Tai biến trượt lở - chủ động để bớt thảm cảnh

Ngọc Lý| 03/11/2020 09:28

(TN&MT) - Thảm cảnh khốc liệt ở Rào Trăng (Thừa Thiên Huế), Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị)... vừa qua là minh chứng đau xót do trượt lở đất đá gây ra.

Những năm qua, cùng với tiến trình xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội, nạn trượt lở đất đá ở vùng núi cao, sườn dốc xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn các tỉnh miền Núi, kéo theo lũ bùn đất vùi lấp nhiều nhà cửa, đất canh tác và cướp đi sinh mạng của hàng chục người.

Theo Viện Địa chất và Khoáng sản, Việt Nam có 4 vùng được xác định có nguy cơ trượt lở lớn về đồi núi như vùng Lai Châu - Điện Biên; vùng Hoàng Liên Sơn bao gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang… và các tỉnh Trung Trung Bộ như Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Trượt lở đất đá được kích hoạt do nhiều yếu tố ngoại sinh như mưa, bão, lũ, lụt, các quá trình phong hóa đất đá… và nội sinh như động đất. Đặc biệt là do con người làm mất độ ổn định sườn dốc, tăng chấn rung do mìn hoặc máy móc, tăng trọng tải lên mặt sườn dốc và gây xói mòn, làm yếu độ liên kết của đất đá, khả năng giữ đất của rễ cây do các hoạt động phá rừng, khai thác khoáng sản, san lấp, cắt, xẻ đồi núi để xây dựng đường sá, nhà cửa và các công trình khác. Điều này dẫn tới tai biến trượt lở đất đá, lũ bùn gây thảm họa lớn cho con người và xã hội.

Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, các vùng miền núi nước ta có đặc điểm chung là địa hình chia cắt, độ dốc lớn, dân cư thường sống tập trung ở chân đồi, núi. Dưới tác động của nhiều hoạt động nhân sinh của con người như: Xây dựng giao thông, các công trình thủy điện, thủy lợi, các hoạt động chặt phá rừng... là một phần nguyên nhân gây các nguy cơ về sạt lở. Theo bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 khu vực miền núi thuộc 10 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thanh Hóa và Nghệ An, có khoảng 10.266 điểm nguy cơ sạt lở đất, trong đó, 2.110 điểm nguy cơ khối lượng trượt lớn, rất lớn và đặc biệt lớn.

Cho đến nay, Việt Nam đã thực hiện nhiều dự án, đề tài điều tra, khảo sát nghiên cứu về lũ quét, sạt lở đất như: Điều tra, khảo sát, phân vùng và cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét ở miền núi Việt Nam - Giai đoạn 1: Miền núi Bắc Bộ (Bộ TN&MT); Điều tra, khảo sát và phân vùng nguy cơ lũ quét khu vực miền Trung và Tây Nguyên (Bộ TN&MT); Tăng cường khả năng giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Việt Nam áp dụng thí điểm tại một số khu vực của tỉnh Lào Cai và Yên Bái (Viện Khoa học Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)… Các dự án, đề tài này cũng đề ra những giải pháp cụ thể đối với lũ quét và sạt lở đất.

Như thế, những nguy cơ về tai biến trượt lở đất đá ở Việt Nam vẫn luôn hiện hữu mỗi khi mùa mưa bão đến. Để nâng cao công tác phòng chống, giảm thiểu tối đa thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra trong thời gian tới, trước hết phải tập trung triển khai thực hiện khẩn trương Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác phòng chống thiên tai và Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét và sạt, lở đất; triển khai áp dụng khẩn cấp phối hợp giải pháp công trình và phi công trình trong phòng chống giảm nhẹ rủi ro lũ quét, sạt lở đất; thí điểm hệ thống quan trắc, cảnh báo lũ bùn đá; thí điểm công nghệ đập ngăn bùn đá trong điều kiện miền núi phía Bắc Việt Nam…

Đồng thời, cần nhận biết nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thông qua các bản đồ nguy cơ và kế hoạch điều tra khảo sát đã được công bố, tìm hiểu đánh giá mức độ nguy hiểm nơi sinh sống (đánh giá khả năng có sạt lở, nằm trong vùng có nguy cơ lũ quét); không nên xây dựng nhà sát vách sườn núi dốc, bên cạnh hoặc gần đường dẫn nước như suối, lạch nước; lập kế hoạch của cá nhân, gia đình để phòng chống, chuẩn bị cho các trường hợp có lũ quét và sạt lở; chuẩn bị các biện pháp, phương án, dụng cụ, kế hoạch sơ tán khẩn cấp khi xảy ra tình huống…

Bên cạnh đó, đòi hỏi các cấp chính quyền cần rà soát và xử lý tốt các điểm sạt lở, áp dụng phương pháp gia cố tạm thời tránh xảy ra những thiệt hại không đáng có với người dân. Coi trọng công tác dự tính, dự báo, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, trung tâm điều hành phòng chống thiên tai cấp Trung ương; tuyên truyền, trang bị kiến thức, cung cấp thông tin về phòng chống thiên tai cho người dân.

Thiên tai luôn rình rập. Bởi thế, chủ động ứng phó trước những tác động tiêu cực của thiên tai sẽ là yếu tố tiên quyết giảm thiểu những thiệt hại, để bớt đi những thảm cảnh đau lòng như những gì chúng ta đang chứng kiến những ngày qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tai biến trượt lở - chủ động để bớt thảm cảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO