Tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính Mê Công

04/12/2015 00:00

  (TN&MT) - Ngày 4/12 tại TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế Nghiên cứu tác động của các công...

 

(TN&MT) - Ngày 4/12 tại TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công. Hội thảo nhằm lấy ý kiến rộng rãi và khách quan của các bên liên quan về Báo cáo Nghiên cứu tác động của các công trinh thủy điện dòng chính sông Mê Công.

Bộ trưởng Bộ TN&MT - Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Nguyễn Minh Quang chủ trì Hội thảo
Bộ trưởng Bộ TN&MT - Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Nguyễn Minh Quang chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang - Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai - Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, đại diện Ủy ban sông Mê Công Lào, Campuchia và Ủy hội sông Mê Công quốc tế, đại diện các Bộ ngành có liên quan, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi Chỉnh phủ trong khu vực, các học giả và các nhà khoa học trong và ngoài nước, đại diện các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hội thảo do Lãnh đạo Bộ TN&MT chủ trì.

Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai cho biết, là quốc gia nằm ở cuối nguồn, Việt Nam quan tâm và quan ngại sâu sắc về tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công đến môi trường, kinh tế - xã hội của người dân vùng hạ du Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của khoảng 20 triệu người dân Việt Nam, chắc chắn sẽ phải gánh chịu tất cả các tác động luỹ tích từ các hoạt động phát triển này trong bối cảnh nhu cầu về tài nguyên nước trong lưu vực ngày càng tăng mạnh và hiện tượng biến đổi khí hậu đã xuất hiện. Vì vậy, việc tiến hành các nghiên khoa học hiện đại để nâng cao hiểu biết về các tác động của các công trình dự kiến xây dựng trên dòng chính Mê Công lên môi trường tự nhiên và con người, kinh tế, xã hội và sinh kế của hàng chục triệu người dân sống trong Châu thổ Mê Công là rất cấp thiết.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai - Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai - Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Hiện nay, 11 công trình thủy điện đã được đề xuất trên dòng chính sông Mê Công thuộc Hạ lưu sông Mê Công của các quốc gia: Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Các công trình này nằm trên lãnh thổ: Thái Lan, Lào và Campuchia. Các đề xuất này đã làm dấy lên mối quan ngại trong lưu vực là có khả năng gây ra các tác động bất lợi đáng kể tới môi trường, kinh tế, xã hội tại các quốc gia ven sông, đặc biệt là tác động tới Châu thổ sông Mê Công của Campuchia và Việt Nam.

“Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thực hiện Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công tới các hệ thống môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội trên các vùng thuộc Châu thổ sông Mê Công của Campuchia và Việt Nam với sự cùng tham gia của các Chính phủ Lào và Campuchia. Việc tiến hành Nghiên cứu sẽ giúp cho Việt Nam và các quốc gia trong lưu vực đạt được các mục tiêu hợp tác vùng là phát triển bền vững và hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông” - Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh.

Nguyên cứu do nhóm tư vấn quốc tế gồm Tập đoàn DHI (Đan Mạch) cùng Công ty HDR (Hoa Kỳ) thực hiện. Mục tiêu của Nghiên cứu là đánh giá các thay đổi của chế độ dòng chảy do xây dựng và vận hành các bậc thang thủy điện dòng chính, và tác động của các thay đổi đó tới môi trường và con người ở Châu thổ sông Mê Công của Campuchia và Việt Nam. Nghiên cứu cũng hướng tới đạt được sự đồng thuận về kết quả đánh giá tác động và các khuyến nghị về các biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ thông qua các hoạt động tham vấn rộng rãi với các bên liên quan.

Nghiên cứu tiến hành đánh giá tác động của các công trình thủy điện dòng chính gây ra lên chế độ dòng chảy và chế độ lũ, phù sa bùn cát và dinh dưỡng, xâm nhập mặn, từ đó tác động tới 6 lĩnh vực có liên quan như: thủy sản, đa dạng sinh học, giao thông thủy, nông nghiệp, sinh kế và kinh tế. Các tác động cũng được xem xét và dự báo theo cách tiếp cận liên ngành và theo các cấp độ kinh tế vùng và quốc gia.

Nghiên cứu cũng xem xét thêm các tác động tăng lên do các công trình thủy điện dòng nhánh và chuyển nước ra ngoài lưu vực. Việc tiến hành Nghiên cứu cũng nhằm giúp cho Việt Nam và các quốc gia trong lưu vực đạt được các mục tiêu hợp tác vùng là phát triển bền vững và hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông. Nghiên cứu còn tập trung vào đánh giá tác động của các công trình thuỷ điện trên dòng chính hạ lưu vực Mê Công tới vùng Châu thổ sông Mê Công (của cả Việt Nam và Campuchia) và vùng Biển hồ Tonle Sáp.

Theo kế hoạch, Nghiên cứu sẽ kết thúc vào cuối tháng 12 năm nay. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bên liên quan, Tư vấn quốc tế sẽ hoàn thành Báo cáo đánh giá tác động và đưa ra các kiến nghị về các biện pháp giảm thiểu tác động trong Báo cáo cuối cùng. Báo cáo cuối cùng của Nghiên cứu cũng sẽ chuyển giao cho các quốc gia thành viên và Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế nhằm giúp xem xét điều chỉnh lại quy hoạch phát triển thủy điện dòng chính sông Mê Công theo hướng phù hợp và hài hòa hơn.

Theo Lãnh đạo Bộ TN&MT, việc tổ chức Hội thảo quốc tế này sẽ giúp cho Bộ TN&MT và Ủy ban sông Mê Công Việt Nam thông báo cho các bên có liên quan ở trong nước và quốc tế kết quả của Nghiên cứu, đặc biệt trong bối cảnh gần đây có một số thông tin chưa chính xác về Nghiên cứu. Với sự tham gia và đóng góp ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo và có thể bằng văn bản sau ngày hôm nay, Bộ TN&MT sẽ hoàn thiện Báo cáo theo đúng kế hoạch và hoàn thành Nghiên cứu đúng tiến độ vào cuối tháng 12/2015.

Tin & ảnh: Tường Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính Mê Công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO