Sốp Cộp (Sơn La): Phát huy tiềm lực đất đai vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Nga | 28/07/2021, 05:22

(TN&MT) - Là huyện biên giới của tỉnh Sơn La, những năm qua, huyện Sốp Cộp rất chú trọng trong việc thực hiện chính sách về đất đai đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Đưa chính sách đến với đồng bào

Huyện Sốp Cộp được thành lập vào năm 2003, là huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh Sơn La với tổng diện tích tự nhiên hơn 147.000 ha, gồm 8 xã. Huyện có vị trí đặc biệt khó khăn, nằm xa các trung tâm kinh tế, văn hoá, cách thành phố Sơn La 120 km theo quốc lộ 4G. Huyện có đường biên giới dài 120 km giáp với nước bạn Lào, chiếm 48% chiều dài biên giới toàn tỉnh đã tạo cho Sốp Cộp vị trí đặc biệt về an ninh quốc phòng và đối ngoại.

Tổng dân số toàn huyện là 52.000 nhân khẩu, hơn 11.000 hộ dân, với 7 dân tộc Thái, Mông, Lào, Khơ Mú, Kinh, Tày, Mường cùng chung sống, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 98%. Xác định phải thực hiện tốt các chính sách dân tộc để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Sốp Cộp đã triển khai thực hiện tốt các Chương trình 135, 30a, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho bà con…

Huyện Sốp Cộp quan tâm làm tốt chính sách đất đai cho đồng bào các dân tộc.

Ông Vũ Triệu Phú, Trưởng phòng TN&MT huyện Sốp Cộp cho biết: UBND huyện đã thực hiện có hiệu quả Chương trình xóa đói, giảm nghèo thông qua các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở cho các hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo, đời sống khó khăn; chính sách giao đất không thu tiền đối với đất sản xuất nông nghiệp; chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất ở, công nhận quyền sử dụng đất và chính sách miễn, giảm các loại thuế liên quan đến đất đai cho các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số;.... góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm và ổn định đời sống cho nhân dân.

Cùng với đó, UBND huyện và UBND các xã đã đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của Luật Đất đai đến với bà con bằng nhiều hình thức phù hợp cho từng đối tượng, như: Trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các hội nghị, các cuộc đối thoại và bằng nhiều hình thức khác, đặc biệt qua công tác giải phóng mặt bằng các dự án với trên 10.000 lượt người tham dự đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn.

Người dân xã Mường Và triển khai trồng dứa nguyên liệu.

Khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai

Sau hơn 17 năm được thành lập, từ một huyện nghèo với xuất phát điểm thấp, giờ đây, bộ mặt nông thôn Sốp Cộp đã có nhiều khởi sắc. Phát huy tiềm lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, huyện Sốp Cộp đã tập trung chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong lĩnh vực nông nghiệp từ đất nương rẫy trồng cây hàng năm có giá trị sản xuất thấp sang đất trồng cây lâu năm, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; tăng diện tích trồng rừng sản xuất; tăng diện tích đất trồng lúa.

Gia đình anh Lò Văn Thuấn, bản Nà Mòn, xã Mường Và là một trong các hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn cho năng suất, giá trị thấp sang trồng gần 300 cây cam, quýt giống bản địa. Sau hơn 10 năm trồng và chăm sóc theo đúng kỹ thuật, đến nay mỗi vụ cam, gia đình anh thu về gần 200 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả của việc phát triển cây ăn quả đem lại, hơn 50% hộ dân trong bản Nà Mòn đã chuyển sang trồng cây ăn quả với gần 60 ha. Hết năm 2020, cả bản chỉ còn 25 hộ nghèo, thu nhập trung bình hàng năm của các hộ có vườn cây ăn quả đạt từ 200 triệu đồng trở lên.

Cùng với gia đình anh Thuấn, 46 hộ dân của 2 xã Mường Lạn, Mường Và đã được huyện hỗ trợ triển khai thực hiện mô hình trồng xoài Đài Loan; 15 hộ dân xã Nậm Lạnh trồng sa nhân tím dưới tán rừng, người dân đã có thu nhập ổn định từ mô hình sau 2 năm thực hiện; đang triển khai mô hình vùng nguyên liệu dứa với quy mô 40ha tại 2 xã Mường Và, Sốp Cộp. Tới nay, toàn huyện Sốp Cộp có gần 2.000 ha diện tích cây ăn quả, sản lượng quả các loại ước đạt 1.800 tấn, với các sản phẩm chủ yếu là cam, quýt, nhãn, xoài, sơn tra... Qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, vừa giảm nguy cơ xói mòn, rửa trôi đối với đất đai, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu.

Dám nghĩ dám làm, anh Lò Văn Thuấn đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn cho năng suất, giá trị thấp sang trồng gần 300 cây cam, quýt.

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng đất đai trên địa bàn huyện, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Sốp Cộp xác định: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai đến từng người dân. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông”, giảm thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định.

Tiếp tục rà soát, ưu tiên chuyển đổi diện tích đất trồng cây hàng năm sang trồng cây lâu năm có giá trị kinh tế cao như cây cà phê, cây ăn quả. Với đất lâm nghiệp, sẽ chuyển đổi các loại đất phù hợp với kết quả rà soát, chuyển đổi đất rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất gắn với quy hoạch 3 loại rừng, đảm bảo cân bằng và ổn định được môi trường sinh thái của huyện.

Các loại đất phi nông nghiệp được xem xét và tính toán cho mọi loại đất, cả giao thông, thủy lợi, an ninh, quốc phòng, đất có mục đích công cộng khác... trên cơ sở đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, vừa đảm bảo tiết kiệm đất nhưng vẫn sử dụng hợp lý. Riêng đất chưa sử dụng, giữ ở mức vừa phải để bảo vệ và duy trì cảnh quan thiên nhiên và tạo ra các vùng đệm làm hài hòa các vùng sản xuất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
  • Yên Bái: Hơn 50% diện tích có nguy cơ trượt lở đất đá nguy hiểm
    Hơn 70% số xã với hơn 50% tổng diện tích tỉnh Yên Báo có nguy cơ trượt lở đất đá ở mức cao và rất cao. Việc đánh giá hiện trạng và xây dựng được bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá có vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai.
  • Triển khai phân loại rác thải tại nguồn tới từng thôn, bản
    (TN&MT) - Triển khai phân loại rác thải tại nguồn nhằm tiến tới xử lý rác theo hướng tuần hoàn, giảm chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế là định hướng quản lý chất thải rắn vùng nông thôn ở huyện miền núi Yên Bình (Yên Bái).
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO