Tại sao Cty CP Đại Hưng vi phạm khai thác khoáng sản nhưng không bị xử phạt?

05/08/2016 00:00

(TN&MT) - Mặc dù đã vi phạm tại điểm b, khoản 3 điều 29, Nghị định 142/2013 của Chính phủ nhưng Công ty Cổ phầnĐại Hưng, vẫn được UBND tỉnh Quảng Nam ưu ái cho phép tiếp tục tận thu để “phục vụ nguyên liệu sản xuất” với lý do “đã nhận thức rõ hành vi vi phạm, tự giác khắc phục hậu quả”. Điều này đã tạo tiền lệ xấu trong các hoạt động quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Đại Lộc nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung.

Nhà máy sản xuất gạch Đại Hưng
Nhà máy sản xuất gạch Đại Hưng

Chúng tôi đến khu vực Hố Lấm, thuộc thôn Hòa Hữu Tây, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vào một ngày đầu tháng 8. Nằm dưới ta luy âm của Quốc lộ 14B, dự án trang trại cá nước ngọt của ông Nguyễn Phương, trú tại thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Đồng vẫn còn ngổn ngang, lởm chởm với những hố đào sâu hoắm do Công ty CP Đại Hưng (hiện đang hoạt động tại Cụm công nghiệp Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đào múc để lấy đất làm gạch tuy nen, ngói các loại. Ông Nguyễn Phương đang lụi cụi dưới ao để be bờ đắp đất, khắc phục hậu quả do Công ty CP Đại Hưng để lại.

Ông Phương cho biết: Công ty CP Đại Hưng đã được các cấp chính quyền cấp phép tận thu khoáng sản đất sét để vừa thực hiện cải tạo đồng ruộng (dự án trang trại cá nước ngọt), vừa có nguồn đất để phục vụ cho nhà máy gạch của Công ty CP Đại Hưng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công ty đã khai thác vượt độ cao cho phép gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Hiện nay đất đai đã được giao lại cho ông để triển khai dự án trang trại cá nước ngọt nhưng vẫn còn để lại nhiều hậu quả cần được khắc phục.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Công ty CP Đại Hưng là đơn vị chuyên sản xuất gạch tuy nen, ngói các loại. Mặc dù chưa được cấp phép khai thác mỏ để lấy nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất nhưng Công ty CP Đại Hưng vẫn thực hiện sản xuất gạch với công suất khoảng 80 triệu sản phẩm/năm với lượng đất sét tiêu thụ tiêu thụ khoảng 80 nghìn m3. Được biết, số đất sét tiêu thụ của Công ty CP Đại Hưng được lấy chủ yếu được từ chương trình cải tạo đồng ruộng phục vụ chương trình nông thôn mới và phát triển sản xuất. Ngoài ra, Công ty CP Đại Hưng còn mua lại đất sét trôi nổi bên ngoài để phục vụ hoạt động.

Khu vực khai thác đất vi phạm về độ cao của Công ty CP Đại Hưng
Khu vực khai thác đất vi phạm về độ cao của Công ty CP Đại Hưng

Năm 2016, khi công ty thực hiện khai thác tận thu ở khu vực Hố Lấm, thôn Hòa Hữu Tây, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Đại Lộc đã phát hiện Công ty CP Đại Hưng khai thác đất vượt độ cao cho phép, phải xử phạt vi phạm theo điểm b, khoản 3, Điều 29, Nghị định 142/2013 của Chính phủ với mức phạt từ 50- 70 triệu đồng. Đoàn đã tiến hành lập biên bản vi phạm để đề nghị UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, “bỗng dưng” ngày 21/6/2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản số 2825/UBND-NC về “xử lý việc khai thác đát sét của Công ty CP Đại Hưng” do Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang ký. Trong văn bản cũng nêu rõ: “Xét đề nghị của Công an tỉnh tại Công văn số 1040/CAT(PC46) ngày 17/5/2016 về việc chỉ đạo xử lý Công ty CP Đại Hưng đang tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản (đất sét) làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói có dấu hiệu vi phạm vượt độ cao cho phép... Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến như sau: Trong quá trình triển khai thực hiện việc tận thu đất sét, Công ty CP Đại Hưng thiếu kiểm tra nên đã vi phạm quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 29 Nghị định 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ. Xét thấy Công ty CP Đại Hưng đã nhận thức rõ hành vi vi phạm, tự giác khắc phục hậu quả (hoàn thổ), UBND tỉnh thống nhất với đề nghị của Công an tỉnh không xử phạt vi phạm hành vi vi phạm nêu trên, đồng thời cho phép Công ty thực hiện việc tận thu đất theo đúng hồ sơ được duyệt để phục vụ nguyên liệu sản xuất”.

Theo điều tra của phóng viên Báo Điện tử TN&MT, hiện trên địa bàn huyện Đại Lộc có hàng chục đơn vị sản xuất gạch, ngói nhưng hiện vẫn chưa đơn vị sản xuất nào được cấp phép khai thác mỏ đất sét. Nguồn đất sét để phục vụ sản xuất cho các nhà máy chủ yếu được lấy từ các hoạt động tận thu, cải tạo đồng ruộng, hồ đập; ngoài ra các doanh nghiệp còn phải tự túc nguyên liệu từ nhiều nguồn, kể cả hợp pháp và bất hợp pháp nên đã xảy ra tình trạng lộn xộn, khó kiểm soát, gây ra nhiều hệ lụy về môi trường cũng như thất thu cho nguồn ngân sách nhà nước…

Công ty CP Đại Hưng đã khai thác vượt độ cao cho phép gây ra nhiều hậu quả nặng nề, khiến ông Nguyễn Phương mất nhiều thời gian khắc phục khi triển khai dự án trang trại cá nước ngọt của mình
Công ty CP Đại Hưng đã khai thác vượt độ cao cho phép gây ra nhiều hậu quả nặng nề, khiến ông Nguyễn Phương mất nhiều thời gian khắc phục khi triển khai dự án trang trại cá nước ngọt của mình

Việc UBND tỉnh Quảng Nam ra văn bản 2825/UBND-NC không đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang là phải sớm khắc phục các kẽ hở để không cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng khai thác khoáng sản trái quy định dưới các hình thức cải tạo đồng ruộng, phát triển kinh tế trang trại kết hợp tận thu đất sét, đất san lấp làm nguyên liệu…

Rõ ràng, việc ưu ái với Công ty CP Đại Hưng đã tạo tiền lệ xấu, không chỉ gây khó khăn cho các hoạt động quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản mà còn tạo dư luận không tốt trên địa bàn huyện Đại Lộc nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung.

Đức Huy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tại sao Cty CP Đại Hưng vi phạm khai thác khoáng sản nhưng không bị xử phạt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO