Sơn La: Tháo gỡ vướng mắc trong cấp GCNQSDĐ lần đầu

28/06/2016 00:00

(TN&MT) - Tại một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Sơn La, tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (GCNQSDĐ) đang rất chậm và thấp. Để hoàn thành mục tiêu cấp xong GCN lần đầu trong năm 2016 đang là bài toán khó với Sơn La.

Tỷ lệ cấp GCNQSDĐ trên địa bàn huyện Thuận Châu mới dừng ở hơn 1,1%.
Tỷ lệ cấp GCNQSDĐ trên địa bàn huyện Thuận Châu mới dừng ở hơn 1,1%.

Sử dụng kinh phí chưa hiệu quả

Huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La là một trong những huyện đã được cấp nguồn kinh phí khá lớn phục vụ công tác cấp GCN lần đầu và đã thực hiện thanh toán cho các đơn vị tư vấn 3,1/3,7 tỷ đồng được cấp. Tuy nhiên, tính tới nay, số GCN đã cấp tới tay người dân mới dừng ở con số gần 200 GCN/15.228 GCN cần cấp; đạt 1,1% số GCN lần đầu cần cấp. Đã thẩm định 2.509 hồ sơ đủ điều kiện, hiện đang in GCN, bằng 16,47% số giấy cần cấp.

Tại huyện Quỳnh Nhai, kinh phí phòng TN&MT huyện đã chi là 4,7 tỷ/kế hoạch 8,6 tỷ, bằng 54% kế hoạch dự toán, nhưng tỷ lệ sản phẩm cuối cùng là GCN cấp đến các hộ cũng mới dừng ở 72% số GCN lần đầu cần cấp.

Trao đổi với PV về thực trạng này, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai tỉnh Sơn La cho biết: Về cơ bản, tại 2 huyện trên, công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính đã triển khai hoàn tất. Nhưng sau khi tiến hành đo đạc, các huyện lại thanh, quyết toán cho đơn vị tư vấn phần đo đạc, sau đó không thực hiện cấp GCN. Phòng TN&MT huyện, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện chưa tập trung nhân lực, thời gian để tổ chức thẩm định hồ sơ, chưa đôn đốc sát sao các đơn vị tư vấn, dẫn đến tỷ lệ cấp GCN bị hạn chế.

Riêng tại huyện Quỳnh Nhai, việc đo đạc do tư vấn tại Hà Nội thực hiện, việc cấp GCN do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện thực hiện, trong khi năng lực chuyên môn của cán bộ còn hạn chế. Mặt khác, Văn phòng đã áp dụng phần mềm cấp giấy chưa theo đúng chỉ đạo của Sở. Kết quả cho ra sản phẩm hồ sơ địa chính chưa đảm bảo các yêu cầu theo quy định.

Để giải quyết bài toán này, tỉnh Sơn La đã yêu cầu huyện Thuận Châu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ cấp GCN theo kết quả đo đạc cho các hộ gia đình. Trước mắt, tập trung chỉnh sửa, hoàn thiện 2.339 hồ sơ đã in GCN để trình UBND huyện ký cấp Giấy.

Với huyện Quỳnh Nhai, yêu cầu UBND huyện tăng cường chỉ đạo Phòng TN&MT thực hiện việc cấp GCN lần đầu theo đúng các văn bản hướng dẫn của Sở, để sử dụng có hiệu quả, đúng quy định phần kinh phí Nhà nước cấp. Đặc biệt, khi thanh, quyết toán yêu cầu sản phẩm cuối cùng là Giấy chứng nhận cấp cho các hộ.    

Đồng thời, đề nghị UBND huyện có văn bản báo cáo UBND tỉnh toàn bộ nội dung cấp GCN lần đầu từ khi triển khai đến nay để kịp thời phát hiện, tháo gỡ vướng mắc tồn đọng.

Liệu có về đích?

Tới nay, tỉnh Sơn La đã hoàn thành cấp 93% số GCN cần cấp. Phấn đấu trong năm 2016 sẽ hoàn thành 7% còn lại, tương đương hơn 35.000 GCN. Tuy nhiên, đây là bài toán không hề đơn giản.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết: Từ tháng 4 tới nay, Sở TN&MT Sơn La đã lập đoàn kiểm tra công tác cấp GCN lần đầu trên địa bàn các huyện, thành phố.

Kết quả cho thấy, vướng mắc lớn nhất hiện nay là sự phức tạp trong nguồn gốc sử dụng đất. Có nhiều trường hợp người dân đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái phép giữa các loại đất nông nghiệp; sử dụng đất sản xuất nông nghiệp trên đất quy hoạch lâm nghiệp hoặc khai phá rừng trái phép để sản xuất nhưng chưa được điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp. Chuyển nhượng, chuyển mục đích trái phép từ đất nông nghiệp, lấn chiếm đất công, xây dựng nhà trái phép, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được duyệt; cơ quan tổ chức phân chia nhà, đất cho cán bộ, nhân viên không xác định rõ được nguồn tiền xây dựng nhà ở, xác định nghĩa vụ tài chính...

Bên cạnh đó, nhiều huyện không bố trí, cân đối dành đủ mức tối thiểu 10% nguồn thu từ đất cho việc cấp GCN lần đầu nên các đơn vị tư vấn chưa tập trung triển khai, hoàn thiện.

Hiện nay, Sở TN&MT Sơn La đã đề nghị UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát, xác định diện tích các loại đất ở, đất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định, trình UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng để phục vụ việc cấp GCN trong thời gian sớm nhất.

Đồng thời, tiến hành kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp GCN ở từng xã, bản để đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy. Chú trọng công tác thẩm định hồ sơ cấp GCN và trình ký GCN để bàn giao cho các hộ.

“Dù còn nhiều khó khăn, nhưng tới nay, chúng tôi vẫn đang cố gắng phấn đấu để đạt mục tiêu trong năm 2016, sẽ cơ bản cấp xong GCN lần đầu cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; xây dựng xong cơ sở dữ liệu huyện Mường La; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu tại Thành phố và huyện Mai Sơn” – bà Nguyễn Thị Thúy Hằng nhấn mạnh.

Bài & ảnh: Nguyễn Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Tháo gỡ vướng mắc trong cấp GCNQSDĐ lần đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO