Tài nguyên nước ở Bến Tre: Nhiều giải pháp sử dụng hiệu quả, bền vững

Bạch Thanh| 13/12/2022 12:56

(TN&MT) - Trước tình trạng diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh Bến Tre đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước (TNN), góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của TNN đối với đời sống, sản xuất; đồng thời, triển khai thực hiện nhiều giải pháp về quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững TNN nhằm góp phần bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chủ động thích ứng với hạn, mặn

Thực tế cho thấy, là tỉnh có đường bờ biển dài và hệ thống sông rạch chằng chịt, dù được quan tâm đầu tư nhưng hiện nay, hệ thống đê bao ven sông, ven biển, kênh, mương thủy lợi tại Bến Tre vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa khép kín nên vào mùa khô, nước mặn thường xâm nhập sâu vào nội đồng, ảnh hưởng lớn trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh.

11-2-.jpg

Tỉnh Bến Tre tập trung đầu tư các công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt

Để từng lúc thích ứng, năm nay, trước khi mùa mưa kết thúc, nguồn nước trên các con sông rạch khi chưa bắt đầu chuyển mặn, người dân Bến Tre đã sớm chủ động tích trữ nguồn nước ngọt để sinh hoạt và sản xuất trong những tháng mùa khô sắp tới. Người dân đã có những cách làm bài bản, khoa học hơn trong việc trữ nước mưa, nước ngọt, điều này đã góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống hạn mặn tại địa phương.

Anh Phạm Văn Thu (xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri) cho hay, trước tình hình khan hiếm nguồn nước ngọt vào mùa khô, năm qua, anh đã đầu tư xây hơn chục ống hồ bằng bê tông để chứa nước mưa dùng cho sinh hoạt gia đình. Ngoài ra, với đàn bò hơn 10 con, hiện nay, khi nước ngọt trên đồng ruộng còn nhiều, anh Thu cho ngăn các mương vườn để chủ động có được nguồn nước phục vụ chăn nuôi và tưới tiêu cây trồng nhằm đề phòng khi hạn mặn gay gắt xảy ra.

Đối với ông Phan Hoàng Tân (xã Tân Phú, huyện Châu Thành), mỗi năm đến mùa hạn mặn, ông Tân tốn chi phí hơn 100 triệu đồng để mua nước ngọt tưới cho 3,5ha vườn trồng sầu riêng của gia đình. Theo ông Tân, năm nay, hệ thống cống thủy lợi trên địa bàn đã hoàn chỉnh, kịp đưa vào vận hành ngăn mặn, trữ ngọt. Do đó, ông Tân cũng như người dân tại địa phương an tâm lấy nước ngọt trữ lại trong mương vườn để tưới cho cây trồng, nên giúp tiết kiệm chi phí, vườn cây có thể chăm sóc tốt hơn trong mùa hạn mặn.

Chia sẻ với phóng viên, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của tình trạng xâm nhập mặn nên vấn đề cung cấp nước sạch, nước ngọt cho người dân phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất luôn được tỉnh quan tâm. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp phòng chống hạn mặn; đồng thời, yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, vận động người dân chủ động tích trữ nước mưa, nước ngọt ngay từ mùa mưa để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô.

Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả TNN

Trao đổi về công tác quản lý, sử dụng TNN trên địa bàn, ông Bùi Minh Tuấn - Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho hay, đứng trước những áp lực của BĐKH và nước biển dâng, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững TNN trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài nhằm góp phần bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

11-1-.jpg

Người dân Bến Tre linh hoạt tích trữ nguồn nước ngọt để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Trọng tâm là ngày 6/8/2021, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch số 4646 nhằm cụ thể hóa các nội dung thực hiện Chương trình số 10 ngày 29/1/2021 của Tỉnh ủy về quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước, nguồn cấp nước ngọt thích ứng với BĐKH giai đoạn 2020 - 2030. Từ Kế hoạch của UBND tỉnh Bến Tre, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai, tuyên truyền các nội dung liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ, phòng chống ô nhiễm, suy thoái nguồn TNN đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân để hiểu rõ tầm quan trọng của TNN, nâng cao nhận thức về an ninh nguồn nước.

Ngoài ra, Bến Tre cũng đã đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, theo tiến độ hoàn thành và công bố danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện việc xây dựng kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước hàng năm trên địa bàn tỉnh các năm tiếp theo.

Theo ông Bùi Minh Tuấn, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung kêu gọi đầu tư, mạnh dạn đề xuất giao tư nhân quản lý, điều hành việc cung cấp nước ở những nơi có điều kiện; thực hiện cơ chế, chính sách thu hút, mở rộng hạ tầng cấp nước sạch. Thực hiện quan trắc chất lượng môi trường nước mặt bên trong khu vực đê, đập ngăn mặn, khu vực trữ nước ngọt phục vụ cấp nước sinh hoạt; duy trì, cải thiện, vận hành các trạm quan trắc tự động của tỉnh; xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước.

Còn theo ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, hiện tại, tỉnh đang tích cực phối hợp với tỉnh Tiền Giang đẩy nhanh tiến độ dự án Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống ống truyền tải đưa nước ngọt từ thượng nguồn về cung cấp cho các nhà máy nước của tỉnh. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thành các công trình cấp nước đang triển khai; chuẩn bị khởi công xây dựng dự án Hồ chứa nước ngọt Lạc Địa tại xã Phú Lễ (Ba Tri) với quy mô 121ha, sức chứa khoảng trên 2 triệu m3.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án công trình thủy lợi, đê - cống đầu mối, nhất là các dự án trọng điểm, cấp bách. Hoàn thiện hệ thống thủy lợi Nam - Bắc Bến Tre, cùng các công trình thủy lợi nội đồng để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh. Tỉnh Bến Tre phấn đấu đến năm 2025, sẽ hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đảm bảo khép kín vòng ngăn mặn, trữ ngọt nhằm ổn định đời sống nhân dân, phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài nguyên nước ở Bến Tre: Nhiều giải pháp sử dụng hiệu quả, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO