Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm

Khương Trung | 08/11/2022 14:16

(TN&MT) - Sáng 8/10, báo cáo tại phiên thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết Tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực, trong đó số vụ khởi tố mới tăng 29,34%.

Công tác phòng chống tội phạm được tăng cường và đạt hiệu quả cao hơn

071120221035-z3860757216627_9693525affde6c30ce4c386614e7eeae(1).jpg
Toàn cảnh phiên họp sáng 8/11

Báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; trong đó tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội là trọng tâm, then chốt. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 96 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và các nghị quyết khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là việc thực hiện các chỉ tiêu Quốc hội giao.

Theo đó, công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện; chủ động đa dạng hóa cách thức và tăng thời lượng công tác tuyên truyền cho Nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm. Tăng cường công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội; tập trung làm tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn cơ sở, tập trung nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao.

Tội phạm về trật tự xã hội tuy giảm 6,69%, song còn diễn biến phức tạp, nhất là giết người do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người, xâm phạm sở hữu, chống người thi hành công vụ... Về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm. Đã điều tra, khám phá đạt tỷ lệ 86,94%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,12%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,27%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện giảm 36,68%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ phát hiện tăng 40,97%. Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, nhất là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các mặt công tác. Tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm 4,56% về số vụ, giảm 9,44% về số người bị thương, nhưng tăng 7,57% về số người chết.

Để có được kết quả đó, Chính phủ đã quán triệt, triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước. Công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục được tăng cường và đạt hiệu quả cao hơn; công tác phòng ngừa tội phạm từng bước được triển khai theo chiều sâu, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, gắn với quản lý, cảm hóa, giáo dục các đối tượng có nguy cơ phạm tội. Tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều cơ bản được khẩn trương điều tra làm rõ; công tác phát hiện, điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng có bước tiến mới; công tác phòng, chống tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao đạt nhiều kết quả tích cực... Công tác điều tra, xử lý tội phạm được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, chất lượng ngày càng được nâng cao, các vi phạm đều giảm.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tô Lâm cũng chỉ ra một số tồn tại, như hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm còn hạn chế. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam vẫn còn xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông tăng, cháy nổ còn nhiều. Vi phạm hành chính còn diễn ra phổ biến trên nhiều lĩnh vực.

1.718 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm

081120220837-z3863153439163_5678b21ca3b74b52bef08559a0a49fe0.jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Theo báo cáo gửi tới Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, về công tác phòng, chống tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý tài nguyên, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, phòng ngừa và xử lý các vi phạm. Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, nhất là các hành vi xả nước thải, khí thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường; thu gom, vận chuyển, xử lý, chuyển giao chất thải rắn không đúng quy định; khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép; vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm; vi phạm pháp luật trong bảo vệ và phát triển rừng; hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đã phát hiện, khám phá 1.775 vụ (giảm 39,54%), 1.718 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; khởi tố 648 vụ, 730 bị can.

Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy, tình hình tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực. Nổi lên là các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; xả nước thải, khí thải, vi phạm về quản lý chất thải nguy hại gây tâm lý lo lắng và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề chưa được giải quyết triệt để. Khai thác, vận chuyển trái phép tài nguyên, khoáng sản, nhất là cát, sỏi, đất, chặt phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng vẫn diễn ra tại nhiều địa phương, vi phạm quy định về mua bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép còn diễn biến phức tạp.

07 Giải pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, năm 2023, theo Bộ trưởng Tô Lâm, Chính phủ tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau: Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, trong đó:

Tăng cường xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Chủ động nắm, phân tích, dự báo sát tình hình từ sớm, từ xa; kịp thời tham mưu với Đảng, Quốc hội các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, chủ động dự báo sớm và giải quyết các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và những vấn đề phức tạp về trật tự xã hội ngay từ cơ sở.

Tăng cường đấu tranh các loại tội phạm, vi phạm pháp luật; triển khai toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra theo tố tụng.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đẩy mạnh thực hiện và ứng dụng Đề án của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Tiếp tục nâng cao năng lực các đơn vị chuyên trách đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế đi vào chiều sâu; đồng thời, chủ động tìm kiếm và tranh thủ nguồn lực của các tổ chức quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO