Sơn La lên phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường giai đoạn 2020-2021

Nguyễn Nga| 24/03/2020 14:27

(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2021; áp dụng với tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Sơn La lên phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường giai đoạn 2020-2021

Theo đó, với các cơ sở thuộc đối tượng phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc các cơ sở thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục IIa Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP phải lập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường riêng theo hướng dẫn; hoặc lồng ghép vào Phương án bảo vệ môi trường.

Chủ cơ sở kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ tập trung có ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường riêng. Kế hoạch này phải được gửi cho UBND cấp huyện, xã nơi thực hiện dự án, Ban Quản lý khu công nghiệp (cơ sở nằm trong khu công nghiệp), Sở Công thương, Sở TN&MT.

Cùng với đó, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh phải bảo đảm đầy đủ nguồn nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố; tiến hành bảo dưỡng định kỳ, bổ sung và thay thế các thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng để bảo đảm khả năng sử dụng tốt trong mọi tình huống.

Định kỳ 1 năm/lần tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập về các nội dung trong Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do đơn vị xây dựng tới người lao động trong đơn vị. Công khai thông tin về rủi ro gây sự cố trong quá trình hoạt động tới cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương và các cơ sở sản xuất khác trong khu vực để phối hợp trong quá trình phòng ngừa và ứng phó sự cố.

Các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã chủ động xây dựng năng lực ứng phó sự cố môi trường và hệ thống thiết bị cảnh báo theo ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý. Chủ động, bảo đảm cho các lực lượng ứng phó sự cố môi trường được đào tạo, huấn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng khả năng sẵn sàng triển khai các hoạt động ứng phó khẩn cấp khi xảy ra sự cố môi trường.

Hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn lập và thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường riêng, hoặc lập phương án bảo vệ môi trường trong đó có kế hoạch ứng phó sự cố môi trường theo quy định. Tổ chức thanh, kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cao gây sự cố môi trường theo thẩm quyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trong kế hoạch nêu rõ các bước phải thực hiện để kịp thời ứng phó vụ việc, sự cố môi trường; công tác khắc phục sau sự cố; xác định nguyên nhân, quan trắc, đánh giá sự cố môi trường; công tác phối hợp công bố thông tin giữa các cơ quan liên quan…

Đặc biệt, cơ sở sản xuất kinh doanh phải thông báo đến UBND cấp huyện, xã, Sở TN&MT danh sách, số điện thoại liên lạc của nhóm/bộ phận tham gia ứng phó sự cố môi trường của cơ sở mình. Các sở, ngành, UBND huyện, xã phải công khai danh sách, số điện thoại tiếp nhận thông tin về các sự cố môi trường, số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin, niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị, cổng thông tin điện tử và gửi cho các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ sở và người dân được biết, thông báo khi có sự cố.

 

Để thực hiện tốt kế hoạch, UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh lập và thực hiện Kế hoạch. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở, đặc biệt là các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, khai thác khoáng sản, chế biến nông sản, chăn nuôi, vật liệu xây dựng, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường và phòng ngừa, ứng phố sự cố môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tổ chức điều tra, quản lý các nguồn thải, đánh giá mức độ ô nhiễm và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải để quản lý, giám sát theo quy định; nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo, hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường.

UBND các huyện, thành phố tăng cường, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn theo phân cấp; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh khi để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn quản lý; chỉ đạo cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường và các lực lượng chức năng sử dụng tổng hợp các biện pháp để bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ngăn chặn và ứng phó với sự cố môi trường, cưỡng chế thực hiện trong các trường hợp cần thiết.

Tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch này đến UBND cấp xã và các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm trên địa bàn biết và thực hiện. Chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn theo phân cấp; trường hợp xảy ra sự cố môi trường, yêu cầu cơ sở để xảy ra sự cố ngừng hoạt động, thực hiện các biện pháp hạn chế phạm vi, mức độ ảnh hưởng, triển khai các hoạt động khắc phục; thông báo ngay cho UBND cấp huyện và các cơ quan có liên quan.

Phối hợp các cơ quan có liên quan rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, công trình công ích có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La lên phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường giai đoạn 2020-2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO