Sơn La: Triển khai 2 dự án trọng điểm để bảo vệ nguồn nước

30/05/2018 12:40

(TN&MT) - Trước nguy cơ ô nhiễm, suy thoái tài nguyên nước, tỉnh Sơn La đang tập trung thực hiện 2 dự án trọng điểm, để bảo vệ nguồn nước, gồm: Điều tra, đánh...

(TN&MT) - Trước nguy cơ ô nhiễm, suy thoái tài nguyên nước, tỉnh Sơn La đang tập trung thực hiện 2 dự án trọng điểm, để bảo vệ nguồn nước, gồm: Điều tra, đánh giá khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất và Dự án Lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt với Nhà máy cấp nước số 1, số 2 thành phố Sơn La và Nhà máy cấp nước Mai Sơn.
a1 24
Ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cùng đoàn công tác kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt tại Nhà máy cấp nước số 1 thành phố
Giảm nguy cơ suy thoái nước dưới đất
 
Sơn La là tỉnh có trữ lượng nước dưới đất ở mức độ khá và có chất lượng tương đối tốt. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hầu hết các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, các khu dân cư, các khu đô thị mới, các khu sản xuất chế biến nông lâm sản và các hộ dân trong tỉnh đã và đang khoan giếng khai thác nước dưới đất hoặc sử dụng nước dưới đất xuất lộ (từ các mó, huổi) để tự cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của mình. Do đó, nhu cầu khai thác sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Sơn La đã gia tăng một cách bùng phát, dẫn đến nguy cơ suy thoái tài nguyên nước dưới đất về cả trữ lượng và chất lượng ngày càng cao.
 
Bên cạnh đó, theo số liệu tổng hợp từ Sở TN&MT Sơn La, ước tính mỗi năm có hàng trăm giếng khoan nước nước dưới đất mới được người dân đưa vào sử dụng. Các giếng khoan nước sinh hoạt chủ yếu khai thác nước dưới đất ở độ sâu trung bình từ 50 - 80 mét. Ngoài ra, nhiều tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nước dưới đất phục vụ hoạt động, sản xuất với công suất khai thác dao động từ 100 - 500 m3/ngày đêm, nhưng chưa chấp hành việc lập hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định.

Việc khai thác sử dụng nước dưới đất không theo quy hoạch là một trong những nguyên nhân chính gây lãng phí, suy thoái tài nguyên nước dưới đất và ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Mặt khác, khi khai thác nước dưới đất sẽ gây ra hiện tượng hạ thấp mực nước dưới đất của các tầng chứa nước. Việc hạ thấp mực nước dưới đất quá giới hạn cho phép có thể phát sinh các hiện tượng nứt đất, sụt lún bề mặt địa hình, tạo điều kiện cho vật chất ô nhiễm ở những tầng chứa nước có áp cao dịch chuyển vào.

Do đó, việc thực hiện Dự án Điều tra, đánh giá khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Sơn La là rất cấp thiết, nhằm đánh giá lại về hiện trạng, diễn biến trữ lượng, chất lượng và hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất. Xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác làm cơ sở cho việc cấp phép, đăng ký khai thác, sử dụng nước dưới đất, góp phần bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Tới nay, UBND tỉnh Sơn La đã có Quyết định 1138/QĐ-UBND ngày 21/5/2018, phê duyệt Đề cương và dự toán để triển khai Dự án. Dự kiến, kinh phí thực hiện dự án là hơn 2,3 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước. Dự án sẽ được thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La, trong đó, khảo sát, đo vẽ chủ yếu được tập trung vào khu vực đất ở và khu đất chuyên dùng với tổng diện tích là 503 km2. Thời gian thực hiện trong 2 năm 2018 - 2019.
a2 20
Tỉnh Sơn La ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường đầu nguồn nước hang Thẳm Tát Tòng tại xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La
Phòng ngừa ô nhiễm nước sinh hoạt

Song song với nguy cơ suy thoái tài nguyên nước dưới đất, hiện nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm trầm trọng. Theo thống kê, toàn tỉnh có 3 nhà máy cấp nước sinh hoạt quy mô lớn, gồm Nhà máy cấp nước số 1, 2 thành phố Sơn La; Nhà máy cấp nước Mai Sơn. Trong đó, Nhà máy cấp nước số 1 khai thác, sử dụng nguồn nước từ hang Thẳm Tát Tòng có công suất 12.000m3/ngày đêm, phục vụ cho hơn 12.000 hộ dân. Nhà máy cấp nước số 2 khai thác, sử dụng nguồn nước suối Nậm La, công suất 2.500m3/ngày đêm, cấp nước cho 1.000 hộ dân. Nhà máy cấp nước Mai Sơn khai thác, sử dụng nguồn nước suối Nậm Pàn, công suất 4.800m3/ngày đêm, cấp nước cho hơn 2.900 hộ dân khu vực trung tâm thị trấn và xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn.

Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu vực đầu nguồn nước cấp cho Nhà máy nước thành phố diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều lần gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước. Chỉ tính riêng năm 2017, đã xảy ra ô nhiễm nguồn nước hơn 20 lần. Đặc biệt, nhà máy nước số 1 thành phố Sơn La đã phải dừng sản xuất 10 ngày liên tiếp, từ 4-14/11/2017, do việc xả nước thải, chất thải của các cơ sở, hộ gia đình chế biến cà phê quả tươi chủ yếu bằng phương pháp ướt trực tiếp ra môi trường, gây mất nước trực tiếp cho khoảng 12.000 hộ dân, tạo bức xúc trong nhân dân.

Trước thực trạng trên, để bảo vệ nguồn nước, phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây ô nhiễm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, ứng phó, ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước; thiết lập vùng bảo hộ vệ sinh và hành lang bảo vệ nguồn nước làm căn cứ xây dựng quy định về sản xuất, kinh doanh, chế biến gắn với bảo vệ môi trường, nguồn nước, nhất là khu vực đầu nguồn nước hang Thẳm Tát Tòng, suối Nậm La và Nậm Pàn.

Sở TN&MT Sơn La đã đôn đốc, hướng dẫn, tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề xuất vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt với 30 điểm đang khai thác, sử dụng của Công ty Cổ phần cấp nước Sơn La; đang trình UBND tỉnh phê duyệt; dự kiến công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trước 30/5/2018.

Đồng thời, Sở TN&MT đã đề xuất UBND tỉnh cho phép lập và triển khai dự án Phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt với Nhà máy cấp nước số 1,2 thành phố Sơn La và Nhà máy cấp nước Mai Sơn.

Theo kế hoạch, phạm vi thực hiện cắm mốc là toàn bộ địa bàn các xã Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Chiềng An - Thành phố Sơn La; xã Bon Phặng, Muổi Nọi huyện Thuận Châu và xã Mường Chanh, Chiềng Mung huyện Mai Sơn; và một số xã khác vùng thượng nguồn lưu vực suối Nậm La và suối Nậm Pàn, có diện tích 830,60km2. Tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 1,7 tỷ đồng, huy động từ ngân sách tỉnh Sơn La năm 2018 - 2019.

Việc triển khai dự án sẽ góp phần đánh giá lại về hiện trạng, diễn biến nguồn nước, xác định rõ các vùng có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt với 3 nhà máy cấp nước. Đặc biệt, làm cơ sở để cấm/tạm cấm, thiết lập các quy định nhằm ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước và môi trường trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước.

Cùng với việc triển khai 2 dự án trên, tỉnh Sơn La cũng đang tập trung hoàn thành Dự án Quy hoạch tài nguyên nước (nội dung phòng, chống, khắc phục hậu quả do nước gây ra) đến năm 2020, định hướng 2030. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên toàn tỉnh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Triển khai 2 dự án trọng điểm để bảo vệ nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO