Tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai của các đô thị

Thanh Tùng| 13/10/2022 22:51

(TN&MT) - Chiều 13/10, Cơ quan hợp tác phát triển Na Uy, Tổng cục Phòng, chống thiên tai phối hợp cùng Trung tâm Phòng chống thiên tai Châu Á (ADPC) tổ chức Diễn đàn “Xây dựng khả năng chống chịu của đô thị thông qua Cảnh báo sớm và Hành động sớm”.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai và Tiến sỹ Senaka Basnayake, Giám đốc ban Chống chịu khí hậu, Trung tâm Phòng chống thiên tai Châu Á (ADPC) chủ trì diễn đàn.

Diễn đàn được tổ chức trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Hưởng ứng Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2022, tập trung vào chủ đề “Cảnh báo sớm và hành động sớm” nhằm nâng cao nhận thức và huy động hành động cấp thiết để thực hiện mục tiêu G của Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai: “Tăng cường tính sẵn có và khả năng tiếp cận các hệ thống cảnh báo sớm đa nguy cơ, thông tin và đánh giá rủi ro thiên tai cho người dân vào năm 2030”.

dsc02959.jpg
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai phát biểu khai mạc diễn đàn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Thiên tai thường xuyên diễn ra trên khắp các vùng miền cả nước với xu thế ngày càng gia tăng và khốc liệt với 21/22 loại hình thiên tai đã xảy ra, đặc biệt là bão, lũ, lũ quét sạt lở đất, ngập lụt ngày càng khốc liệt, nhiều số liệu về lượng mưa và thiệt hại đã vượt các mốc lịch sử đã được ghi nhận.

Đô thị tại Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn có rất nhiều hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, cũng là nơi tập trung nhiều cơ sở hạ tầng, nhiều khu dân cư tập trung sẽ là nơi chịu nhiều rủi ro thiên tai nếu không có biện pháp chủ động phòng ngừa và ứng phó kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, Chiến lược quốc gia về Phòng, chống thiên tai đến 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021, trong đó quy định một số nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn thiên tai khu vực đô thị như: nhiệm vụ, giải pháp chung đối với khu vực đô thị có yêu cầu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật, các quy định về bảo đảm yêu cầu phòng chống thiên tai, nhất là tiêu chuẩn tiêu thoát nước ở các đô thị, phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đối với cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, cũng như nhà ở của người dân.

Đối với giải pháp nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai, Chiến lược 379 cũng quy định việc đầu tư, củng cố, bổ sung, nâng cấp hệ thống trữ nước, tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng do mưa lớn, lũ, triều, nhất là đối với các đô thị lớn, trong đó yêu cầu tập trung phòng chống ngập úng do mưa lớn và triều cường.

Để quản lý đô thị an toàn trước thiên tai, chiến lược đã đề ra rất nhiều biện pháp cụ thể như: kiểm soát quy hoạch và xây dựng để hạn chế bị tác động của thiên tai làm gia tăng rủi ro; xác định tiêu chuẩn tiêu thoát nước phòng chống ngập úng phù hợp với tác động của biến đổi khí hậu, chủ động phân vùng tiêu, chú trọng dành không gian cho thoát lũ; bố trí các hồ điều hòa để trữ nước tạm thời chống ngập úng khi mưa lớn và nâng cao năng lực hệ thống tiêu thoát nước…

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt trong những năm gần đây. Trong ứng phó với cơn bão số 4 cuối tháng 9/2022 (tên quốc tế là NORU), Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường 24h/24h, các địa phương chủ động tuyên truyền, sơ tán dân khỏi những khu vực nguy cơ cao và thực hiện các giải pháp hành động quyết liệt phòng ngừa, thậm chí đã thử nghiệm cứu trợ sớm dựa trên dự báo cho nhân dân ở một số địa điểm dự kiến chịu ảnh hưởng của bão (tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế). Do vậy, cho dù bão số 4 được dự báo là bão lớn, nhưng thiệt hại đã được giảm thiểu ở mức tối đa (đặc biệt là không có người chết khi bão đổ bộ vào đất liền).

“Từ kinh nghiệm trên cho thấy, hoạt động cảnh báo sớm để có những hành động sớm đã góp phần chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời và hiệu quả khi thiên tai xảy ra, bất cứ ở vùng địa lý nào và đối với loại hình thiên tai nào”, ông Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh và cho rằng, các hành động sớm cũng cần được kích hoạt dựa trên nhiều cơ sở và phụ thuộc nhiều vào công tác dự báo. Việc ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo sớm là những thông tin rất hữu ích cho công tác chỉ đạo, điều hành sớm, sẵn sàng để ứng phó với thiên tai.

“Tuy nhiên, độ chính xác của các bản tin dự báo sớm này là một thách thức không nhỏ, nhất là đối với những thiên tai có diễn biến khó lường như mưa cực đoan tại khu vực đô thị. Do vậy, việc xác định ngưỡng, thời điểm kích hoạt hành động sớm để đảm bảo việc hỗ trợ đạt hiệu quả cao cũng là nội dung cần được nghiên cứu kỹ”, ông Nguyễn Văn Tiến cho biết.

33(1).jpg
Nhiều khu vực tại Hà Nội thường xuyên bị ngập khi có mưa lớn. Ảnh: Thanh Tùng

Tại diễn đàn, đại diện Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam đã chia sẻ các sáng kiến của Chính phủ Hoàng gia Na Uy trong việc xây dựng khả năng chống chịu cho đô thị ở khu vực Đông Nam Á. Các đại biểu cũng đã cùng nhau thảo luận về tầm quan trọng của thông tin về rủi ro của thiên tai và hiệu quả của hệ thống cảnh báo sớm trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai ở khu vực đô thị.

Diễn đàn cũng đã cung cấp, chia sẻ những hiểu biết hữu ích của hệ thống cảnh báo sớm đa nguy cơ trong bối cảnh đô thị và việc sử dụng các giải pháp truyền thông về rủi ro thiên tai để tăng cường khả năng chống chịu của đô thị. Cùng với đó là những kiến thức quốc tế liên quan đến tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng đối với khả năng chống chịu của đô thị; hoạt động quản lý rủi ro thiên tai khẩn cấp trong lĩnh vực y tế (HEDRM); nước sạch và vệ sinh môi trường tại khu vực đô thị…

TS Senaka Basnayake, Giám đốc Ban ứng phó khí hậu - Dự án Tăng Cường Khả Năng Chống Chịu Khí Hậu Cực Đoan cho Khu Vực Đô Thị Ở Đông Nam Á (URCE), cho biết Diễn đàn nằm trong Chương trình tổng thể của Dự án Tăng cường khả năng chống chịu khí hậu cực đoan cho khu vực đô thị ở Đông Nam Á (Dự án URCE). Đây là dự án cấp khu vực được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (NORAD) thông qua Trung tâm Phòng chống thiên tai Châu Á (ADPC).

Thông qua Diễn đàn, ADPC kỳ vọng cùng với Chính phủ Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu cho khu vực đô thị trước các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan thông qua việc hiểu rõ các rủi ro trong hiện tại và có khả năng xảy ra. Cùng với đó là xây dựng năng lực phòng ngừa, ứng phó và phục hồi, cũng như đóng góp vào các cơ chế quản trị rủi ro thiên tai, hướng tới phát triển bền vững đô thị Việt Nam trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai của các đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO