Sơn La: Giám sát công tác bảo vệ môi trường tại 2 cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung

Nguyễn Nga| 04/11/2022 17:27

(TN&MT) - Tổ công tác giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La do Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Thị Thu Hằng làm Tổ trưởng vừa triển khai giám sát tại Xưởng chế biến cà phê Cát Quế, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu và Xưởng chế biến cà phê Minh Tiến, xã Chiềng Xôm, TP Sơn La.

a1.jpg

Tổ công tác kiểm tra khu vực hệ thống xử lý nước thải của Xưởng chế biến cà phê Cát Quế.

Tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác Lê Thị Thu Hằng đã công bố Quyết định 1887/QĐ-UBND ngày 12/9/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Tổ công tác giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở chế biến nông sản, Quyết định số 01/QĐ-TCT ngày 14/9/2022 của Tổ trưởng Tổ công tác thành lập Đoàn giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với các cơ sở chế biến cà phê quy mô lớn. Quán triệt mục đích, nội dung, yêu cầu giám sát niên vụ 2022-2023.

Niên vụ năm nay, Xưởng chế biến cà phê Cát Quế đi vào hoạt động từ ngày 8/8/2022, đã thu mua gần 3.000 tấn cà phê quả tươi, đạt khoảng 40-60% công suất.

Ông Vương Bá Trung - Quản lý Xưởng chế biến cà phê Cát Quế, cho biết: Toàn bộ nước thải phát sinh từ hoạt động chế biến cà phê tươi được thu gom, lưu giữ tại các hồ chứa nước thải và được xử lý bằng Hệ thống xử lý nước thải công suất 100 m3/ngày đêm. Nước thải sau xử lý được lưu giữ tại các hồ sinh học và tái sử dụng cho hoạt động chế biến cà phê. Đã bố trí 2 khu vực tập kết bã vỏ cà phê, có hệ thống thu gom nước rỉ vỏ.

Với khí thải, khu vực lò sấy trống quay đã lắp đặt thêm hệ thống dập tàn, hạn chế khói bụi phát tán ra ngoài môi trường xung quanh. Hạn chế sử dụng các loại nhiên liệu vô cơ làm phát sinh nhiều khí thải độc hại, dùng các vật liệu đốt hữu cơ như gỗ tạp, vỏ chấu cà phê khô. Thực hiện quan trắc nước thải, không khí theo đúng ĐTM được phê duyệt.

Ngoài ra, toàn bộ lượng chất thải rắn phát sinh được thu gom, xử lý làm phân vi sinh. Khu vực bãi chứa vỏ được phủ kín bạt, tránh mùi hôi phát tán gây ảnh hưởng.

a3.jpg

Kiểm tra hiện trạng các hồ thu gom nước thải.

Tại Xưởng chế biến cà phê Minh Tiến thuộc Công ty Cổ phần tập đoàn Minh Tiến – MTG. Xưởng đi vào hoạt động từ ngày 5/9/2022, đã thu mua hơn 1.700 tấn quả cà phê tươi, sản lượng chế biến trung bình đạt 32 tấn/ngày.

Ông Nguyễn Vĩnh Đức - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Tiến-MTG, cho biết: Lượng nước thải phát sinh gần 1.700m3, được thu gom, lưu chứa trong 2 hồ kỵ khí và được xử lý bằng Hệ thống xử lý nước thải công suất 200 m3/ngày đêm. Nước thải sau xử lý được lưu giữ tại ao sinh học để tái sử dụng phục vụ chế biến.

Công ty đã xây dựng 1 nhà xưởng để chế biến vỏ cà phê thành phân hữu cơ vi sinh với diện tích 1.700m2 đã được quây và lợp tôn kín. Nước rỉ vỏ trong quá trình ủ bã vỏ cà phê được thu gom tại hố chứa, bơm hút và đưa trở lại hệ thống xử lý nước thải. Đã lắp đặt hệ thống xử lý khói thải từ quá trình đốt vỏ trấu vận hành lò đốt nhiệt sạch. Đã lắp dàn phun sương để thu bụi, 1 giá lót than hoạt tính để lọc khí độc. Bụi sau khi xử lý thành khí sạch, thoát ra ngoài qua đường ống khói cao hơn 20m, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.

Tại 2 cơ sở, Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra thực địa, ghi nhận toàn bộ hiện trạng các hồ lưu chứa nước thải; giám sát các chỉ số đồng hồ đo lưu lượng của hệ thống xử lý nước thải. Kiểm tra bạt lót tại các bể chứa nước thải, khu thu gom, xử lý vỏ quả cà phê sau sơ chế, khu vực sấy...

a4.jpg

Khu vực hệ thống xử lý nước thải của Xưởng chế biến cà phê Minh Tiến.

Qua đánh giá ban đầu, về cơ bản, hệ thống xử lý cùng các bể chứa nước thải hoạt động ổn định. Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh đã tiến hành lấy 2 mẫu nước thải để đánh giá hiệu quả của hệ thống xử lý.

Ghi nhận ý kiến của chính quyền địa phương nơi đặt cơ sở chế biến cà phê, chính quyền địa phương đã thường xuyên kiểm tra, giám sát với cơ sở, chưa ghi nhận kiến nghị phản ánh về hoạt động của cơ sở với cuộc sống nhân dân khu vực xung quanh.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, Tổ công tác yêu cầu 2 cơ sở tiếp tục chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. Vận hành Hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo toàn bộ nước thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tái sử dụng cho hoạt động sản xuất, trong mọi trường hợp nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn không được phép xả thải ra môi trường. Thu gom bã vỏ cà phê, ủ phân vi sinh (quá trình ủ phải che bằng bạt kín) và thu gom nước rỉ vỏ cà phê theo đúng quy trình.

a2.jpg

Ghi nhận các chỉ số đồng hồ đo lưu lượng của hệ thống xử lý nước thải.

Định kỳ thường xuyên kiểm tra đánh giá khả năng hoạt động của các đường ống dẫn nước thải và các đồng hồ đo lưu lượng nước thải, đảm bảo nước thải chảy thường xuyên liên tục, đồng hồ duy trì chế độ hoạt động. Trường hợp thay thế các đồng hồ đo lưu lượng phải báo cáo Tổ công tác để giám sát việc thay thế, có lập Biên bản thay thế, chốt chỉ số đồng hồ cũ và mới.

Cập nhật đầy đủ, thường xuyên các số liệu tại Nhật ký vận hành các máy bơm nước thải, Nhật ký theo dõi các đồng hồ đo lưu lượng nước thải trong quá trình bơm nước thải từ khu vực phát sinh qua các hồ chứa nước thải và Hệ thống xử lý nước thải, việc bơm nước tái sử dụng nước thải.

Thực hiện nghiêm việc truyền dữ liệu hình ảnh camera tại các khu vực xử lý chất thải của Xưởng chế biến cà phê về Sở TN&MT, UBND huyện Thuận Châu, UBND thành phố Sơn La để thực hiện kiểm tra giám sát. Thực hiện quan trắc, giám sát môi trường theo đúng Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.

Định kỳ trước ngày 30 hàng tháng, báo cáo kết quả hoạt động, việc thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải phát sinh gửi UBND tỉnh (qua Sở TN&MT), UBND huyện Thuận Châu, UBND thành phố Sơn La để theo dõi, giám sát.

Tổ công tác cũng đề nghị UBND các địa phương tăng cường giám sát hoạt động sơ chế cà phê trên địa bàn, kiên quyết không để xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Phòng Cảnh sát môi trường tăng cường các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, nguồn nước trong hoạt động chế biến nông sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Giám sát công tác bảo vệ môi trường tại 2 cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO