Sử dụng tràn lan phân bón trồng trọt ảnh hưởng đến môi trường như thế nào?

28/07/2017 00:00

(TN&MT) - Nguồn chất thải vào môi trường từ trồng trọt đang có xu hướng gia tăng, nhất là chất thải từ phân bón. Khi việc kiểm soát hoạt động sử dụng phân bón trong trồng trọt còn hạn chế thì hậu quả mà môi trường phải gánh là không nhỏ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo tính toán của cơ quan chức năng, hiệu suất sử dụng phân đạm khi bón vào đất chỉ đạt 30-45%; phân lân 40-45%; kali 40-50% tùy theo chân đất, giống cây trồng, thời vụ, phương pháp bón, loại phân bón. Từ thực tế này, cơ quan chức năng ước tính việc sử dụng phân bón đang gây lãng phí và để lại tồn dư nhiều trong môi trường. Đáng lo ngại hơn, lượng tồn dư này sẽ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái nông nghiệp, làm ô nhiễm nguồn nước, đất và có thể gây đột biến gen đối với một số cây trồng...

Theo bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội): Hiện nông dân vẫn có thói quen bón nhiều phân đạm, không bón kết hợp và cân đối giữa đạm, lân, kali. Thời kỳ bón phân không đúng hoặc phân kém chất lượng, không bón hoặc ít sử dụng phân bón hữu cơ. Cách bón phân chủ yếu là vãi trên mặt đất, phân bón ít được vùi vào trong đất, hiệu quả thấp. Chẳng hạn như cây lúa, do nông dân bón thừa quá nhiều đạm, gây ra hiện tượng lúa bị lốp, màu lá cây thường xanh mướt hoặc xanh đậm nhưng sức kháng chịu sâu bệnh kém, phát triển chậm.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết: Tập quán canh tác của người dân nhiều năm nay không thay đổi, hơn nữa, người dân cũng chưa được đào tạo, tập huấn về sử dụng phân bón.  “Việc sử dụng đạm hóa chất trong trồng trọt bừa bãi khiến dư thừa nitrat và khi vượt ngưỡng sẽ biến thành nitrit gây nguy hại cho con người, ảnh hưởng tới nguồn gen các loài sinh vật. Đồng thời, phần dư thừa chưa được cây trồng hấp thu sẽ tồn lại trong đất hoặc bị rửa trôi theo nguồn nước mặt, nước mưa, gây ô nhiễm nguồn nước”, ông Hồng cảnh báo.

Trong khi đó, ông Đoàn Viết Tuấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai, Hà Nội cho hay: Hiện sông Đáy, sông Nhuệ và các hồ trên địa bàn huyện có mức độ ô nhiễm ở mức báo động. Nguyên nhân một phần là việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp.

Lời khuyên của chuyên gia khi sử dụng phân bón

1. Bón phân hợp lý cho cây là tìm mọi cách để phối hợp tốt với thiên nhiên để tạo ra sản phẩm có ích cho con người, chứ không phải là chinh phục, là áp đặt ý muốn của con người lên thiên nhiên.

2. Đối với thiên nhiên mọi tác động chỉ cần vừa đủ, mọi thứ thừa hay thiếu đều gây hại cho mọi hoạt động bình thường của nó.

3. Thiên nhiên còn nhiều điều mà con người chưa biết hết, vì vậy không được chủ quan khi sử dụng phân bón.

4. Trong thiên nhiên sống, các loài sinh vật tồn tại và phát triển trong các mối liên hệ chặt chẽ với nhau và với thế giới không phải sinh vật.

5. Khoa học phân bón giúp ta bón phân hợp lý, tuy vậy nếu quá chuyên biệt trong lĩnh vực này sẽ làm cho kiến thức hiểu biết của ta về thiên nhiên trở nên manh mún và có nguy cơ dẫn đến thất bại.


 

H. Phúc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng tràn lan phân bón trồng trọt ảnh hưởng đến môi trường như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO