Xã hội

Tân Lạc (Hòa Bình): Cây bưởi đỏ mang ấm no cho hộ nghèo

Bảo Hà 28/02/2024 - 09:02

Nhờ trồng bưởi đỏ, chăn nuôi mà nông dân ở khu Tân Phong, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, Hòa Bình có thêm nguồn thu nhập ổn định, lãi vài trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Lê Văn Nam, thị trấn Mãn Đức là điển hình.

Trước đây, Ông Lê Văn Nam, thị trấn Mãn Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, từ khi lập gia đình đến nay gia đình không rời bỏ nghề nông, kinh tế khó khăn phải nuôi 2 con còn nhỏ đang tuổi ăn học nên cái nghèo vẫn cứ mãi đeo bám. Hoàn cảnh gia đình như vậy, ông đã bàn với vợ con, tìm hướng đi mới phát triển kinh tế, làm thế nào để thoát khỏi cảnh khó khăn, vươn lên làm giàu bằng sức lao động và trí óc của mình. Với ý tưởng muốn thoát khó khăn thì không có cách nào khác là phải đổi mới cách làm ăn.

hb.png
Ông Lê Văn Nam với mô hình kinh tế hay vươn lên làm giàu.

Thế rồi bằng ý chí và nghị lực quyết tâm của mình, ông Nam đã mạnh dạn vay vốn để mua đất, để trồng trọt, chuyển đổi cây trồng. Bằng sự cần cù chịu khó và ham học hỏi, ông Nam đã tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, từ đó áp dụng vào ngay trên chính đất đai của gia đình. Với diện tích canh tác hơn 1,5 ha, ông Nam đã chăn nuôi 500 con gà thương phẩm, hơn 10 con trâu, bò và trồng được 400 cây bưởi đỏ. Vừa làm vừa trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc, sau 1 năm thực hiện mô hình đem lại lợi nhuận bước đầu.

Ông Nam cho biết thêm, vào năm 2021 ông bỏ số vốn 150 triệu đồng và thu lời 300 triệu đồng; năm 2022 thu lời 350 triệu đồng; năm 2023 ông Nam bỏ số vốn 220 triệu đồng trừ chi phí ông thu về 480 triệu đồng từ mô hình.

Bên cạnh đó, từ mô hình này đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, góp phần an sinh xã hội cho cộng đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động trong gia đình với mức thu nhập từ 9.000.000 đồng đến 11.000.000 đồng/tháng/1 người và tạo việc làm thời vụ cho 5 lao động mức chi trả tiền công 300.000 đồng/người/ngày.

Phấn khởi trước mô hình hiệu quả, ông Lê Văn Nam chia sẻ: Thời gian đầu, nguồn vốn còn hạn hẹp, buôn bán chưa ổn định, khách hàng còn ít nên thu nhập chưa cao, gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự đồng thuận, quyết tâm của các thành viên trong gia đình ông đã tích cực tìm hiểu, học hỏi thêm nhiều kiến thức về trồng trọt, tích cực tham gia các lớp tập huấn về trồng và chăm sóc cây ăn quả do các tổ chức Hội, Đoàn thể ở địa phương tổ chức nên việc chăn nuôi, trồng trọt, gặp nhiều thuận lợi. Ông đã mạnh dạn đầu tư thêm con giống, đáp ứng kịp thời nhu cầu người tiêu dùng cho nhân dân nên việc chăn nuôi ngày càng cao, nâng cao mức thu nhập cho gia đình.

3512d0eff41e5940000f.png
Chăn nuôi, trồng trọt, gặp nhiều thuận lợi đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Không chỉ là một trong những tấm gương điển hình của Hội viên nông dân làm kinh tế giỏi trên địa bàn, ông Nam còn là một hội viên gương mẫu tham gia tích cực các phong trào, hoạt động của Hội và địa phương. Những hội viên nông dân nào có ý định phát triển kinh tế bằng trồng cây ăn quả đều được ông Nam nhiệt tình hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm và sẵn sàng tới tận nơi để giúp đỡ các kỹ thuật ban đầu. Ông Nam cho biết: “Bản thân tôi luôn ý thức được việc phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình là rất cần thiết, khi kinh tế gia đình ổn định thì mới có điều kiện giúp đỡ những hội viên khác có hoàn cảnh khó khăn hơn”.

Theo ông Bùi Văn Hiển Chủ tịch thị trấn Mãn Đức, chính quyền thị trấn đang nỗ lực tìm hướng đi mới để phát triển cây bưởi đỏ của địa phương thành giống cây ăn quả đặc sản. Bên cạnh việc hàng năm địa phương đều phối hợp với các trung tâm, viện nghiên cứu tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ bệnh hại trên cây bưởi cho bà con nông dân, thị trấn cũng đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Trung tâm Phát triển nông nghiệp để xây dựng nhãn hiệu bưởi đỏ. Qua đó, giúp nhiều gia đình, hội viên nông dân xây dựng được những mô hình phù hợp, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, gia đình ông Nam là một trong những tấm gương điển hình từ trồng bưởi đỏ và chăn nuôi.

Biết phát huy tiềm năng lợi thế của quê hương, cùng với sự quyết tâm, ham học hỏi, chịu khó tự tìm hướng đi thích hợp trên chính mảnh đất của mình, nông dân Lê Văn Nam đã vượt qua khó khăn và bước đầu thành công trong phát triển mô hình trồng cây ăn quả. Những thành quả đạt được hôm nay của ông thật đáng trân trọng, xứng đáng là tấm gương sáng để Hội viên nông dân trên địa bàn thị trấn Mãn Đức nói riêng và huyện Tân Lạc nói chung học tập, noi theo trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tân Lạc (Hòa Bình): Cây bưởi đỏ mang ấm no cho hộ nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO