Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống thiên tai

Hoàng Ngân| 25/06/2020 13:05

(TN&MT) - Sáng 25/6, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì cuộc họp và nghe báo cáo việc triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì cuộc họp

Báo cáo về việc triển khai Chỉ thị 42, GS.TS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết: Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã rà soát các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Chỉ thị số 42-CT/TW và nhận thấy các nhiệm vụ tại Chỉ thị cơ bản trùng với các nhiệm vụ đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai tại Quyết định số 2693/QĐ-BTNMT ngày 30/8/2018.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã lựa chọn các nhiệm vụ đang triển khai thực hiện hoặc có kế hoạch triển khai thực hiện đến năm 2025 có nội dung bám sát với nội dung của Chỉ thị số 42-CT/TW để đưa vào Kế hoạch thực hiện của Bộ đồng thời bổ sung một số nhiệm vụ hàng năm theo chức năng, nhiệm vụ.

GS.TS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV báo cáo tại cuộc họp

Theo ông Trần Hồng Thái, đến nay, Tổng cục đã rà soát, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Tài nguyên nước đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, xây dựng hoàn thiện bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn và Thông tư hướng dẫn kỹ thuật trong quan trắc, dự báo, truyền tin khí tượng thủy văn; Đánh giá và hoàn thiện chính sách công về khí tượng thủy văn.

“Trong năm 2020, Tổng cục KTTV đã ban hành các quy trình kỹ thuật và phân công trách nhiệm trong việc dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão; Quy định phân công trách nhiệm thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa; quy định phân cấp trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm và trong điều kiện bình thường đối với các đơn vị trong hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia”, ông Thái thông tin.

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng tiến hành hướng dẫn triển khai, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng trạm khí tượng thủy văn đối với các hạng mục công trình phải thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn theo Luật Khí tượng thủy văn. Nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc khai thác cát, sỏi, tài nguyên khoáng sản.

Quang cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị đã thảo luận và cho ý kiến về việc triển khai Chỉ thị 42. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất của Viện Khoa học KTTV&BĐKH về việc mở mới 4 nhiệm vụ: Điều tra, đánh giá tài nguyên khí hậu và cập nhật sơ đồ phân vùng khí hậu Việt Nam; Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi cường độ xoáy thuận nhiệt đới ở Biển Đông và xây dựng công nghệ dự báo; Giám sát và dự báo mưa lớn cho khu vực miền núi phía Bắc và cảnh báo sớm nguy cơ sạt lở đất; Nghiên cứu xây dựng công nghệ dự báo khí hậu quy mô nội mùa (15 đến 45 ngày) cho Việt Nam.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, trong những năm qua, Chính phủ cũng đã có văn ban chỉ đạo về vấn đề ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Đến nay có thêm chỉ thị của Ban bí thư, đây là sự quan tâm đặc biệt từ Đảng, chính phủ tới vấn đề phòng chống thiên tai.

Từ thực tiễn, để phòng tránh thiên tai một cách hiệu quả, công tác dự báo, cảnh báo là rất quan trọng và sự chủ động từ các cấp chính quyền, các bộ, ngành là điều cần thiết. Do vậy, Thứ trưởng đề nghị nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp; giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị; đồng thời, tập trung hơn nữa trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai cũng như sự phối hợp chặt chẽ trong công tác đoàn thể.

Về một số nhiệm vụ ở các lĩnh vực khác ở trong Bộ, đề nghị các Cục, Viện cập nhật, bổ sung. Hiện nay, công nghệ viễn thám rất hữu ích trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thượng nguồn các con sông, theo dõi các lớp phủ, quan trắc các diện ngập nước, phát hiện ra những khu vực có thể di dân.

Thứ trưởng cũng đề nghị Cục BĐKH và Viện Khoa học KTTV&BĐKH  nghiên cứu, xây dựng kịch bản BĐKH, kịch bản nước biển dâng sát thực tế, đánh giá tác động rủi ro, cảnh báo tác động.

“Từ Chỉ thị 42 của Ban bí thư, cần nghiên cứu đo đạc, khảo sát được các yếu tố KTTV trước khi bão đổ bộ”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO