Sự cần thiết thành lập Khung quản trị công nghiệp khai thác ở Việt Nam

06/12/2014 00:00

(TN&MT) - Công nghiệp khai thác nên được quản lý như thế nào để có thể đóng góp hiệu quả hơn cho sự thịnh vượng của mỗi quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam?

(TN&MT) - Khai thác dầu, khí và khoáng sản được đánh giá là một trong những lĩnh vực trọng điểm giúp các quốc gia tiến gần hơn đến những mục tiêu chung của Cộng đồng Kinh tế Asean mà sẽ được chính thức hình thành vào năm 2015. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là công nghiệp khai thác nên được quản lý như thế nào để có thể đóng góp hiệu quả hơn cho sự thịnh vượng của mỗi quốc gia và cộng đồng chung ASEAN, trong đó có Việt Nam.
   
Quản trị công nghiệp khai thác Việt Nam: Những thách thức
                                                      
  Theo ông Nguyễn Việt DũngPhó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) thì những nguyên nhân khiến việc quản trị khai thác tài nguyên ở các nước thành viên ASEAN nói chung và ở Việt Nam nói riêng còn yếu kém là do: mức độ phức tạp cao về mặt công nghệ và dòng vốn đầu tư; mối quan hệ giữa người ra quyết định và chủ đầu tư trong quá trình ký kết hợp đồng hoặc cấp phép khai thác tài nguyên từ lòng đất thường bị lạm dụng…
   
  Theo đó, nhiều hệ lụy có thể xảy ra như đẩy lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm thất thoát nguồn thu nhà nước, hủy hoại môi trường sinh thái hoặc gây xung đột giữa các nhóm trong xã hội. “Rất nhiều quốc gia giàu tài nguyên trong khu vực Asean đang đối mặt với những thách thức tương tự trong việc quản trị công nghiệp khai thác. Hiện trạng này phần nào đã được thể hiện trong Chỉ số Đánh giá Tham nhũng (CPI) do Tổ chức Minh bạch Quốc tế thực hiện và Chỉ số Quản trị Tài nguyên Thiên nhiên (NGRI) do Viện Quản trị Tài nguyên Thiên nhiên thực hiện. Theo đó, CPI và NGRI của hầu hết các quốc gia giàu tài nguyên ở khu vực Asean được đánh giá ở mức độ thấp.” – ông Nguyễn Việt Dũng khẳng định.
   
Tài nguyên khoáng sản được khai thác và sử dụng có hiệu quả ở một số nơi nhưng…
   
  TS. Phạm Bích San – Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã trình bày về một số nét đặc thù cũng như những khó khăn, thách thức của Việt Nam trong việc triển khai Khung hành động này. Thứ nhất, các doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc khai thác tài nguyên. Thứ 2, sự hiểu biết của xã hội về Khung quản trị công nghiệp khai thác chưa cao. Thứ 3, các tổ chức xã hội đang trong giai đoạn hình thành và tồn tại nhiều loại khác nhau với các mục tiêu khác nhau, vì thế chưa định hướng sự cần thiết của một Khung quản trị công nghiệp khai thác. Thứ 4, tồn tại 2 quan điểm trong việc tiếp nhận kinh nghiệm: tiếp nhận trọn vẹn hay thay đổi rất căn bản.
   
  Vẫn theo ông Nguyễn Việt Dũng thì với tiến trình hội nhập và hợp tác trong 3 lĩnh vực chính là kinh tế, an ninh – chính trị và văn hóa – xã hội, ASEAN có thể xây dựng những hướng dẫn chung để thúc đẩy quản trị tốt công nghiệp khai thác và đóng góp cho sự phát triển chung của khu vực ASEAN.
   
Khung quản trị: Sáng kiến cho ngành khai khoáng Việt Nam
   
  Đề cập đến mục đích của Khung quản trị, ông Fabby Tumiwa, Viện Cải cách các Dịch vụ Thiết yếu (IESR) khẳng định: “Khung quản trị này nhằm đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp khai khoáng ASEAN với mục đích tăng cường tính trách nhiệm, minh bạch, khả năng quản trị và hiệu quả trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế vùng, quốc gia và khu vực, tăng cường bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và sự tham gia của cộng đồng. Do vậy, Việt Nam và các nước trong khu vực cần áp dụng khung quản trị này.”
   
  Cụ thể, đối với sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác Việt Nam, ông Fabby Tumiwa cho rằng cần thiết phải xây dựng tiêu chuẩn chung về một khung hành động vì có 3 lĩnh vực bị đánh giá là quản trị kém ở Việt Nam gồm: cơ chế báo cáo, chính sách bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường.
   
… có những nơi khoáng sản bị khai thác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
   
  Đồng quan điểm với ông Fabby Tumiwa, GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng cho rằng khung quản trị này là một sáng kiến hữu ích cho Việt Nam bởi nó đáp ứng quá trình đổi mới thể chế mà hiện nay Chính phủ đã ban hành chủ trương ở Việt Nam. Ngoài ra, theo GS Đặng Hùng Võ thì khung quản trị này thực sự cần thiết cho một nước có ngành công nghiệp khai thác khoáng sản mặc dù đã nỗ lực cố gắng, có nhiều tiến bộ hơn trước đây nhưng vẫn còn kém so với thế giới như Việt Nam.
   
  TS. Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng Khung hành động là một sáng kiến kịp thời vì nó không những đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp khai khoáng mà còn chuẩn bị cho việc tiến tới  thành lập cộng đồng ASEAN vào năm 2015. TS. Lê Đăng Doanh cũng đưa ra đề xuất rằng ông Fabby Tumiwa nên tiếp cận với Ban Thư ký ASEAN để nhận được sự ủng hộ, đồng tình thực thi sáng kiến này.
   
        
       Khung hành động là tập hợp các điều khoản nhằm đảm bảo tài nguyên của ngành công nghiệp khai thác được sử dụng để nâng cao sự phát triển của con người, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cân bằng của các thành viên ASEAN, và tăng cường sự kết nối và hợp tác kinh tế trong ASEAN.
        
       Khung hành động là một đề nghị về thiết lập tiêu chuẩn đối với Quản trị ngành công nghiệp khai thác từ phía xã hội dân sự để cho các thành viên ASEAN thực thi.
        
    
Bài và ảnh:Mai Đan
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự cần thiết thành lập Khung quản trị công nghiệp khai thác ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO