được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn. Hệ thống mạng lưới tiêu thụ mới mang tính tự phát, chưa có liên kết, cam kết chặt chẽ giữa các hộ trồng với HTX chế biến, giữa hộ trồng với các lương y nổi tiếng trong vùng.

anh-2(1).jpg
Hội nghị đánh giá các loại cây trồng dược liệu tại xã Yên Trị

Dù vậy, một trong những yếu tố tích cực là các loại cây thuốc chủ yếu tuyển chọn giống tại địa phương nên giữ được những đặc tính riêng có. Người dân có nhận thức tốt về tác hại của các loại thuốc bảo vệ thực vật nhất là với các loại cây thuốc cho bộ phận sử dụng là cành lá. Các hộ gia đình trồng không sử dụng thuốc diệt cỏ, chủ yếu nhặt cỏ bằng tay. Nguồn nước tưới dùng nước giếng dùng cho sinh hoạt đảm bảo là nước sạch, một số hộ có trang bị hệ thống vòi phun tự động. Những yếu tố này sẽ tạo thuận lợi khi canh tác tập trung theo tiêu chuẩn xanh, sạch.

Nghiên cứu đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường

Theo PGS.TS. Trần Ngọc Hải, tư vấn dự án, việc chủ động nắm bắt được thị trường và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ sản phẩm của cây xạ đen là ưu tiên hàng đầu hiện nay của người sản xuất. Để làm được điều này, sản phẩm xạ đen cần phải khẳng định được thương hiệu, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn được thị trường chấp nhận. Điều này không những giúp sản phẩm Xạ đen có chỗ đứng trên thị trường, nâng cao giá trị, tiêu thụ ở nhiều thị trường mà còn giúp người sản xuất chủ động trong quá trình sản xuất, tăng thêm thu nhập. Việc tăng thêm thu nhập rất có ý nghĩa với Yên Trị, vốn là xã có đa số là đồng bào dân tộc Mường sống định canh từ nhiều đời nay.

anh-3.jpg
Việc xây dựng Kế hoạch phát triển dược liệu tại Yên Trị sẽ có sự tham gia của nhiều bên liên quan

Sau quá trình nghiên cứu và thực hiện đánh giá, dự kiến từ năm 2023, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) sẽ kết hợp với Ban quản lý  VQG Cúc Phương hỗ trợ bà con cải thiện quy trình kỹ thuật từ nuôi trồng, chế biến, đảm bảo đạt đủ tiêu chuẩn để nhận chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm, đến tạo mạng lưới tiêu thụ tương lai.

Việc xây dựng Kế hoạch phát triển dược liệu tại Yên Trị sẽ có sự tham gia của nhiều bên liên quan, trong đó có Ban quản lý VQG Cúc Phương, chính quyền xã Yên Trị, cán bộ kiểm lâm, nông nghiệp và phát triển nông thôn và nông dân trực tiếp sản xuất. Các vấn đề trọng tâm là phát triển dịch vụ cây trồng, phân bón; mở rộng vùng trồng, chọn loài để phát triển. Dự án cũng sẽ cử chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật trồng, thu hái, sơ chế; kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã tạo mạng lưới tiêu thụ.

Một số vấn đề cần quan tâm nữa là dịch vụ bảo quản sau thu hoạch, cho vay vốn để trồng cây thuốc; hỗ trợ thủ tục cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm… Dự án sẽ phối hợp cùng địa phương thúc đẩy liên doanh liên kết, tạo vùng dược liệu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

PGS.TS. Trần Ngọc Hải cho rằng, trong thời gian tới, cần biên soạn tài liệu để mở các lớp tập huấn kỹ thuật về chọn giống, nhân giống, trồng, thu hoạch, sơ chế bảo quản một số loài cây thuốc cần phát triển ở Yên Trị. Trên cơ sở đó, biên soạn cách nhận biết các loài cây thuốc ở vùng đệm VQG Cúc Phương để phổ cập rộng rãi.

Các thành viên của hợp tác xã nông nghiệp cũng như các nhóm hộ nên được trang bị kỹ năng quản lý, kỹ năng quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Khuyến khích các hộ, các cơ sở sản xuất dược liệu, chế biến thuốc hay thực phẩm chức năng áp dụng tiêu chuẩn của VietGap và GMP. Bên cạnh đó, việc tạo dựng mạng lưới liên kết với các doanh nghiêp, công ty rất quan trọng, nhằm phát triển và nâng cao chuỗi giá trị của Xạ đen và cây thuốc ở Yên Trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng giá trị cây dược liệu bản địa gắn với bảo vệ hệ sinh thái rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO