Môi trường

Sơn La: Tiếp tục giám sát chặt các cơ sở nông sản niên vụ 2023-2024

Nguyễn Nga 11/08/2023 - 15:59

(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Công văn số 2966/UBND-KT, về việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước đối với hoạt động chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh niên vụ 2023-2024. Thời gian kiểm tra, giám sát từ khi bắt đầu niên vụ đến hết tháng 5/2024.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị cấp nước tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước với hoạt động chế biến nông sản.

Duy trì các Tổ công tác kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các cơ sở có xả nước thải, chất thải rắn từ hoạt động sản xuất sơ chế, chế biến nông sản chưa xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trực tiếp ra môi trường. Yêu cầu các cơ sở chế biến nông sản quy mô nhỏ lắp đặt camera giám sát tại khu vực xử lý chất thải, truyền dữ liệu về cơ quan quản lý bảo vệ môi trường để theo dõi, giám sát.

a1.jpeg
Sơn La tiếp tục giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với 7 cơ sở chế biến nông sản tập trung.

Kiểm tra, giám sát chặt hoạt động sản xuất của các cơ sở chế biến nông sản có phát sinh nước thải nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt với Nhà máy cấp nước số 1, số 2 thành phố Sơn La và Nhà máy cấp nước Mai Sơn.

Các cơ sở chỉ được phép hoạt động khi thực hiện đầy đủ điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường, nguồn nước, có hệ thống thu gom, xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Có phương án, lộ trình di chuyển các cơ sở chế biến nông sản nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước vào các Cụm công nghiệp để thực hiện kiểm tra giám sát.

UBND tỉnh giao Sở TN&MT đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chế biến nông sản thuộc đối tượng lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc tương đương) thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. Tổ chức ký cam kết với các cơ sở chế biến cà phê, tinh bột sắn, mía đường quy mô tập trung về thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong hoạt động sản xuất niên vụ 2023-2024.

Tham mưu trình UBND tỉnh thành lập Tổ công tác giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với 7 cơ sở chế biến nông sản đã được Bộ TN&MT hoặc UBND tỉnh phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp Giấy phép môi trường.

Trong đó, đồng chí lãnh đạo Sở TN&MT là Tổ trưởng, giám sát trực tiếp các cơ sở chế biến cà phê; lãnh đạo Sở NN&PTNT là Tổ phó, giám sát trực tiếp các cơ sở chế biến tinh bột sắn, mía đường. Thời gian giám sát từ khi bắt đầu niên vụ đến hết tháng 5/2024.

UBND các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tuyên truyền các cơ sở chế biến nông sản hộ gia đình, hộ kinh doanh quy mô nhỏ thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý, giám sát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về môi trường.

img_2562.jpeg
Chủ động triển khai các giải pháp, đã góp phần phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ ô nhiễm.

Đặc biệt, giao UBND huyện Mai Sơn, Thuận Châu, thành phố Sơn La rà soát, dự báo, đánh giá sản lượng nông sản; lập danh sách số lượng các cơ sở, hộ gia đình, hộ kinh doanh dự kiến sẽ hoạt động chế biến nông sản niên vụ 2023-2024.

Khảo sát đánh giá hiện trạng, đảm bảo cơ sở chỉ được phép hoạt động khi có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và phải có các công trình thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải, công trình bảo vệ môi trường đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn.

Ký cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước giữa Chủ tịch UBND cấp huyện với Chủ tịch UBND cấp xã và các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn. Trường hợp để xảy ra ô nhiễm môi trường, nguồn nước từ hoạt động của các cơ sở, chủ cơ sở và Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND cấp huyện.

Duy trì hoạt động các Đoàn kiểm tra giám sát hoạt động sản xuất, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước của các cơ sở chế biến nông sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của UBND cấp huyện, đăng ký môi trường của UBND cấp xã.

Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động chế biến nông sản phải đăng ký quy mô, công suất hoạt động niên vụ 2023-2024 với UBND cấp xã. Đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải, công trình bảo vệ môi trường đảm bảo xử lý chất thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Quá trình hoạt động phải thực hiện đúng quy mô, công suất và vận hành hệ thống xử lý chất thải. Mọi hình thức xả trực tiếp nước thải, chất thải rắn từ hoạt động chế biến nông sản chưa được xử lý đạt quy chuẩn ra môi trường là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh, niên vụ 2022-2023, Tổ công tác giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đã triển khai kiểm tra, giám sát từ tháng 8/2022 đến hết tháng 5/2023 với 7 cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung.

Về cơ bản, các cơ sở đã chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong hoạt động sản xuất, không để xảy ra sự cố về môi trường.

UBND các huyện, thành phố đã chủ động phối hợp triển khai các biện pháp nhằm hạn chế tác động do hoạt động chế biến nông sản tới môi trường, nguồn nước. Rà soát, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ ô nhiễm từ hoạt động chế biến nông sản. Theo dõi, giám sát thường xuyên diễn biến chất lượng môi trường (nước mặt, nước dưới đất, nước sinh hoạt...) tại các khu vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Tiếp tục giám sát chặt các cơ sở nông sản niên vụ 2023-2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO