Sơn La: Rà soát các nguồn thải để xác minh nguyên nhân ô nhiễm suối Nậm Pàn

Nguyễn Nga| 09/04/2022 14:00

(TN&MT) - Sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc ô nhiễm môi trường suối Nậm Pàn sau Trường tiểu học thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, ngày 8/4, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Sơn La đã tiến hành kiểm tra, xác minh nguyên nhân ô nhiễm.

a1.jpg

Chốt chỉ số các đồng hồ đo lưu lượng của hệ thống xử lý nước thải tại Cty CP Mía đường Sơn La.

Trước mắt, đã kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Công ty CP Mía đường Sơn La; rà soát các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm tại xã Cò Nòi và thị trấn Hát Lót.

Thời điểm khảo sát, ghi nhận thực trạng nước chảy ra từ mó nước gốc cây sung, mó tròn tiểu khu 5, mó đùn tiểu khu 4, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn bị ô nhiễm, nước có mùi hôi. Nước từ mó gốc sung và mó tròn chảy ra suối Nậm Pàn và gây ô nhiễm đoạn suối từ sau trường Tiểu học thị trấn Hát Lót xuống phía hạ lưu. Đoàn kiểm tra, giám sát đã lấy 2 mẫu nước để phục vụ việc phân tích, đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm.

a2.jpg
a4.jpg

Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của Cty CP Mía đường Sơn La.

Tiếp đó, Đoàn đã kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Công ty CP Mía đường Sơn La. Thời điểm kiểm tra ghi nhận, hệ thống xử lý nước thải 900m3/ngày đêm và hệ thống xử lý nước thải 2.000m3/ngày đêm của Công ty đang vận hành ổn định. Tại các hồ chứa nước thải chưa xử lý, thể tích nước thải chiếm khoảng 60%.

Riêng khu vực hố gas thu gom nước mưa nằm gần vị trí hang Karst ở phía cuối nhà máy, cây, cỏ nằm ở phần đất phía trên hố gas không có dấu bị hiệu nghiêng, đổ và không có đất đá hoặc chất thải bám dính (trường hợp nước mưa từ hố gas thu gom bị tràn và chảy vào hang Karst sẽ hình thành dòng chảy mặt dẫn đến cây, cỏ nằm tại phần đất này sẽ bị nghiêng đổ và có đất đá hoặc chất thải bám dính). Đoàn kiểm tra, giám sát đã yêu cầu Công ty thu gom toàn bộ nước mưa tại hố gas nằm trước hang Karst bơm về hồ số 4 của hệ thống xử lý nước thải để xử lý.

Bên cạnh đó, niên vụ năm nay, Công ty đã lắp đặt 10 camera để giám sát hệ thống xử lý nước thải tại các vị trí: Hồ số 1 chứa nước thải sau xử lý; các hồ số 2,3,4 chứa nước thải chưa xử lý; hệ thống giải nhiệt, làm mát; hệ thống xử lý nước thải 900m3/ngày đêm và bể dập tro; bể hiếu khí của hệ thống xử lý nước thải 900m3/ngày đêm; hệ thống xử lý nước thải 2000m3/ngày đêm; bể lắng bùn sinh học (bể tròn) của hệ thống xử lý nước thải 2000m3/ngày đêm; 1 camera giám sát tại vị trí hang Karst. Qua giám sát trực tuyến từ Sở TN&MT, không phát hiện dấu hiệu xả nước thải ra môi trường. Tổ kiểm tra, giám sát đã lấy 1 mẫu nước tại hồ số 1 (hồ chứa nước thải sau xử lý để tái sử dụng) để phân tích, đánh giá chất lượng nước thải sau xử lý.

a6.jpg

Kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh nước thải tại xã Cò Nòi.

Tại khu vực thị trấn Hát Lót, qua kiểm tra cho thấy, nước thải phát sinh trong hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình đều đang dẫn chảy vào hệ thống rãnh thoát nước chung của các khu dân cư, một phần chảy về suối Nậm Pàn gần vị trí chân cầu Hát Lót.

Tại xã Cò Nòi, khu vực cống 39 thuộc tiểu khu 39, toàn bộ nước thải sinh hoạt, sản xuất của các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, giết mổ gia súc, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ khác nằm tại khu vực trung tâm xã đều chảy qua cống 39. Sau đó chảy xuống hang Karst Ón Lọ, bản Nhạp, xã Cò Nòi. Tổ kiểm tra, giám sát đã lấy 1 mẫu nước tại cửa hang Karst Ón Lọ để đánh giá chất lượng nước.

a5.jpg

Khu vực cống 39 thuộc tiểu khu 39, xã Cò Nòi, toàn bộ nước thải sinh hoạt, sản xuất đều chảy qua đây, sau đó chảy xuống hang Karst.

Về các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại khu vực này, hiện 1 cơ sở chế biến tinh bột sắn đã dừng hoạt động từ ngày 26/2/2022. Cơ sở chăn nuôi tại bản Nhạp, xã Cò Nòi trước đây chăn nuôi lợn, hiện nay đã chuyển sang chăn nuôi bò dùng đệm lót sinh học; không phát hiện việc cơ sở xả nước thải chưa qua xử lý vào môi trường.

Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra, giám sát, khu vực này trước đây cũng đã xảy ra ô nhiễm nguồn nước suối. Do địa hình khu vực phức tạp, nhiều hang Karst, dòng chảy ngầm, nên việc xác định nguyên nhân chính xác gây ô nhiễm rất phức tạp.

Các kết quả quan trắc chất lượng nước trước đó, cho thấy, một trong những nhân tố gây ô nhiễm là nước thải sinh hoạt, nước thải từ các nhà hàng, khách sạn, chợ, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và nước thải từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn xã Cò Nòi và thị trấn Hát Lót chưa đạt tiêu chuẩn (chỉ xử lý sơ bộ qua bể phốt và bể biogas, có nồng độ Vi khuẩn Coliform và vi khuẩn E.Coli cao) đã ngấm và tích tụ vào các hang Karst, khi có mưa to đã xuất lộ tại mó tròn làm ô nhiễm nguồn nước.

Do đó, Sở TN&MT đã đề nghị huyện Mai Sơn khuyến cáo đến người dân sinh sống dọc suối Nậm Pàn, sau mưa lớn tại thị trấn Hát Lót và các xã lân cận không lấy nước suối Nậm Pàn, nước mó gốc sung, nước mó tròn Tiểu khu 4, nước mó tròn Tiểu khu 5 sử dụng cho mục đích tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản.

a3.jpg

Kiểm tra khu vực hang Karst Ón Lọ, bản Nhạp, xã Cò Nòi.

Về nghi vấn của người dân, nguyên nhân gây ô nhiễm là do hoạt động của Công ty CP Mía đường Sơn La? Trước khi vào mùa vụ, Đoàn kiểm tra liên ngành với các cơ sở nông sản của UBND tỉnh đã kiểm tra đáy hồ chứa, dán tem niêm phong và chốt chỉ số các đồng hồ nước thải đầu vào và đầu ra hệ thống xử lý, đồng hồ cấp đầu vào; duy trì các tổ kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất trong suốt niên vụ. Đến thời điểm hiện tại, không phát hiện hành vi xả thải ra môi trường.

Trước mắt, Đoàn kiểm tra đã đề nghị huyện Mai Sơn khẩn trương rà soát lại công tác bảo vệ môi trường với các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ sở giết mổ gia súc tại xã Cò Nòi, xử lý nghiêm các trường hợp xả thải trực tiếp ra môi trường. Đoàn kiểm tra tiếp tục giám sát chặt công tác bảo vệ môi trường tại Công ty CP Mía đường Sơn La; giao Trung tâm quan trắc TN&MT khẩn trương phân tích, đánh giá kết quả các mẫu nước. Sau khi có kết quả quan trắc, Đoàn kiểm tra sẽ tiếp tục phân tích, đánh giá, đối chiếu với các quy định của pháp luật và sẽ tiếp tục làm việc với Công ty CP Mía đường Sơn La và các tổ chức cá nhân có liên quan. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).

Ngay sau khi nhận được phản ánh từ nhân dân, ngày 8/4, Sở TN&MT đã ban hành Công văn số 1232/STNMT-QLMT đề nghị UBND huyện Mai Sơn chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn khẩn trương phối hợp với Công an huyện Mai Sơn, UBND thị trấn Hát Lót, xã Cò Nòi kiểm tra xác minh, làm rõ các nội dung phản ánh của người dân.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh (chăn nuôi, mía đường, tinh bột sắn...) có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường mó nước gốc cây sung (sau trường Tiểu học thị trấn Hát Lót). Trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện hành vi vi phạm, kịp thời xử lý theo đúng quy định. Tiếp tục phối hợp giám sát hoạt động sản xuất và bảo vệ môi trường của Nhà máy mía đường Sơn La của Công ty CP Mía đường Sơn La.

Quá trình triển khai thực hiện, trường hợp cần đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường, đề nghị liên hệ với Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh để phối hợp thực hiện quan trắc, phân tích chất lượng môi trường. Báo cáo kết quả kiểm tra xác minh và xử lý (nếu có) về Sở TN&MT, chậm nhất ngày 12/4/2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Rà soát các nguồn thải để xác minh nguyên nhân ô nhiễm suối Nậm Pàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO