Tận dụng phế phẩm công nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Khải Minh| 18/03/2021 20:19

(TN&MT) - Trải qua hơn 20 tháng thực hiện (từ tháng 4/2019 đến nay) dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu bằng công nghệ ép tĩnh phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” đã xây dựng thành công dây chuyền sản xuất gạch không nung từ nguyên liệu sẵn có của địa phương như:  cát, đá mạt, tro bay, phụ phẩm cuối cùng của nhiều cơ sở công nghiệp...  góp phần xóa bỏ các lò gạch thủ công truyền thống gây ô nhiễm môi trường.

Hội đồng nghiệm thu dự án "Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu bằng công nghệ ép tĩnh phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình" vừa tổ chức nghiệm thu, đánh giá.

Thông tin về dự án, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ nhiệm dự án cho biết, công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng nung từ đất truyền thống hủy hoại môi trường tiêu hao tài nguyên đất, vừa thải khí thải có hại làm thay đổi môi trường. Đánh giá được sự cần thiết phải thay đổi thói quen và tập quán sử dụng từ vật liệu xây dựng nung sang vật liệu xây dựng không nung, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành nhiều văn bản pháp lý liên quan và huy động nguồn lực quốc gia cho việc triển khai, nghiên cứu sản xuất và ứng dụng vật liệu không nung vào đời sống.

Hội đồng nghiệm thu dự án tham quan dây chuyền sản xuất gạch không nung

Định hướng phát triển vật liệu xây dựng của Nhà nước, của tỉnh đặc biệt là đối với việc phát triển vật liệu xây dựng và gạch không nung nhằm bảo vệ môi trường, tận thu nguồn nguyên liệu từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất công nghiệp ở địa phương, tạo và phát triển ngành nghề bền vững, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Theo ông Hòa, trong bối cảnh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã và đang xóa các cơ sở sản xuất gạch nung truyền thống gây ô nhiễm môi trường, việc triển khai dự án này hết sức cần thiết.

Qua tìm hiểu các công nghệ sản xuất gạch không nung, công nghệ sản xuất gach không nung bằng công nghệ ép tĩnh là công nghệ hoàn toàn phù hợp với điều kiện nguồn nguyên liệu sẵn có, đặc biệt là nguồn đá vôi, sản phẩm phụ của quá trình sản xuất đá xây dựng các loại. Cát không sử dụng ở các sông là rất dồi dào ở tỉnh Ninh Bình.

“Việc chuyển giao áp dụng công nghệ mới này chắc chắn sẽ góp phần tích cực thực hiện chủ trương, quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng không nung của Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Ninh Bình đề ra đến năm 2020; trước mắt góp phần giải quyết để Chương trình xóa và từng bước chuyển đổi lò gạch thủ công hiện nay, tiết kiệm nguyên liệu đất, không sử dụng đất canh tác, giải quyết vấn đề môi trường trong sản xuất công nghiệp hiện nay”, ông Hòa cho hay.

Cũng theo Chủ nhiệm dự án, trải qua hơn 20 tháng thực hiện (từ tháng 4/2019 đến nay) dự án đã đạt được hơn 90% kết quả đề ra. Cụ thể như: Tiếp nhận, làm chủ và triển khai dây chuyền công nghệ sản xuất gạch không nung từ cát, đá mạt, xi măng và nguồn nguyên liệu tại chỗ (bụi, tro bay, phụ phẩm cuối cùng của nhiều cơ sở công nghiệp) sẵn có tại Ninh Bình, với công suất 22 triệu viên/năm, sản phẩm tạo ra là gạch rỗng 2 lỗ và gạch đặc kích thước 220 X105 X 65mm, đạt mác gạch M5,0; M7,5; M10 và đạt Quy chuẩn quốc gia (TCVN 6477:2016).

Hội đồng nghiệm thu đánh giá, dự án đã bám sát mục tiêu xây dựng thành công dây chuyền sản xuất gạch không nung từ nguyên liệu sẵn có của địa phương. Đồng thời, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động ở huyện Yên Khánh, góp phần xóa bỏ các lò gạch thủ công truyền thống gây ô nhiễm môi trường.

Dự án đã góp phần nâng tổng sản lượng gạch không nung chiếm 40% tổng sản lượng vật liệu xây dựng ở Việt Nam trong mục tiêu phấn đấu đến 2020 của Chính phủ. Đồng thời, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.

Xưởng sản xuất gạch không nung phục vụ dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu bằng công nghệ ép tĩnh phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”

Ông Phạm Đình Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng, Sở Xây dựng Ninh Bình cho biết, gạch không nung sử dụng chất thải rắn, tận dụng phế thải công nghiệp của các mỏ đá, xi măng,… làm nguyên liệu sản xuất nên không gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản. Công nghệ sản xuất không nung, không dùng chất đốt nên không sử dụng nhiên liệu, năng lượng đốt như than, điện, không gây ô nhiễm môi trường. Nên gạch không nung là vật liệu xây dựng rất thân thiện với môi trường.

Phát triển sản xuất gạch không nung để thay thế dần gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.

Được biết, từ năm 2012 đến nay Ninh Bình không quy hoạch phát triển thêm các nhà máy gạch tuynel và cũng không cấp mới các mỏ nguyên liệu sét làm gạch, xóa bỏ hết các lò gạch thủ công. Đối với gạch không nung có có nhiều đơn vị sản xuất được chứng nhận hợp quy, đạt tiêu chuẩn như: Công ty TNHH Việt Thành, Công ty TNHH Xây dựng vận tải Đại Dương (huyện Yên Khánh)…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng phế phẩm công nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO