Tận dụng tối ưu nguồn lực từ các nhà máy thủy điện

23/11/2016 00:00

(TN&MT) – Ông Nguyễn Văn Ngọc – Khối trưởng khối Thủy điện, Mạng lưới Hỗ trợ Phát triển Năng lượng Xanh Việt Nam (VGEN) đã đưa ra sáng kiến “Tận dụng tối ưu nguồn lực tại các nhà máy thủy điện sẵn có” để góp phần phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn đến 2050 chú trọng phát triển thủy điện, năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, khí sinh học, nhiên liệu sinh học. Mục tiêu là tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 7% năm 2020, trên 10% vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đề ra, Việt Nam đang đẩy mạnh khai thác các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, tối ưu vận hành các nhà máy thủy điện trên cùng bậc thang thủy điện nhằm đạt tối đa khả năng khai thác.

Tuy vậy, hiện nay, phần lớn các nguồn năng lượng thủy điện cơ bản đã được khai thác hết. Vấn đề làm sao để tận dụng tối ưu nguồn lực sẵn có tại các nhà máy thủy điện vẫn là trăn trở của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Mặt khác, công tác vận hành hệ thống điện phải đối mặt với những khó khăn và thách thức liên quan tới công tác quản lý, phối hợp hài hòa và vận hành tối ưu các nhà máy thủy điện nhằm đáp ứng các mục tiêu phát điện, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống lũ hạ du cũng như đáp ứng các tiêu chí liên quan tới môi trường.

Nhà máy thủy điện Mường Hum
Nhà máy thủy điện Mường Hum

Trước thực tế đó, ông Nguyễn Văn Ngọc – Khối trưởng Khối Thủy điện thuộc Mạng lưới Hỗ trợ phát triển Năng lượng Xanh Việt Nam đã đưa ra sáng kiến “mô hình tích hợp thêm các module kinh tế khác tại các nhà máy thủy điện” để có thể tận dụng tối đa hạ tầng sẵn có.

Trên mặt hồ thủy điện, có thể lắp đặt một số phao nổi để đặt các tấm pin năng lượng mặt trời. Tại khu vực trồng rừng mới hoặc tu bổ rừng, lựa chọn những loại cây sinh khối đem lại hiệu quả cao. Đồng thời, thực hiện trồng bù rừng đã mất cũng như chi trả phí dịch vụ môi trường rừng nhằm bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng suối; điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Trong quá trình trồng rừng, sẽ tổ chức lớp học kỹ thuật cho người dân và xây dựng hệ thống thu gom nhiên liệu sinh khối.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, mô hình tích hợp này sẽ giúp các công ty thủy điện nói riêng và công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nói chung nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, cơ sở hạ tầng, thực thiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nhờ đó, sản lượng điện tử năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối sẽ được ghi nhận và tiêu thụ với giá cao hơn so với thủy điện truyền thống. Không những thế, khi kiến tạo được thành khu vực có thiên nhiên hài hòa, cảnh quan tươi đẹp có thể xây dựng khu du lịch sinh thái.

Để hiện thực hóa mô hình tích hợp có thể tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có tại các nhà máy thủy điện; đồng thời, thực thi đồng bộ các dự án năng lượng tái tạo, cần có sự kết hợp hài hòa giữa kinh nghiệm quản trị kinh doanh, nguồn tài chính được thu hút từ các nhà đầu tư thủy điện vừa và nhỏ, khoa học – công nghệ kỹ thuật tiên tiến.

Mặt khác, muốn phát triển nguồn năng lượng tái tạo bền vững cần thiết liên kết với các công ty trên cùng lưu vực, tận dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và diện tích mặt nước các lòng hồ thủy điện hiện có; ưu tiên nội địa hóa các vật tư thiết bị rẻ tiền…

Mạng lưới Hỗ trợ Phát triển Năng lượng Xanh Việt Nam (VGEN) là một mạng lưới mở thu hút sự tham gia Đại diện các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ của cơ quan Nhà nước và người dân ở các cộng đồng tại Việt Nam…quan tâm bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng tái tạo hướng tới nên kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững theo định hướng của Chính phủ. VGEN được điều phối bởi Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Năng lượng Việt Nam (VESC).

Tuyết Chinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng tối ưu nguồn lực từ các nhà máy thủy điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO