Dân tộc thiểu số

Sơn La: Quan tâm bố trí, ổn định dân cư vùng thiên tai

Nguyễn Nga 16:36 26/10/2023

(TN&MT) - Những năm qua, Sơn La đã tập trung triển khai các dự án bố trí dân cư vùng thiên tai, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế - xã hội để nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất.

Di dời khẩn cấp nhân dân vùng lũ quét

Đầu tháng 8 vừa qua, do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài, trên địa bàn huyện Mường La đã xảy lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng. Mưa lũ làm 1 người chết, 4 người bị thương, hơn 200 nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng… Trong đó, bản Nà Lếch, xã Chiềng Lao là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, 23 hộ dân bản Nà Lếch chỉ trong 1 đêm phải di dời khẩn cấp.

ml.jpeg
Hàng năm, huyện Mường La đã triển khai hỗ trợ các xã khảo sát địa điểm an toàn, bố trí nguồn ngân sách để xây dựng các khu tái định cư.

Ngay khi mưa lũ xảy ra, Mường La đã thành lập các tổ kiểm tra nắm bắt tình hình thiệt hại, kịp thời chỉ đạo công tác khắc phục. Cùng với đó, huyện thành lập Sở chỉ huy chỉ đạo khắc phục thiên tai tại xã Chiềng Lao; huy động các lực lượng với phương châm “4 tại chỗ” hỗ trợ các hộ có nguy cơ sạt lở cao di chuyển người, tài sản đến nơi ở an toàn. Để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện đã bố trí nơi ăn, ở cho các hộ trong diện di dời, đảm bảo cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân.

Đồng thời với việc khắc phục hậu quả, huyện Mường La tiến hành khảo sát, triển khai khẩn cấp Dự án bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai bản Tằng Khẻ, xã Chiềng Lao, quy mô dự kiến 23 hộ, tổng mức đầu tư dự kiến 12.500 triệu đồng; Dự án bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai bản Két, xã Tạ Bú, quy mô dự kiến 16 hộ, tổng mức đầu tư dự kiến 7.000 triệu đồng.

Chỉ sau hai tháng, hàng chục ngôi nhà kiên cố đảm bảo an toàn và ổn định đã được dựng lên, kèm theo đó là các công trình phụ trợ được đầu tư về điện, đường, nước sinh hoạt... giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống sau thiên tai.

Mường La là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Toàn huyện có 16 xã, thị trấn, hơn 21.000 hộ, trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Thái, Mông, La Ha, Kháng…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La Nguyễn Văn Tâm, xác định sắp xếp, ổn định dân cư vùng thiên tai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm, huyện đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ các xã khảo sát địa điểm an toàn, bố trí nguồn ngân sách xây dựng các khu tái định cư đảm bảo an toàn cho người dân trước mùa mưa lũ. Hiện nay, Mường La đang đẩy nhanh tiến độ thi công 6 dự án sắp xếp dân cư, đảm bảo di dời bà con đên nơi ở mới trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

a1.jpg
Điểm tái định cư Suối Dinh, huyện Phù Yên, bố trí ổn định dân cư cho 90 hộ dân.

Cũng là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng do lũ ống, lũ quét, nguy cơ sạt lở đất, huyện Phù Yên đã rà soát các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, vùng thường xuyên ngập lụt, từ đó xây dựng Đề án bố trí, sắp xếp dân cư tập trung, an toàn, phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đến hết năm 2025, sẽ hoàn thành bố trí sắp xếp 5 điểm tái định cư tập trung, 2 điểm tái định cư xen ghép, bố trí ổn định cho 264 hộ dân, hơn 1.300 nhân khẩu. Đến nay, đã bố trí sắp xếp được 4/5 điểm tái định cư tập trung.

Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên cho biết: Để triển khai công tác bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai, UBND huyện đã huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến cộng đồng dân cư, để mọi người dân hiểu rõ, đồng thuận, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân thuộc diện di chuyển. Đồng thời, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho việc khởi công, thi công, hoàn thành công trình đúng tiến độ.

Để tạo được sự đồng thuận đó, huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các hộ trên địa bàn cần tổ chức sắp xếp lại dân cư hiểu được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các hộ gia đình tham gia dự án, công bố công khai các chính sách được hưởng của từng đối tượng để các hộ yên tâm tham gia thực hiện. Đồng thời tiếp tục rà soát các địa điểm có nguy cơ cao về an toàn phòng chống thiên tai để đề xuất ưu tiên triển khai các dự án bố trí, sắp xếp dân cư.

Rà soát, khoanh vùng nguy cơ xảy ra thiên tai

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thực hiện Quy hoạch Bố trí sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, Sơn La đã triển khai bố trí sắp xếp ổn định 171 điểm dân cư với 4.705 hộ.

img_1030.jpg
Những năm qua, tỉnh Sơn La đã tập trung triển khai các dự án bố trí dân cư vùng thiên tai.

Trong đó, ổn định tại chỗ 1.395 hộ, di chuyển 3.310 hộ. Song song với công tác quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư, tỉnh cũng quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế xã hội để sớm ổn định đời sống, sản xuất.

Tuy nhiên, qua ghi nhận từ các địa phương, việc bố trí sắp xếp dân cư trên địa bàn nhiều huyện còn gặp khó khăn do địa hình phức tạp, độ dốc lớn, việc tìm các vị trí mặt bằng đáp ứng nhu cầu bố trí tập trung hàng trăm hộ dân là rất khó. Cùng với đó, hệ thống đường giao thông, cơ sở hạ tầng để thi công các điểm sắp xếp dân cư còn nhiều hạn chế.

Chủ động ứng phó với diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường của thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, thời gian tới, UBND tỉnh Sơn La đã giao UBND các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để chủ động chỉ đạo triển khai ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Với các khu vực đã phát hiện nguy cơ sạt lở, lũ quét, kiên quyết di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về người, tài sản của nhân dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.

Tỉnh triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống các hộ dân bị mất nhà do sạt lở, lũ quét, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở.

Trong thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục rà soát kỹ, phát hiện kịp thời khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, nhà máy…; Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết về nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó. Đặc biệt, cần chú ý đa dạng các hình thức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, kịp thời với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tại các vùng đặc biệt khó khăn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO