Sụt lún nghiêm trọng do… thi công QL 14

12/08/2014 00:00

(TN&MT) – Thời gian gần đây, nhà cửa và đất đai nhiều hộ dân ở gần QL 14 của thôn Bắc Sơn (xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) lâm vào tình trạng bị hư...

   
 (TN&MT) – Thời gian gần đây, nhà cửa và đất đai nhiều hộ dân ở gần QL 14 của thôn Bắc Sơn (xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) lâm vào tình trạng bị hư hỏng, sụt lún. Theo họ thì nguyên nhân chính là do đơn vị thi công trên đường Hồ Chí Minh (QL 14) đổ đất với khối lượng lớn và dùng máy san, ủi, lu rung ở khu vực gần đó.
   
Vụ sụt lún xảy ra ngay cạnh QL 14
    
   
 Hơn 1000m2 đất gần bị sụt
   
  Dự án nâng cấp, mở rộng QL 14 đoạn từ từ Km 1793+600 đến Km 1824+00 dài 30,4km (nằm trên địa phận tỉnh Đắk Nông) do Liên danh Công ty Toàn Mỹ - Băng Dương làm chủ đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Dự án bắt đầu khởi công từ tháng 6/2013, có nguồn vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ đưa vào khai thác, kinh doanh vào đầu năm 2016. Dự án gồm 5 gói thầu thi công và theo đánh giá của Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh thì tiến độ thực hiện của dự án là tương đối đảm bảo.
   
  Tại Km749+300 thuộc gói thầu số 3 (do Công ty TNHH Lâm Phong thi công), đoạn nắn tuyến qua thôn Bắc Sơn (xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil), đơn vị thi công đã đổ 8000m3 đất và tiến hành san ủi, giải phóng mặt bằng từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay. Hiện tại, có khoảng trên 100m dọc theo QL 14 đã xảy ra sụt lún nghiêm trọng, kéo hơn 1.000m2 đất đai sinh hoạt, sản xuất của người dân ở phía dưới trượt lún theo.
   
Phần đất thi công đã nứt toác ra, xô đổ toàn bộ hệ thống cột điện phía dưới
    
   
  Theo quan sát, khu vực đã san ủi gần đường QL 14 có nhiều vết nứt lớn, kéo dài và có đoạn bị sụt khá sâu (từ 1m-1,5m so với mặt nền thi công). Phần đất ở rìa chỗ san ủi tràn bị xé toạc, tràn xuống và toàn bộ hệ thống trụ điện kề dưới nghiêng ngã. Tại khu vực trồng hoa màu (bắp) phía dưới cũng xuất hiện dày đặc những vết nứt dọc ngang. Ở cuối khu đất đang sạt lở xuất hiện 1 rãnh sâu (dài khoảng 20m, rộng gần 10m), kéo trôi tất cả đất đai, cây cối xuống phía dưới. Phần đất kề trên rãnh đã nứt chằng chịt và có xu hướng thoải dần, nguy cơ trôi xuống rãnh cao nếu trời có mưa lớn kéo dài.
   
Sống trong sợ hãi
   
  Theo ông Lê Văn Hòa – Trưởng thôn Bắc Sơn (xã Đắk Gằn) thì ngoài diện tích bị sụt lún trên, nhiều căn nhà của các hộ dân gần đó cũng có hiện tượng nứt tường, hư hỏng nặng do đơn vị thi công lu đường mở rộng QL 14. “Trong 9 căn nhà của người dân bị ảnh hưởng, nhà của anh Hoàng Văn Thắng bị nặng nhất, không thể ở được nữa. Nhà các hộ dân khác thì bị hư hỏng phần sau, tường nứt, có nguy cơ đổ sập, nhất là nhà chị Nguyễn Thị Thuận” – ông Hòa cho biết thêm.
   
Ở cuối vùng sụt lún có 1 vết trượt dài, kéo theo đất và hoa màu phía trên
    
   
  Gia đình anh Hoàng Văn Thắng (SN 1974, ở thôn Bắc Sơn, xã Đắk Gằn) xây 1 căn nhà vào năm 2009 theo chương trình 167 (chương trình hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo) và làm ăn sinh sống từ đó đến nay. Thế nhưng, khi chúng tôi có mặt tại nhà anh vào chiều 8/8, mọi đồ đạc trong nhà đã được dọn ra ở căn lều tạm ở trước sân. Bên trong căn nhà, nền gạch xuất hiện nhiều vết nứt ngang dọc và trũng xuống như lòng chảo. Phần móng sau nhà đã nứt toạc, kéo theo nhiều mảng tường đổ ra phía sau. Anh Thắng tâm sự: “Đêm 27/7 trời mưa lớn, khi cả nhà đang ngủ thì ngôi nhà rung chuyển mạnh, các bức tường phía sau phòng ngủ và nhà bếp từ từ đổ xuống khiến cả nhà hoảng loạn. Biết ở đây rất nguy hiểm nhưng vì anh em của mình đều khó khăn, chẳng có chỗ để ở nhờ nên gia đình tôi vẫn phải dựng tạm lều bạt bên cạnh để ngủ, nấu nướng”.
   
  Ông Trần Văn Long (SN 1958, gần nhà anh Thắng) cho biết: “Tôi và nhiều hộ dân khác làm nhà và sinh sống ở đây đã hơn 10 năm nay. Đến đầu năm 2014, người ta đổ đất và cho máy lu thì xảy ra hiện tượng sụt lún, tường nhà phía sau bắt đầu nứt. Mấy ngày cuối tháng 7 mưa nhiều, các bức tường sau nhà nứt nhiều hơn và có hiện tượng lìa dần ra khỏi móng”. Cũng theo ông Long, khu vực sụt lún còn có 1 con đường để hơn 20 hộ dân ở thôn Bắc Sơn, có nhà ở phía sâu bên trong đi lại và vận chuyển hàng hóa.
   
Nhiều diện tích hoa màu của người dân có nguy cơ trôi theo vết trượt
    
   
  Được biết, vào đầu tháng 4/2014, tại Km1816+00 của gói thầu số 5, khi đơn vị thi công (Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng – Thương mại Băng Dương) lu lèn nền đường đã làm nhà của ông Phạm Văn Thanh (thôn Tân Lập, Đắk Gằn) xuất hiện nhiều vết nứt. Ngay lập tức, ông Thanh đã yêu cầu nhà thầu thi công thị sát căn nhà của ông và dừng thi công. Sau khi chủ thầu đã cho ngừng thi công, các vết nứt tại tường nhà ông Thanh vẫn phát triển thêm (dài hơn, rộng ra) nên ông đã báo lên các cấp chính quyền. 4 tháng sau, chủ thầu mới cùng các đơn vị liên quan đến giám định hiện trường và xác định thiệt hại. Mặc dù kết quả giám định đã ghi rõ: “Nguyên nhân tổn thất là do chấn động trong quá trình thi công (lu lèn nền đường) của nhà thầu thi công” nhưng hiện tại, gia đình ông Thanh vẫn đang sinh sống trong ngôi nhà này.
   
Nhà của anh Hoàng Văn Thắng bị hư hỏng nặng sau ngày 27/7
    
   
Cần giải quyết nhanh
   
  Ông Bùi Quốc Trưởng (nhân viên điều hành dự án của Công ty TNHH Toàn Mỹ 14) cho biết: “Khoảng 7 giờ ngày 28/7, khi đơn vị đi kiểm tra tuyến thì phát hiện sự cố sụt lún và trượt nền đường tại gói thầu thi công số 3 (từ Km1809+343,42 đến Km1809+468,42). Ngay lập tức, đơn vị thi công đã cho dựng rào chắn, biển báo, cọc tiêu và lắp đèn báo tín hiệu tại khu vực xảy ra sự cố, đồng thời cũng cho thi công trải cấp phối đá dăm mở rộng đường hiện hữu (về phía bên phải tuyến) để đảm bảo mặt đường đủ rộng cho xe lưu thông. Sau đó, vào ngày 1/8, công ty đã mời đơn vị giám sát (Công ty Tư vấn xây dựng công trình 625), nhà thầu thi công (Công ty Lâm Phong) và đơn vị giám sát độc lập (Viet Adjusters JSC) đến kiểm tra, giám định hiện trường.
   
   
  Tuy nhiên, ông Trưởng lại cho rằng nguyên nhân vụ sụt trượt lún ngày 27/7 là do mưa to kéo dài, lượng nước đổ về nhiều và “có thể” do nền địa chất của khu vực này yếu chứ không phải lỗi của đơn vị thi công. Nhưng khi phóng hỏi tại sao không thăm dò địa chất đoạn này trước khi thi công, ông Trưởng nói rằng “chủ đầu tư chỉ cho khoan thăm dò một số điểm chứ không thể khoan thăm dò hết được”? “Hiện tại, chúng tôi đã cho ngừng thi công và thời gian tới sẽ hốt toàn bộ lượng đất đã đổ xuống (8.000m3) để khoan thăm dò lại địa chất. Riêng nhà anh Phạm Văn Thanh và anh Hoàng Văn Thắng, sau khi công ty bảo hiểm (Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Long) đến kiểm tra, xác minh sẽ có phương án đền bù cụ thể. Các hộ dân còn lại, chúng tôi chưa nhận được đơn nên chưa đi kiểm tra” – ông Trưởng cho hay.
   
  Ngày 8/8, ông Nguyễn Tăng Hưng – Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Đắk Mil, cho biết: “UBND huyện mới nhận được báo cáo của UBND xã Đắk Gằn về vụ việc vào ngày 6/8 và ngay lập tức đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đi kiểm tra, báo cáo và đề xuất phương án giải quyết. Tại các khu vực xảy ra sụt lún, nếu nhà người dân bị sập tường, nhất quyết phải di dời tất cả con người và tài sản của đến chỗ khác. Sau khi các lực lượng chức năng tìm ra nguyên nhân sẽ có phương án giải quyết thỏa đáng”.
   
Gia đình anh Thắng phải dựng lều tạm ra trước nhà để sinh sống hơn 10 ngày nay
    
   
  Đã hơn 10 ngày sau khi vụ sụt lún xảy ra nhưng gia đình anh Hoàng Văn Thắng vẫn phải dựng tạm lều bạt cạnh ngôi nhà sắp đổ để sinh sống. Bên cạnh đó, vụ việc xảy ra ngay sát đường QL 14, các vết sụt lún khá lớn và tiềm ẩn nguy cơ sẽ lấn vào chân đường. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra và có phướng án xử lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân và những người tham gia giao thông qua đây.
   
  Bài & ảnh: Lê Phước
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sụt lún nghiêm trọng do… thi công QL 14
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO