Sơn La: Khai mở tiềm năng khoáng sản

02/04/2015 00:00

(TN&MT) - UBND Tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định 419, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Sơn...

(TN&MT) - UBND Tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định 419, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn 2025.
 
Tiềm năng
 
Theo quy hoạch, giai đoạn 2015 - 2020, Sơn La tập trung nâng cao sản lượng quặng đồng, khai thác gắn với thăm dò mở rộng các điểm quặng đồng phục vụ cho nhà máy luyện đồng trên địa bàn tỉnh. Khai thác sản lượng quặng đồng nguyên khai đạt 600 - 700 ngàn tấn/năm. Tổ chức thăm dò, khai thác các điểm than đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định cho UBND tỉnh quản lý, đảm bảo phần lớn nhu cầu nhiên liệu cho các nhà máy trên địa bàn tỉnh (xi măng, gạch tuynel). Triển khai thăm dò, khai thác gắn với chế biến ở mức độ hợp lý một số các điểm mỏ khác như chì, kẽm; magnezit, talc... 
 
 
 
 
Quy hoạch thăm dò và cấp phép khai thác sẽ thực hiện với 10 điểm mỏ khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ như: Mỏ than Bản Púm (Quỳnh Nhai); mỏ than Khe Lay (Yên Châu); mỏ thạch anh xã Phiêng Ban (Bắc Yên)… Quy hoạch điều chỉnh thăm dò, khai thác và sử dụng 17 điểm mỏ khoáng sản đã được cấp phép khai thác, tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn như: Mỏ than Suối Bàng khu II (Mộc Châu); mỏ than Suối Lúa – Suối In (Phù Yên); điểm mỏ đồng Đá Đỏ (Phù Yên)… Tỉnh Sơn La cũng quy hoạch 10 điểm mỏ khoáng sản, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định là khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ như điểm quặng sắt Hua Mường (Mường La), điểm quặng Antimon (Yên Châu), điểm quặng sắt Tu Rúc (Mai Sơn)…
 
Về các cơ sở chế biến khoáng sản, năm 2015 dự kiến hoàn thành Nhà máy luyện đồng Phù Yên, có công suất 5.000 - 7.000 tấn đồng kim loại/năm. Năm 2020, hoàn thành nhà máy pheroniken Bắc Yên, công suất dự kiến 30.000 tấn/năm. 
 
Cần khắc phục những hạn chế
 
Sơn La là tỉnh miền núi có tiềm năng khoáng sản ở vị trí thứ 3 trong vùng Tây Bắc, sau Lào Cai và Yên Bái, với nguồn than và quặng Nikel (xếp thứ nhất) và quặng đồng (xếp thứ 3) có giá trị nổi bật. 
 
Tuy nhiên, công tác nghiên cứu địa chất khoáng sản rất hạn chế, cả về mặt lượng và diện (không gian lãnh thổ và đối tượng khoáng sản nghiên cứu). Trong số 40 công trình đã được thực hiện, có 12 công trình thuộc diện điều tra đo vẽ bản đồ địa chất, 15 công trình tìm kiếm đánh giá và chỉ có 13 công trình thăm dò, chủ yếu dành cho các mỏ, điểm than... Công tác thăm dò trong hoạt động sản xuất của các cơ sở khai thác cũng chưa được chú trọng và đầu tư thỏa đáng, ngay cả với cơ sở có quy mô khá như Công ty cổ phần khoáng sản KTB, Công ty cổ phần khoáng sản Sơn La...
 
Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản (ngoài VLXD thông thường) trên địa bàn tỉnh cũng chưa đa dạng, chủ yếu là than, quặng barit, quặng sắt, quặng đồng. Sản lượng khai thác hàng năm không lớn.
 
Công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, phục hồi và khắc phục hiện trạng môi trường sau khai thác chưa được các đơn vị thực hiện nghiêm túc. 
 
Việc xử lý chất thải, bãi thải, đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại chưa được các chủ đầu tư quan tâm, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, nước sản xuất, gây sạt lở đất... ảnh hưởng tới đời sống nhân dân quanh khu vực mỏ, nhất là vùng hạ du. 
 
Việc thực hiện Luật Đất đai của các dự án hoạt động khoáng sản còn nhiều bất cập. Một số dự án chưa có quyết định cho thuê đất đã triển khai xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng và tiến hành khai thác.
 
Do đặc thù là tỉnh miền núi có vị trí địa lý không thuận lợi, đặc điểm địa chất – khoáng sản phức tạp, các điểm mỏ phân tán, có nhiều loại khoáng sản nhưng không tập trung, manh mún đã ảnh hưởng đến việc đầu tư lớn có trọng điểm. Cùng với việc thiếu vốn, không thể đầu tư công nghệ thích hợp, dẫn đến các hoạt động khoáng sản thời gian qua hiệu quả chưa cao, thu hút đầu tư chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng khoáng sản Sơn La.
 
Nguyễn Nga
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Khai mở tiềm năng khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO