Tăng cường hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đất ở cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số

Phạm Oanh | 12/06/2021, 16:14

(TN&MT) - Theo báo cáo tổng kết chiến lược công tác dân tộc (CLCTDT) năm 2020 của Uỷ ban Dân tộc, những năm qua, công tác xoá đói, giảm nghèo, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc miền núi đã đạt được nhiều kết quả.

Tăng thu nhập cho hàng vạn đồng bào dân tộc

Thực hiện CLCTDT, các địa phương đã ban hành nhiều chính sách đặc thù phù hợp với tình hình thực tế, nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi.

Trong đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ suất trong công nghiệp, dịch vụ; ngành nông nghiệp đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, hiện dại, hiệu quả; Cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước thay đổi với năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng cao.

Đời sống của đồng bào dân tộc không ngừng được cải thiện nhờ chính sách hỗ trợ sản xuất của địa phương

Nhiều địa phương đã phát huy tiềm năng, thế mạnh, tập trung phát triển sản xuất hàng hóa, thich ứng với cơ chế thị trường, các loại hình du lịch như: Du lịch cộng đồng, du lịch danh thắng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa tâm linh khởi sắc và phát triển…. Điều này đã tạo công ăn, việc làm, thu nhập cho hàng vạn đồng bào ở những vùng khó khăn.

Thống kê cho thấy, đến cuối năm 2020, cả nước có 5.506 xã (62%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có nhiều xã thuộc các tỉnh miền núi như: Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Kon Tum. Riêng vùng dân tộc và miền núi có 1.052/5.266 xã (chiếm 22,29% số xã trong vùng) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 106/239 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước có 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương “Đạt chuẩn/hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 27 đơn vị cấp huyện vùng dân tộc thiểu số và miền núi…

Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, các địa phương đã tăng cường triển khai chính sách giao đất, giao rừng góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS; tăng cường kết hợp phát triển kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.

Sau 13 năm thực hiện (2003-2016) đã hỗ trợ đất ở cho 93.664 hộ, đất sản xuất cho 107.827 hộ và cấp nước sinh hoạt cho hàng vạn hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách này tiếp tục được thực hiện vào giai đoạn 2017-2020.

Trong khi đó, tổng diện tích rừng đã giao là 805.559 ha cho 12.095 cộng đồng DTTS (trung bình 66,6 ha/cộng đồng) và 936.135 ha cho 439.374 hộ gia đình DTTS (trung bình 2,13 ha/hộ). Và, lợi nhuận của các hộ chủ rừng tham gia mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi sản phẩm, giai đoạn 2013-2017 tăng thêm từ 25-30%.

Ngoài ra, năm 2016 - 2018 đã hỗ trợ 93.224 tấn gạo cho người dân tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng, giúp người dân gắn bó với rừng, đồng thời phát huy tinh thần cộng đồng trong bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Từ đó làm tăng tủ lệ che phủ rừng năm 2018 đạt 41,65%, giảm đáng kể tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, tình hình dân di cư tự do đã có xu hướng giảm mạnh, đặc biệt là số lượng người di cư tự phát từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào các tỉnh Tây Nguyên đã giảm rõ rệt. Sở dĩ có kết quả này là do chính sách hỗ trợ đất sản xuất tại 480 khu vực cho 27.783 hộ với diện tích 16.891 ha. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ ngân sách cho người dân định canh, định cư, ổn định đời sống và lao động sản xuất….

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Sở TN&MT Gia Lai: Làm tốt công tác kết nghĩa với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số
(TN&MT) - Theo thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Gia Lai, trong năm 2024, Sở TN&MT đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kết nghĩa với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số theo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO