Sơn La: Tiếp tục kiểm tra hoạt động chế biến cà phê tại 2 đơn vị

Nguyễn Nga| 11/11/2020 11:28

(TN&MT) - Ngày 10/11, Đoàn kiểm tra, giám sát với các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục hoạt động kiểm tra tại Công ty CP Phúc Sinh Sơn La và Hợp tác xã Xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh.

Đoàn kiểm tra, giám sát kiểm tra thực địa tại Công ty CP Phúc Sinh Sơn La

Tại buổi làm việc, bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La, Trưởng đoàn kiểm tra đã thông qua Quyết định 2199/QĐ-UBND ngày 7/10/2020, thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sơn La; phổ biến kế hoạch, quy chế, quyền và nghĩa vụ của 2 bên, các nội dung kiểm tra.

Quá trình kiểm tra, giám sát sẽ triển khai theo 3 giai đoạn: Kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật vào đầu niên vụ; tùy theo tính chất, mức độ sẽ thành lập Tổ kiểm tra, giám sát kiểm tra bất kỳ (xuyên suốt từ nay đến hết ngày 30/5/2021); trước khi kết thúc niên vụ, sẽ kiểm tra để chốt lại tình hình sản xuất trong niên vụ năm nay.

Tại Công ty CP Phúc Sinh Sơn La, hiện đang triển khai Dự án Nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê từ sản phẩm cà phê Sơn La tại bản Mạt, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn. Tổng diện tích xây dựng nhà máy hơn 45ha; công suất bình quân 170 tấn quả tươi/ngày.

Công ty được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án tại Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 26/2/2018, được điều chỉnh tại Quyết định số 1066/QĐ-UBND ngày 10/5/2019. Dự án đã được UBND tỉnh cấp Giấy xác nhận số 2085/GXN-UBND ngày 23/8/2019 về xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của Dự án nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê từ sản phẩm cà phê (giai đoạn I).

Trung tâm Quan trắc TN&MT lấy 5 mẫu nước thải để đánh giá hiệu quả xử lý nước thải của hệ thống tại Cty Phúc Sinh

Qua kiểm tra thực địa, cho thấy: Đơn vị đã đầu tư các công trình bảo vệ môi trường gồm: Bể thu gom và tách dầu mỡ, bể kỵ khí HDPE, hệ thống xử lý nước thải 200m3/ngày đêm (bể trung chuyển, bể lắng sơ bộ, bể điều hòa, bể keo tụ, bể tạo bông, bể lắng, bể trung gian…). Nước thải sau xử lý được dẫn vào hồ sinh học có lót bạt HDPE và được dẫn ra hồ tiếp nhận nước thải bằng máy bơm. Đoàn đã lấy 5 mẫu nước thải để đánh giá hiệu quả xử lý của hệ thống.

Toàn bộ vỏ và bã cà phê được lưu giữ tại khu vực bãi cạnh xưởng sản xuất với diện tích khoảng 400m2, đã được xây tường cao bao quanh, nền đổ bê tông kín, nước rỉ vỏ cà phê được thu gom lại bể thu gom nước thải. Tuy nhiên, một phần bã, vỏ cà phê sau chế biến được vận chuyển lên khu vực bãi đất trống thuộc diện tích đất của Công ty, khu vực này chưa được bê tông hóa hoặc sử dụng các biện pháp chống thấm, chưa có hệ thống mái che, vỏ bã cà phê phát sinh được đắp thành 3 bãi và che bằng bạt rứa. Nước rỉ vỏ cà phê phát sinh chưa được thu gom về hệ thống xử lý nước thải.

Đoàn kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tại Hợp tác xã Xây dựng và Phát triển nông thôn Mường Chanh

Tại Hợp tác xã Xây dựng và Phát triển nông thôn Mường Chanh, thực hiện Dự án Xưởng chế biến cà phê Mường Chanh tại xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn. Tổng diện tích của dự án hơn 28.600m2. Loại hình sản xuất là chế biến cà phê theo công nghệ chế biến ướt với công suất 100 tấn nguyên liệu cà phê tươi/ngày. Sản phẩm của dự án là cà phê nhân sản xuất ra khoảng 2.200 tấn/năm. Ngoài ra, đơn vị còn áp dụng công nghệ ủ vỏ quả cà phê làm phân vi sinh hữu cơ với khối lượng sản phẩm 5.000 tấn/năm.

Dự án được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định 1130/QĐ-UBND ngày 18/5/2018; được UBND tỉnh chấp thuận thay đổi nội dung báo cáo ĐTM tại Công văn số 545/UBND-KT ngày 22/2/2019.

Qua kiểm tra cho thấy, đơn vị đã đầu tư các công trình thu gom, xử lý nước thải sản xuất gồm: Bể tách vỏ, hồ chứa nước thải số 1, 2, 3; bể thu nước rỉ vỏ; hồ biogas; hồ trung gian; cụm bể xử lý công suất 100m3/ngày đêm. Đoàn đã lấy 3 mẫu nước thải sau xử lý để phân tích đánh giá hiệu quả xử lý của hệ thống.

Về công trình xử lý, lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường, đã bố trí khu vực ủ vỏ số 2 sau hồ chứa nước thải số 1 để tập kết vỏ và ủ làm phân bón vi sinh. Khu vực sân đã được bê tông hóa, có hệ thống thu gom xử lý nước rỉ rác. Tuy nhiên, đơn vị chưa xây dựng xưởng sản xuất phân vi sinh số 1.

Về công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố của hệ thống xử lý nước thải, theo báo cáo ĐTM và Công văn số 545/UBND-KT ngày 22/2/2019 của UBND tỉnh Sơn La về việc chấp thuận thay đổi nội dung báo cáo ĐTM của dự án: Không đầu tư xây dựng công trình riêng phục vụ việc ứng phó sự cố của hệ thống xử lý nước thải. Khi có sự cố xảy ra, nước thải được lưu giữ tạm thời tại hồ biogas có thể tích 12.000 m3 và tại hồ trung gian có thể tích 5.000 m3. Trong vòng 1 tháng nếu không khắc phục được sự cố, sẽ dừng hoạt động chế biến cà phê của xưởng.

Kiểm tra thực địa tại các hồ biogas

Qua kiểm tra thực địa, bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT, Trưởng đoàn kiểm tra đánh giá: Nhìn chung, các đơn vị đã có những nỗ lực trong việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Tại buổi kiểm tra, Đoàn ghi nhận toàn bộ hiện trạng tình hình thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực có liên quan đối với 2 đơn vị. Trên cơ sở kết quả kiểm tra thực địa, Đoàn sẽ căn cứ vào sổ nhật ký vận hành, camera giám sát và đồng hồ đo đếm, hóa chất phục vụ việc xử lý nước thải cùng các hồ sơ, tài liệu khác có liên quan để tiếp tục phân tích, đánh giá đối chiếu với các quy định của pháp luật và sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị trước khi ban hành Kết luận kiểm tra.

Về những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, Đoàn đã hướng dẫn các đơn vị cách khắc phục, yêu cầu trong 7 ngày kể từ ngày kiểm tra, các đơn vị tổ chức rà soát, xây dựng phương án khắc phục ngay các tồn tại, thiếu sót, hoàn thiện việc bố trí người và thiết bị phục vụ việc phòng ngừa, ứng phó nếu có sự cố xảy ra. Kiên quyết không để hiện tượng rò rỉ, xả thải nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Cùng với đó, đề nghị UBND huyện Mai Sơn, UBND xã Chiềng Mung, Mường Chanh bố trí cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình, đặc biệt là phản ánh của nhân dân, kịp thời xử lý hoặc báo cáo kiến nghị xử lý khi có dấu hiệu vi phạm các nội dung về bảo vệ môi trường, nguồn nước đối với các đơn vị. Đề nghị UBND các xã có liên quan thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về UBND huyện và Đoàn kiểm tra về tình hình hoạt động của các đơn vị trước ngày 10 và 25 hàng tháng, thời gian đến hết ngày 30/5/2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Tiếp tục kiểm tra hoạt động chế biến cà phê tại 2 đơn vị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO