Tài nguyên khoáng sản: Đủ luật vẫn khó quản

24/10/2013 00:00

Cần có giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa những quy định của pháp luật với thực tiễn quản lý tài nguyên khoáng sản hiện nay.

   
Cần có giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa những quy định của pháp luật với thực tiễn quản lý tài nguyên khoáng sản hiện nay.
   
  Quản trị tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam thời gian qua xem ra còn nhiều bất cập. Khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô vẫn diễn ra phổ biến, hiệu quả sử dụng thấp, tỷ lệ thất thoát cao, để lại nhiều hậu quả đối với môi trường và xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những yếu kém đó là do sự thiếu minh bạch trong quá trình quản lý, cấp phép, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản.
   
Đủ quy định nhưng thiếu thực tiễn
   
  Mặc dù Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ về hoạt động khai thác khoáng sản như quy định trong Hiến pháp 1992, Luật Khoáng sản 1996, 2005 và 2010... Tuy nhiên, thực tế vẫn cho thấy đang có khoảng cách khá lớn giữa những quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý.
  Đánh giá thực trạng quản lý tài nguyên khoáng sản hiện nay của Việt Nam, ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng cục Kiểm soát hoạt động Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, khoáng sản đã được quản lý ở cấp nhà nước, cấp chính quyền địa phương... Tuy nhiên, thực trạng quản lý tài nguyên khoáng sản vẫn còn nhiều hạn chế, đòi hỏi vấn đề này cần có những chính sách cụ thể.
   
  “Nhà nước không kiểm soát được sản lượng khai thác thực tế của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, đồng nghĩa với việc không nắm được thực trạng “tài sản” của mình. Khi nhà nước không nắm rõ được thực trạng nguồn vốn tài nguyên khoáng sản sẽ khó định hướng một cách chính xác, có tính khả thi đối với hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản, đặc biệt là khi cần lập chiến lược, quy hoạch cụ thể trong từng thời kỳ”, ông Thanh chỉ rõ.
   
  Phân tích nguyên nhân và những tồn tại còn hạn chế cần khắc phục trong công tác quy hoạch và quản trị khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản, ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, ở Việt Nam ngoài dầu khí, than còn những loại khoáng sản khác rất đa dạng phong phú. Nhưng thực tế cho thấy, ở đâu có nguồn khoảng sản thì đời sống ở vùng đó lại rất là nghèo, môi trường bị hủy hoại, cơ sở hạ tầng yếu kém.
   
  “Quy hoạch tài nguyên môi trường hiện nay chưa đạt được mục tiêu. Con số dự báo đưa ra nhiều nhưng con số chính thức thì ít. Công tác quy hoạch tài nguyên khoáng sản chưa đánh giá được chiến lược và vấn đề quản trị chiến lược còn rất yếu”, ông Hùng nêu rõ.
   
Một điểm khai thác titan ở Bình Định.
   
Minh bạch từ cấp cơ s
   
  Mặc dù công tác quản trị tài nguyên khoáng sản vẫn chưa được triển khai nhất quán theo mô hình cụ thể, song tại nhiều địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản, công tác tổ chức khai thác đã từng bước được thể chế hóa theo quy trình đã dần tỏ ra hiệu quả.
   
  Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định cho rằng, địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác hậu kiểm hoạt động khai thác khoáng sản. Yêu cầu doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải tuân thủ thiết kế khai thác, thực hiện đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường... kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật những đơn vị vi phạm.
   
  “Trong quản lý cấp phép khoáng sản ưu tiên cho các đơn vị có năng lực khai khoáng có công nghệ tiên tiến và chế biến sâu, các dự án sử dụng hiệu quả khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, đóng góp giá trị cho xã hội cao”, ông Thắng nói.
   
  Nhìn nhận tầm quan trọng trong việc quản trị tài nguyên khoáng sản từ cấp cơ sở, bà Trần Thanh Thủy, Trưởng phòng chính sách, Trung tâm Con người và Thiên nhiên nêu giải pháp, quản trị tốt tài nguyên khoáng sản ở cấp địa phương phải đảm bảo thực hiện các đánh giá một cách liên tục và đầy đủ nhằm điều chỉnh các chiến lược chính sách  cho phù hợp; Quản lý và phân bổ nguồn thu một cách hợp lý cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội khác nhau; Đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình ra quyết định và giám sát thực thi.
   
  “Phải có chính sách quản lý và sử dụng nguồn thu phù hợp thì sẽ làm tăng hiệu quả đóng góp xã hội của khai khoáng. Nguyên tắc đảm bảo sự tham gia của nhiều bên liên quan sẽ làm hài hòa mối quan tâm giữa các bên liên quan, giảm xung đột và cải thiện môi trường đầu tư”, bà Thủy phân tích.
   
  Lưu ý đến quyền lợi của người dân vùng tài nguyên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Quốc hội nên xem xét và ủng hộ dự án quản trị tài nguyên, nhưng tránh việc khai thác khoáng sản thì người dân bị mất hết, phải hài hòa lợi ích của các nhóm. Đây là điểm hết sức trọng yếu trong lộ trình cải cách thể chế, hướng tới công khai minh bạch. Có như vậy mới làm cho người dân biết được và chia sẻ lợi ích một cách hợp lý.
   
  “Phải đánh giá năng lực giám sát của chúng ta như thế nào? Trách nhiệm của chính quyền địa phương phải có quy định rõ ràng, cấp nào chịu trách nhiệm, cấp nào giám sát, nếu không sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch cũng như quá trình khai thác. Đã có những địa phương có báo cáo kết quả quản lý tốt, vậy chúng ta không nên cầu toàn mà nên đưa mô hình đó ra để xem xét, đánh giá”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận.
   
  Đánh giá tính hợp lý của Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) đối với Việt Nam, ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển cho rằng, EITI sẽ góp phần quản lý, sử dụng tài tài nguyên khoáng sản tốt hơn.
   
  “Tham gia EITI sẽ góp phần tăng nguồn thu/giảm thất thoát cho ngân sách quốc gia; Nâng cao vị thế của Việt Nam, tăng khả năng cạnh tranh và thúc đẩy đầu tư nước ngoài; Tạo được hệ thống cơ sở dữ liệu tốt cho ngành khai khoáng; Xây dựng niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, góp phần giảm thiểu xung đột giữa nhà nước, doanh nghiệp và gười dân; Hỗ trợ tích cực trong thực hiện các chủ trương, chính sách về minh bạch, trách nhiệm giải trình, phòng chống tham nhũng...”, ông Tú cho biết.
   
       Năm 2002, cựu Thủ tướng Anh - Tony Blair đã có sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI). Cho đến nay, trên thế giới đã có 39 quốc gia thực thi sáng kiến với sự tham gia của hàng trăm công ty khai khoáng hàng đầu.
       EITI đang được xem như là một trong những công cụ hữu ích, giúp các quốc gia giàu tài nguyên quản lý tốt hơn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo cho ngành khai khoáng có những đóng góp tích cực hơn trong quá trình phát triển mỗi quốc gia.
    
Nguyễn Quỳnh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài nguyên khoáng sản: Đủ luật vẫn khó quản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO