Sơn La hướng dẫn xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường

Nguyễn Nga| 22/12/2022 13:12

(TN&MT) - Trong 2 ngày 22-23/12, Sở TN&MT tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn thực hiện tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường. Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Thị Thu Hằng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh; Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh; phòng Tài nguyên và Môi trường 12 huyện, thành phố; công chức địa chính các xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường.

1.jpg

Quang cảnh Hội nghị tập huấn.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Từ năm 2017 đến nay, đường dây nóng của Sở  đã tiếp nhận 39 thông tin phản ánh, gồm 30 thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường, 4 phản ánh về đất đai, 4 phản ánh về khoáng sản, 1 phản ánh về tài nguyên nước.

Sở đã chủ trì, phối hợp với các sở ngành, UBND cấp huyện, cấp xã có liên quan xử lý kịp thời thông tin; xác minh, xử phạt tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; có văn bản phúc đáp, phản hồi thông tin về kết quả giải quyết đến công dân có kiến nghị, phản ánh. Qua đó, góp phần tạo niềm tin trong nhân dân đối với công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường.

Đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường được thiết lập đã góp phần đa dạng hóa công tác tiếp nhận thông tin về ngành TN&MT, mang lại những hiệu quả tích cực trong việc phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, tạo niềm tin, sự gắn kết giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, việc tiếp nhận và xử lý thông tin ô nhiễm từ cấp Trung ương đến cơ sở vẫn chưa có sự đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Tại một số nơi, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị thì mới chỉ được xử lý thông tin ban đầu, chưa chú trọng xử lý vụ việc, dẫn đến vụ việc ô nhiễm không được xử lý triệt để, khiến người dân phản ánh nhiều lần, gây bức xúc trong dư luận nhân dân, làm giảm hiệu quả đường dây nóng.

3.jpg

Cán bộ Sở TN&MT hướng dẫn sử dụng hệ thống thông tin tiếp nhận phản ánh ô nhiễm cho cán bộ phụ trách tại cấp huyện.

Để giải quyết những hạn chế, bất cập trên, năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện công khai, cập nhật số điện thoại, địa chỉ thư điện tử của đường dây nóng các cấp trên địa bàn tỉnh trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu quá trình tập huấn, hướng dẫn phải đảm bảo tính cụ thể, rõ ràng, truyền tải đầy đủ các quy định, quy trình có liên quan đến tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng cho lãnh đạo, chuyên viên các phòng Tài nguyên và Môi trường, công chức địa chính môi trường cấp xã được giao thực hiện nhiệm vụ.

a2.jpg

Những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường tại các địa phương (Ảnh: Kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT với Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu).

Tại Hội nghị, các báo cáo viên của Sở Tài nguyên và Môi trường đã phổ biến Quy chế đường dây nóng về ô nhiễm môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 174/QĐ-BTNMT ngày 24/1/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và những nội dung cần lưu ý. Khái quát chung về hệ thống thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường, hướng dẫn sử dụng hệ thống thông tin tiếp nhận phản ánh ô nhiễm.

Đặc biệt, đã hướng dẫn xử lý với một số vụ việc cụ thể, từ cách thức tổ chức khảo sát, xác định đối tượng, phạm vi, mức độ ô nhiễm với vụ việc chưa xác định được đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm. Tổ chức đoàn kiểm tra, thanh tra để xử lý vụ việc với vụ việc đã xác định được đối tượng có dấu hiệu vi phạm. Hướng dẫn xử lý vi phạm, yêu cầu khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra và bồi thường thiệt hại về môi trường (nếu có).

Ông Khuất Văn Hội, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Mường La cho biết: Triển khai Quy chế tiếp nhận, xử ý thông tin đường dây nóng và sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Phòng TN&MT đã tham mưu cho UBND huyện thiết lập đường dây nóng và địa chỉ thư điện tử tiếp nhận thông tin phản ánh; cử 1 lãnh đạo phòng và 1 chuyên viên phụ trách tiếp nhận thông tin. Ngay sau Hội nghị hôm nay, Phòng TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện để tổ chức triển khai tiếp nhận kiến nghị và xử lý thông tin về ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả cao hơn, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện.

Thực hiện Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Thông báo số 43/TB-UBND, công khai số điện thoại, địa chỉ thư điện tử đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về ô nhiễm môi trường các cấp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, số điện thoại đường dây nóng về ô nhiễm môi trường tỉnh Sơn La là: 1900.599.976.

Địa chỉ thư điện tử: duongdaynongtnmtsonla@gmail.com.

Tại 12/12 huyện, thành phố đã thiết lập, cập nhật số điện thoại đường dây nóng và danh sách thông tin, đơn vị, cán bộ được giao vận hành Hệ thống phần mềm tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường.

Việc tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị liên tục 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần (bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La hướng dẫn xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO