Sơn La: Nhiều bất cập BVMT trong khai thác khoáng sản

28/07/2016 00:00

(TN&MT) - Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La, hiện nay, việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường tại các điểm mỏ có hoạt động khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường và chưa tuân thủ nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Việc quan trắc tại các mỏ đá Sơn La chưa được quan tâm triển khai thường xuyên
Việc thực hiện các thủ tục hành chính về môi trường tại các điểm mỏ còn nhiều bất cập 

Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2004 đến 30/4/2016, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 263 giấy phép khai thác khoáng sản. Trong đó, 27 giấy phép còn hiệu lực.

Ông Nguyễn Quang Thiên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Sơn La cho biết: Vừa qua, Đoàn công tác của Sở TN&MT đã tiến hành kiểm tra 37 giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó 13 giấy phép đã hết hạn, 24 giấy phép còn hiệu lực. Tổng số điểm mỏ trong giấy phép là 48 điểm mỏ, trong đó 14 điểm mỏ hết hạn, 34 điểm mỏ còn hạn giấy phép.

Kết quả kiểm tra cho thấy, đa số các cơ sở có giấy phép còn hiệu lực khai thác đã thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM, phương án cải tạo phục hồi môi trường trình UBND tỉnh, Bộ TN&MT thẩm định theo đúng quy định; đã ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường. Việc lập đánh giá tác động môi trường đều đúng đối tượng, có giải pháp đảm bảo an toàn cho các bãi thải theo yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Một số cơ sở phát sinh bùn thải từ khu vực tuyển quặng như điểm mỏ của C.ty CP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc, C.ty TNHH Mỏ Nikel Bản Phúc… đã xây dựng đập chắn, hồ chứa bùn thải, đảm bảo mức độ an toàn, không để xảy ra sự cố môi trường.

Tuy nhiên, mới chỉ có 21/48 điểm mỏ lập phương án cải tạo phục hồi môi trường. 27/48 điểm mỏ chưa rõ thông tin về phương án cải tạo phục hồi môi trường. 16/21 điểm mỏ niêm yết công khai báo cáo ĐTM và kế hoạch quản lý môi trường tại UBND cấp xã. 15/20 cơ sở có báo cáo quan trắc môi trường định kỳ theo quy định. Chưa có cơ sở nào lập hồ sơ thủ tục kiểm tra, xác nhận việc thực hiện công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án. Nhìn chung, việc thực hiện các thủ tục hành chính về môi trường, việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, thực hiện các công trình bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường và chưa tuân thủ nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường.

“Đáng lưu ý, hiện nay, 21 cơ sở sau khi dừng hoạt động khai thác khoáng sản đều chưa tiến hành hoàn phục môi trường. 13 cơ sở sau khi hết phép khai thác cũng không thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ theo đúng quy định của pháp luật, gây khó khăn trong việc quản lý tài nguyên và môi trường; cũng như việc hoàn phục môi trường.” – ông Nguyễn Quang Thiên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, công tác thăm dò khoáng sản các dự án đều được thực hiện trước khi đầu tư. Tuy nhiên, đa số các dự án khai thác quặng kim loại màu đều thăm dò chưa thực sự chính xác. Nhiều dự án khai thác khoáng sản đánh giá trữ lượng sai khác so với thực tế, nhiều mỏ tiến hành khai thác nhưng không có quặng. Do vậy, quá trình đầu tư một số dự án chưa hiệu quả. Ngoài ra, do trữ lượng mỏ thấp, trong quá trình khai thác hết quặng trước dự tính nên công tác hoàn phục môi trường một số dự án chưa được thực hiện. Điển hình như điểm mỏ than Suối Bàng, xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ; điểm mỏ than Suối Lúa, Suối In, huyện Phù Yên; điểm mỏ đồng Huổi Lóng, xã Liệp Muội, huyện Quỳnh Nhai...

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường khi tiến hành khai thác khoáng sản, Sở TN&MT Sơn La đề nghị UBND tỉnh lập đưa vào kế hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh nội dung lập phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản với những dự án đã kết thúc hoạt động và không xác định được chủ đầu tư.

Đồng thời, Sở TN&MT sẽ tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường với các doanh nghiệp; các xã có hoạt động khai thác khoáng sản đề chính quyền, cộng đồng dân cư có thể tham gia giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của dự án.

Tăng cường chỉ đạo trong công tác thăm dò, thẩm định, đánh giá trữ lượng khoáng sản, nhất là các khoáng sản không phải là vật liệu xây dựng thông thường; công tác thẩm định hồ sơ cấp phép với hoạt động khai thác khoáng sản nhằm đánh giá đúng trữ lượng khoáng sản, thuận lợi cho quá trình thiết kế, lập dự án đầu tư và cấp phép, đảm bảo đồng bộ, đúng thẩm quyền. Tăng cường chỉ đạo công tác lập, thẩm định Báo cáo ĐTM, phương án cải tạo phục hồi môi trường; kiểm tra xác nhận công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án; ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường; kiểm tra, xác nhận hoàn thành từng phần phương án cải tạo, phục hồi môi trường.

Đặc biệt, tăng cường thanh, kiểm tra, hậu kiểm với công tác bảo vệ môi trường với hoạt động khai thác khoáng sản. Giai đoạn xây dựng cơ bản mỏ cần được kiểm tra trước khi đưa vào vận hành chính thức. Công trình bảo vệ môi trường cần được xác nhận trước khi chính thức vận hành dựa án. Với những điểm mỏ đã dừng hoạt động, yêu cầu chủ đầu tư hoàn phục môi trường và tiến hành đóng cửa mỏ theo đúng quy định.

Bài & ảnh: Nguyễn Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Nhiều bất cập BVMT trong khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO