Sơn La: Năm 2017, nâng tỷ lệ xử lý cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng

27/10/2016 00:00

(TN&MT) – Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh Sơn La đề ra trong Kế hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh năm 2017. Cùng với đó, Sơn La phấn đấu, năm 2017, 90% chất thải rắn đô thị được thu gom, 75% chất thải y tế được xử lý, 95% dân cư được sử dụng nước sạch đô thị, 85% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

Năm 2017, Sơn La sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải và rác thải y tế tại các tuyến bệnh viện huyện (Ảnh minh họa)
Năm 2017, Sơn La sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải và rác thải y tế tại các tuyến bệnh viện huyện (Ảnh minh họa)

Trong năm 2016, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Sơn La năm 2016 cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Việc thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án cải tạo phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; đề án bảo vệ môi trường, xác nhận cam kết bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện đồng bộ.

Tuy nhiên, do sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, dẫn đến việc triển khai thực hiện các dự án xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là các cơ sở y tế còn rất chậm. Việc sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường ở cấp huyện chưa được quan tâm, tập trung để giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm ở cấp huyện về môi trường.

Bên cạnh đó, công tác thu gom, xử lý chất thải ở xã, thôn, bản chưa được quan tâm đúng mức. Công tác bảo vệ môi trường đối với các thủy điện vừa và nhỏ chưa khảo sát, đánh giá tác động môi trường, đời sống kinh tế xã hội của vùng hạ lưu thủy điện. Việc đánh giá tác động môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và trong sản xuất nông nghiệp chưa thường xuyên. Đặc biệt, tình hình sử dụng thuốc diệt cỏ ngày càng thường xuyên dẫn đến tình trạng tồn dư và thẩm thấu ảnh hưởng tới nguồn nước mặt cũng như nước ngầm. Ô nhiễm môi trường nước từ các cơ sở sơ chế nông sản như cà phê đến nay chưa kiểm soát được.

Khắc phục những tồn tại trên, trong năm 2017, tỉnh Sơn La đã đặt ra 7 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, tập trung huy động mọi nguồn vốn để đầu tư xử lý dứt điểm 8/9 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chế biến cà phê, chế biến sắn, khai thác và chế biến khoáng sản...

Lập và tổ chức thực hiện các dự án: Xây dựng khu tái chế và xử lý chất thải nguy hại tập trung; tiêu huỷ thuốc bảo vệ thực vật; lập danh mục, xây dựng lộ trình xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Dự án thoát nước và xử lý nước thải Thành phố Sơn La; dự án thoát nước và xử lý nước thải thị trấn Mộc Châu; Dự án thí điểm áp dụng lò đốt chất thải sinh hoạt tại một số huyện trong tỉnh.

Trong phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, sẽ tập trung xử lý có hiệu quả tình trạng ô nhiễm do chất thải rắn khu vực nông thôn và hoạt động chăn nuôi tập trung gây ra, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất thỏa đáng và quan tâm đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải, nước thải, hạ tầng kỹ thuật về môi trường. Tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm và xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở sản xuất dong, sắn, cà phê...

Tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường, từ đó tham mưu, đề xuất, kiến nghị và xử lý nghiêm minh mọi tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường thông qua việc phát động phong trào thi đua về bảo vệ môi trường một cách thường xuyên, liên tục; xây dựng các chương trình truyền thông, các chuyên mục, phóng sự về môi trường; tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền về Luật Bảo vệ môi trường, các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; tổ chức các hội thi tuyên truyền về bảo vệ môi trường... Nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, tỉnh Sơn La sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn dân trong công tác bảo vệ môi trường. Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào các trường học, giáo dục truyền thống yêu thiên nhiên, nếp sống gần gũi, gắn bó và bảo vệ môi trường. Các tổ, bản, khu dân cư đưa nội dung bảo vệ môi trường vào quy ước, hương ước để tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Kiện toàn tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp, đảm bảo phòng TN&MT cấp huyện có cán bộ chuyên trách làm quản lý môi trường; cấp xã bố trí chức danh công chức địa chính - xây dựng - môi trường; các sở, ban, ngành, đơn vị, các tổ chức kinh doanh cần bố trí cán bộ kiêm nhiệm làm công tác bảo vệ môi trường; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị môi trường cho các cơ quan quản lý môi trường các cấp.

Dự kiến, nguồn thu từ thuế, phí Bảo vệ môi trường năm 2017 đạt 78 tỷ đồng. Tổng chi cho sự nghiệp môi trường hơn 115 tỷ đồng, trong đó, Sơn La đề nghị Ngân sách Trung ương hỗ trợ 20 tỷ đồng.

Nguyễn Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Năm 2017, nâng tỷ lệ xử lý cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO