Sơn La: Kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR

Nguyễn Nga| 07/04/2023 21:52

(TN&MT) - Đoàn kiểm tra số 1 Ban chỉ đạo Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh Sơn La vừa kiểm tra thực tế và làm việc với các huyện Mai Sơn, Quỳnh Nhai, Mộc Châu về công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Với đặc điểm địa hình bị chia cắt mạnh, những năm qua, huyện Mai Sơn đã phân định 3 tiểu vùng rõ rệt thuộc khu vực trọng điểm cháy rừng, gồm: Các xã dọc sông Đà (Tà Hộc, Chiềng Chăn), dọc dãy Pha Văn (Nà Bó, Thị trấn Hát Lót, Cò Nòi) và các xã vùng cao (Nà Ớt, Phiêng Cằm, Phiêng Pằn, Chiềng Nơi,...). Tổng diện tích xác định vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao là 15.580 ha tại 15 xã, 80 bản, tiểu khu.

1(1).jpg

Đoàn kiểm tra thực địa công tác quản lý bảo vệ rừng tại xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn.

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, PCCCR, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn, đôn đốc các chủ rừng xây dựng và bổ sung 3.094 phương án PCCCR.

Bố trí lực lượng Công an viên, dân quân tự vệ, tổ đội quần chúng bảo vệ rừng các thôn bản tiến hành tuần tra, canh gác rừng, đặc biệt là các khu vực rừng tập trung trong những tháng cao điểm khô hanh. Khi xảy ra cháy rừng, thảm thực vật rừng phải khẩn trương báo động, huy động lực lượng chữa cháy như: Đánh trống, kẻng, điện thoại, báo động bằng loa điện…

Từ năm 2022 đến nay, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã có những chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền cơ sở đã đẩy mạnh tuyên truyền đến chủ rừng, nhân dân về tầm quan trọng, sự cần thiết của công tác bảo vệ rừng. Chủ động ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm. Năm 2022, đã kiểm tra, xử lý 22 vụ vi phạm, giảm 77 vụ so với cùng kỳ. Quý I/2023, đã lập biên bản xử lý 2 vụ vi phạm, 1 vụ khai thác rừng trái phép.

3(1).jpg

Huyện Quỳnh Nhai tăng cường các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR.

Tại huyện Quỳnh Nhai, với hơn 51.000ha diện tích có rừng, trên 1.000 chủ rừng, công tác tuyên truyền luôn được chính quyền địa phương quan tâm hàng đầu, xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng.

Từ năm 2022 đến nay, đã tổ chức 102 cuộc tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, ký cam kết về quản lý bảo vệ rừng, PCCCR với hơn 10.500 lượt người tham gia. Hướng dẫn các chủ rừng xây dựng 534 phương án PCCCR, cắm 401 biển tam giác, biển chữ nhật, biển quy ước bảo vệ rừng, biển chi trả DVMTR tại 5 xã.

Vận động nhân dân chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR, bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Tăng cường truy quét các tổ chức, cá nhân phá hoại rừng kết hợp với rà soát quỹ đất để giao cho nhân dân sản xuất; quan tâm sinh kế cho người dân, nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng.

Thành lập tổ công tác liên ngành tăng cường tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Qua đó, đã xử lý 20 vụ vi phạm về các hành vi: Khai thác, tàng trữ, mua bán, tàng trữ lâm sản, phá rừng trái pháp luật…

2(1).jpg

Đoàn kiểm tra thực địa công tác quản lý bảo vệ rừng làm việc tại huyện Mộc Châu.

Còn tại Mộc Châu, toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã được giao cho các tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân, Ban quản lý rừng đặc dụng với trên 5.700 chủ rừng; diện tích rừng chưa giao chưa cho thuê khoảng 6.000ha.

Chính quyền địa phương đã chủ động kiểm tra, đôn đốc các xã, bản, các chủ rừng tăng cường quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, kiểm soát nguy cơ cháy rừng. Rà soát, bổ sung, xây dựng phương án PCCCR theo phương châm "4 tại chỗ".

Hướng dẫn nhân dân đốt dọn nương rẫy đảm bảo an toàn; phân vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng để có kế hoạch bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Thực hiện tốt các biện pháp xử lý thực bì, làm giảm vật liệu cháy ở khu vực rừng trồng, làm mới, tu sửa đường băng cản lửa ở diện tích rừng có nguy cơ cháy cao.

Quản lý chặt chẽ nương rẫy, tăng cường kiểm tra, giám sát, không để lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng làm nương; vận động, tuyên truyền, kiên quyết thu hồi diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã bị phá, lấn chiếm không cho tái sản xuất nương rẫy để phát triển rừng.

Tổ chức họp tại 153/153 bản, tiểu khu có rừng để quán triệt đến người dân, chủ rừng nghiêm túc thực hiện các nội dung, quy định về quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Ký cam kết bảo vệ rừng với 12.966 hộ gia đình tại 15 xã, thị trấn. Tu sửa các biển báo, quy ước bảo vệ rừng, PCCCR tại các xã Lóng Sập, Mường Sang, thị trấn Mộc Châu, Hua Păng, Nà Mường... Cấp phát 500 biển cấm, 168 Pano nội quy bảo vệ rừng.

Tổ chức tuần tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm Luật lâm nghiệp. Trong năm 2022 đến tháng 2/2023, các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn đã tích cực kiểm tra ngăn chặn, xử lý 47 vụ vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản.

4(1).jpg

Các địa phương trên toàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng.

Kết thúc các buổi làm việc với các huyện, Đoàn kiểm tra số 1 đã lập biên bản ghi nhận kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR của các địa phương. Đề nghị Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các huyện tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR.

Trong đó, tập trung cho công tác quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn nước, rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất. Tiếp tục rà soát, đảm bảo giao rừng đến từng đối tượng quản lý, bảo vệ. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân bảo vệ rừng, PCCCR; hạn chế tối đa việc lấn chiếm đất rừng, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; đốt nương gây nguy cơ cháy rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO