Tăng dân số - Thách thức quản lý tài nguyên nước tại đới ven biển

17/05/2019 15:20

(TN&MT) - Các hoạt động của con người tác động đến hệ thống nước dưới đất ven biển trên nhiều mặt và vượt ra ngoài hoạt động khai thác nước từ các tầng chứa nước ven biển. Những nghiên cứu điển hình tại các khu vực duyên hải khác nhau nhằm minh họa các tác động nghiêm trọng của hoạt động con người và những thách thức trong quản lý tài nguyên nước tại các đới ven biển. Tăng dân số cũng là yếu tố làm gia tăng thách thức này.

anh minh hoa
Ảnh minh họa

Dar es Salaam là một trong những trung tâm đô thị tăng trưởng nhanh nhất của Châu Phi. Năm 1957, dân số của Dar es Salaam là 128.000 người, hiện con số đã tăng lên thành 4,1 triệu. Thành phố này có khả năng trở thành “siêu đô thị” – với dân số trên 10 triệu người - vào đầu những năm 2030 (Ngân hàng Phát triển Châu Phi 2014).

Theo Skinner và Walnycki (2016), 51% dân số của Dar es Salaam được cung cấp nước thông qua hệ thống đường ống vào năm 2013. Nguồn nước này được khai thác chủ yếu từ sông Ruvu gần đó và từ tầng chứa nước Kimbiji, một tầng chứa nước có chiều sâu tối đa 600m. Phần dân số còn lại - hầu hết sống tại các khu định cư không chính thức và thu nhập thấp không kết nối với hệ thống đường ống cấp nước tập trung – khai thác nước từ tầng chứa nước nông bên dưới thành phố.

Xâm nhập mặn đã xảy ra tại trung tâm thành phố gần bờ biển, nơi nồng độ clorua vượt quá tiêu chuẩn nước uống của WHO 250 mg/l. Hậu quả, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã gây ra hiện tượng xâm nhập mặn theo hai cách. Một mặt, do sự thay đổi rộng khắp trong sử dụng đất do sự mở rộng của các khu định cư mới cùng với cơ sở hạ tầng đô thị tại các vùng đồng bằng ven biển làm giảm khả năng bổ cập của nước mưa, và do đó giảm lượng bổ cập cho nước nhạt tại các tầng chứa nước nông. Mặt khác, hoạt động khai thác từ tầng chứa nước nông tăng nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao (Sappa và Luciani 2014: 466). Có tới 10.000 lỗ khoan không hợp pháp được xây dựng để khai thác nước từ các tầng chứa nước nông. Để xử lý các vấn đề trên, cần thiết phải can thiệp vào các dịch vụ về nước, sự phát triển đô thị và quy hoạch môi trường.

Mở rộng mạng lưới cấp nước có thể ngăn chặn tình trạng khai thác nước dưới đất trái phép và mất kiểm soát từ các tầng chứa nước nông. Tuy nhiên, cần phải mất nhiều năm mới xây dựng được một mạng lưới phân phối nước uống đến cho tất cả dân cư. Ngay cả khi mạng lưới này đến được với những khu phố nghèo thì chi phí kết nối và vận hành có thể sẽ trở nên quá cao đối với những người nghèo nhất và do đó có thể họ lại chọn tiếp tục sử dụng nước dưới đất khai thác từ giếng trái phép. Cần thiết phải tiến hành cải tổ về thể chế để kiểm soát và quản lý tất cả các nguồn nước khác nhau. Tất cả các nguồn nước cấp từ trung ương (nước mặt và tầng chứa nước sâu) và địa phương (tầng chứa nước nông) cần phải được quản lý tổng hợp và có tính liên kết (Sappa và Luciani 2014). Tại thời điểm này, nước cấp từ hệ thống đường ống và từ tầng chứa nước nông đang được quản lý bởi các cơ quan khác nhau. “Để có sự quản lý bền vững nhằm ngăn chặn hiện tượng xâm nhập mặn gia tăng, cần phải có một cơ quan trung ương điều tiết thống nhất. Việc quản lý nên dựa trên cơ sở dữ liệu, điều này đòi hỏi phải có một mạng lưới quan trắc có hệ thống đối với các tầng chứa nước nông cũng như quan trắc những biến động trong hoạt động cấp và sử dụng nước” – các chuyên gia về tài nguyên nước khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng dân số - Thách thức quản lý tài nguyên nước tại đới ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO